Những vết thương lòng
1. Lịch sử có thể
thay đổi. Tại Việt Nam,
quá khứ và hiện tại minh chứng điều đó. Lịch sử Đất Nước thay đổi. Lịch sử Hội
Thánh chuyển biến. Lịch sử từng người đổi thay.
Nhưng, khi lịch sử
đã thay đổi rồi, hậu quả của lịch sử thường vẫn còn. Cái “vẫn còn” khó xử lý nhất
là những vết thương trong lòng.
Có những vết thương
được lành với thời gian và nhờ hoàn cảnh thuận lợi.
Có những vết thương
tưởng đã lành, nhưng khi đụng tới, vẫn cảm thấy đau.
Có những vết thương
tạm gọi là bị nhiễm độc, gây nên đau đớn âm ỉ, đưa người ta tới những lựa chọn
nguy hại, đôi khi tới chỗ bùng nổ dưới nhiều hình thức.
Ở đây, tôi muốn đề
cập tới loại vết thương nhiễm độc. Loại này đang xảy ra như một sự kiện tâm lý
khá phổ biến tại Việt Nam
ta.
2. Thực vậy, trong
các cuộc tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp dưới hình thức chiến tranh nội bộ,
bên thua dễ mang những vết thương trong lòng. Khi vết thương đó trở thành nguồn
gốc gây nên cay đắng triền miên, thì cay đắng ấy là dấu chỉ vết thương lòng đã
bị nhiễm độc.
Trong cuộc sống cạnh
tranh, kẻ tưởng mình phải hơn người, nếu chẳng may lại bị thất bại, thì thất bại
đó dễ gây nên vết thương. Nếu vết thương đó được cảm nghiệm như một nguồn bất
mãn triền miên, thì bất mãn ấy là dấu chỉ vết thương trong lòng đã bị nhiễm độc.
Trong cuộc sống
chung, sự thiếu tế nhị và những thành kiến thường dễ làm tổn thương nhiều người.
Sự tổn thương này, nếu tạo ra nơi họ thái độ xa tránh, phân hoá và xơ cứng,
không thể hoà giải, thì đúng là vết thương ban đầu đã bị nhiễm độc thê thảm.
Trong một nền văn
hoá đặt nặng lý thuyết và vẻ bề ngoài hào nhoáng, những người chờ đợi các giá
trị đạo đức nhiều khi cảm thấy thất vọng. Thất vọng của họ dễ trở thành vết
thương. Nếu vết thương ấy biến thành phẫn nộ, ác cảm, khinh khi, thì đúng là vết
thương đã bị nhiễm độc.
Trong Thánh Kinh,
chúng ta đọc thấy: Sự thành công của Đavít đã gây nên cho vua Saolê một vết
thương lòng rất sâu, rất nặng. Thành công của Đavít là một xúc phạm. Vua cảm thấy
mình phải loại trừ Đavít. Chứng tỏ vết thương của vua Saolê đã bị nhiễm trùng
trầm trọng.
Trong cuộc sống hiện
nay, nhiều người như mang những vết thương thầm kín nào đó, khiến họ giảm niềm
tin vào các cơ chế đạo đời, thậm chí cũng chẳng còn dám tin vào những người
xung quanh. Họ khép kín, dựng nên những bức tường vô hình để ẩn mình trong đó với
nhiều thất vọng dồn nén. Đúng là có những vết thương nhiễm độc trầm trọng.
3. Như vậy, nguyên
do gây nên những vết thương lòng có thể là khách quan, và cũng có thể là chủ
quan.
Dù do nguyên nhân
nào, những vết thương lòng bị nhiễm độc bao giờ cũng dễ gây nên những hậu quả
tai hại. Hậu quả tai hại nhất là người ta bị thúc đẩy đi vào những hướng xa rời
đạo đức.
-
Hướng hận thù, tìm hạ người khác xuống.
-
Hướng tìm tạo cho mình những hào quang giả.
-
Hướng tìm cách khẳng định mình bằng thói quen thích tố cáo, kết án người khác.
Khi những vết
thương nhiễm độc lại thuộc về cả một tập thể, thì người ta không loại trừ bùng
nổ những cuộc nổi loạn.
Hiện nay, có vài sự
kiện đang xảy ra đó đây trong Hội Thánh, mà tôi gọi là một thứ nổi loạn. Thí dụ:
sự kiện công khai chống đối các giáo lý trong đạo, sự kiện công khai phỉ báng
các bề trên trong đạo, sự kiện công khai lìa bỏ các bí tích trong đạo, sự kiện
công khai bỏ công giáo để gia nhập các giáo phái.
Nguyên do đưa tới
những thứ nổi loạn trên đây một phần là những vết thương trong lòng những con
người và những tập thể thuộc về Hội Thánh. Những vết thương đó không luôn là do
lỗi Hội Thánh. Nhưng Hội Thánh ghi nhận mình cũng phải liên đới với chuyện đau
lòng xảy ra cho con cái của mình.
4. Riêng đối với
tôi, những thứ nổi loạn trên đây đã và đang gây ra trong lòng tôi những vết
thương phải nói là rất đau. Tôi cố gắng, không để cho những vết thương đó bị
nhiễm độc. Đồng thời phải tìm cách lợi dụng chúng để đi vào hướng tốt.
Làm thế nào đây?
Thưa cách chữa lành
tốt nhất, đối với tôi, là cậy nhờ ở Chúa.
Con đường cậy nhờ Chúa
được tôi thực hiện và cảm nhận cụ thể như sau:
Tôi để lòng mình
tĩnh lặng. Đi vào nơi tĩnh lặng, để hồi tâm.
Tôi cầu nguyện và đọc
Kinh Thánh. Trong suy gẫm Lời Chúa, tôi để ý nhiều đến khát khao được nghe ý
Chúa.
Khi sự khao khát ấy
được hình thành trên sự khiêm tốn, khó nghèo nội tâm và tin tưởng ở Chúa, tôi cảm
được sự Chúa đến với tôi.
Người đến trong thẳm
sâu linh hồn tôi. Tôi có cảm tưởng là Người đã ở sẵn đó. Người luôn gõ nhẹ lòng
tôi. Người chỉ đợi tôi mở cửa lòng mình bằng sự khiêm nhường cầu khẩn.
5. Khi được gặp
Chúa, tôi nhìn nhận rõ hơn những vết thương lòng tôi. Tôi nhận ra những vết
thương mà có thể tôi đã vô tình gây nên cho kẻ khác. Tôi nhận ra sự thực ghê gớm
này là: những vết thương, nếu bị nhiễm độc, sẽ đưa người ta vào những hướng gây
nên đủ loại sự chết. Chết sự tự do, chết căn tính người môn đệ Chúa, chết phần
rỗi linh hồn. Chúng sẽ gây tai hại chồng chất, khi người ta đi tìm lối thoát khỏi
vết thương bằng những cách nhằm thoả mãn ý riêng.
Trong bầu khí tình
thương, Chúa cho tôi nhìn ra Chúa là Đấng cứu độ. Người rửa các vết thương lòng
tôi bằng máu châu báu của Người. Người lấy tình yêu của Người mà băng bó những
vết thương ấy. Người chia sẻ cho tôi chính sự sống của Người. Những gì tốt
trong tôi đã chết đều được Người cho sống lại.
Tôi cảm nhận một
cách thắm thiết Chúa là tình yêu cứu độ. Tình yêu ấy được tỏ hiện khi Người yêu
tôi là kẻ tội lỗi. Tôi thấy ứng nghiệm nơi tôi lời thánh Phaolô xưa: “Đức Kitô
đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi. Đó là bằng
chứng Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).
6. Từ cảm nghiệm được
Chúa yêu thương và chết cho mình là kẻ tội lỗi, tôi được Chúa căn dặn là hãy biết
yêu thương những người khác, cho dù họ tội lỗi. Tình yêu cứu độ không bao giờ
áp đặt. Vì thế, tôi nên tránh những cách áp đặt đạo đức bằng quyền lực. Áp đặt
đạo đức bằng quyền lực thường sinh ra trong lòng kẻ bị áp bức những vết thương
tai hại, nhất là thời nay.
Được tình yêu cứu độ
của Chúa dạy dỗ, tôi cảm thấy bình an và vui mừng. Tôi muốn được đau khổ thay
cho người khác hơn là bắt người khác đau khổ thay cho tôi.
Hạnh phúc sau cùng
của tôi là chính Đức Kitô và thánh giá của Người. Hạnh phúc đó làm cho những vết
thương lòng tôi trở thành niềm hy vọng và là mối hiệp thông với các môn đệ
Chúa. Những môn đệ ấy đang mang những vết thương trên thân xác và trong tâm hồn
của họ. Nhưng họ hân hoan vì có Chúa trong lòng họ. Tôi cảm tạ Chúa vì những vết
thương của chúng tôi được thánh hoá do tình yêu thương xót Chúa.
Long Xuyên, ngày 30
tháng 5 năm 2012
+ Gm. Gioan B BÙI TUẦN