Về chuyện quản lý đất
nước
Báo Tuổi Trẻ Chủ nhật ngày 27-5-2012 chạy
tít lớn: “Phá nát danh thắng Đà-lạt”,
và vào đề với mấy câu “thảm thiết” như sau: “Thác Cam Ly bốc mùi, hồ Than Thở…
thở than, thung lũng Tình Yêu rỗng ruột… Hàng loạt thắng cảnh nức tiếng từng
làm nên sự kỳ diệu của ‘xứ sở ôn đới trong lòng nhiệt đới’ đều đang trong thảm
cảnh”. Chuyện về thác Cam Ly và hồ Than Thở bị ô nhiễm nặng có lẽ không gây ngạc
nhiên và thắc mắc nhiều lắm, nhưng việc dân đào thiếc đã đào ngay dưới thung
lũng Tình Yêu “những đường hầm nhiều cửa ăn thông với nhau, dài hàng trăm mét,
bên trong có đầy đủ điện nước”, cũng gần 7 năm rồi (Tuổi Trẻ Chủ nhật sđd, tr. 6; x. Thanh Niên 2-6-2012, tr.1 và 12) mà chính quyền “không biết” (?)
cho đến khi báo chí phanh phui… thì thật là không tin nổi!
Diện tích hồ Than Thở bị thu hẹp bởi bãi bồi rác thải và cỏ dại phủ lấp
(Tuoitreonline 27/5/2012)
Từ núi, ta xuống biển
nghe chuyện: Người Trung Quốc lập bè
nuôi thuỷ sản ở Cam Ranh. Ở vịnh Cam Ranh,
cách quân cảng không xa, có hàng chục bè nuôi cá của người Trung Quốc, với những
ngôi nhà lợp tôn được thiết kế kiên cố, mỗi bè rộng khoảng 100 m2 (x. Thanh Niên 1-6-2012, tr 4). Có người ở
P. Cam Linh (TP Cam Ranh) cho biết ông ta làm thuê cho người Trung Quốc từ khi
bè nuôi cá của họ mới lập vào năm 2001 đến nay, nghĩa là đã 11 năm rồi! Người
này còn cho biết: “Những người Trung Quốc này thực chất rất ít nuôi cá mà chủ yếu
mua cá mú ở Cam Ranh và các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Kiên Giang… về vỗ béo,
sau đó chờ tàu từ Trung Quốc qua chở về. Cứ khoảng một tháng có một tàu loại lớn
của Trung Quốc qua lấy hàng, trên tàu có gần mười người đều là người Trung Quốc”
(Tuổi Trẻ 2-6-2012. tr. 6). Việc nuôi
và xuất khẩu hải sản như thế đều không đặt dưới sự quản lý nào của chính quyền
địa phương, và tất nhiên họ không phải trả đồng thuế nào cả! Mãi đến chiều 1-6
ông Nguyễn Văn Hoàng – phó bí thư Thành uỷ Cam Ranh – mới cho biết quan điểm của
chính quyền về vụ này như sau: “Thành uỷ yêu cầu kiểm tra có bao nhiêu người nước
ngoài đang nuôi trồng, mua bán thuỷ sản trong vịnh Cam Ranh, có đăng ký kinh
doanh hay không, có đăng ký tạm trú ở địa phương hay không… Việc người Trung Quốc
nuôi hải sản trong vịnh Cam Ranh đã xuất hiện mấy năm nay rồi nhưng đúng là anh
em quản lý ở các địa phương lơ quá, theo dõi không kỹ. Anh em cứ tưởng họ tới
mua hải sản rồi đi chứ không nắm chắc họ trụ lại đó để làm ăn là dở quá. Mấy
năm nay họ mượn danh nghĩa người Việt Nam để nuôi cá mà không đóng đồng
thuế nào cả” (Tuổi Trẻ, 2-6-2012,
tr. 6). Theo cách nói rất “trơn tru” của ông phó bí thư Thành ủy Cam Ranh, thì “anh em” chỉ “lơ quá”, chỉ “cứ tưởng là…”,
chỉ “theo dõi không kỹ” (nghĩa là có
theo dõi), anh em chỉ “dở thôi”, tắt
một lời các người anh em của ông phó bí thư chả có lỗi gì hết! Xin nhắc lại,
người Trung Quốc làm ăn ở đây đã là những ông chủ lớn ngay từ năm 2001.
Cũng như vụ “thiếc
tặc” ở thung lũng Tình Yêu, ở Cam Ranh cũng thế, chỉ sau khi sự việc được báo
chí đưa ra dư luận thì chính quyền TP mới biết những người dựng bè cá trên vịnh
là phi pháp và quyết định trục xuất họ (x. Tuổi
Trẻ 2-6-2012, tr. 6).
Sau vụ Cam Ranh,
báo Thanh Niên ngày 2-6-2012 lại có
bài viết về “Người Trung Quốc ở Vũng Rô”.
Bài báo tóm tắt: “Ở Vũng Rô (Phú Yên) hàng chục người Trung Quốc liên kết với một
số công ty tư nhân VN để đầu từ nuôi trồng thủy sản nhưng lại hợp thức hoá dưới
vỏ bọc chuyên gia kỹ thuật”. Mánh lới của họ cũng không mới lạ gì: lúc đầu người
VN đứng tên nuôi, họ làm chuyên viên, rồi nhờ có vốn, họ thuê lại và ăn chia với
người Việt Nam,
cuối cùng toàn bộ chi phí đầu tư nuôi thuỷ sản đều do tư thương Trung Quốc bỏ
ra. Họ cũng nhập luôn cá giống từ TQ. Công nhân làm việc trên bè đều do tư
thương Trung Quốc trả tiền công. Họ đã thực sự trở thành những ông chủ rồi. Các
ngành chức năng tỉnh Phú Yên cũng chẳng biết được nguồn cá xuất bán đi đâu, chỉ
biết nguồn cá đó rất lớn (Thanh Niên,
sđd, tr.13). Nghĩa là chính quyền không cho phép, không quản lý, không thu thuế!
Ông trưởng thôn Vũng Rô chỉ bức xúc cho biết: “Họ nuôi theo quy trình khép kín
vì con giống cũng từ TQ nhập về. Đến khi cá lớn, tàu của TQ vào tận bè mang đi.
Toàn bộ việc mua bán, vận chuyển đều qua đường biển cả. Ngư dân mình mà lái tàu
đến gần thì họ yêu cầu tránh xa, trong khi mặt nước vùng này là của mình quản
lý. Xe chuyên chở thức ăn của họ gây ô nhiễm môi trương chỉ có người dân ở đây
lãnh đủ” (Thanh Niên, nt).
Ba sự việc trên đây
(tôi chọn chúng chỉ vì tính thời sự của chúng trên báo chí miền Nam rất
gần đây thôi) đều liên quan tới sự yếu
kém của giới lãnh đạo các cấp về quản lý và tinh thần trách nhiệm trong những
lãnh vực thuộc trách nhiệm của họ. Loại sự việc như thế, ở những tầm mức khác
nhau, thì nhan nhản khắp nơi. Sự yếu kém của nhà quản lý biểu lộ ra theo nhiều
cách.
– “Không biết!”. Cách thứ nhất là:
“Tôi (chúng tôi) không biết”. Cách nói này có khi là đúng sự thật nhưng vẫn
không đủ để chạy tội cho anh nếu do nhiệm vụ của anh, anh phải biết. Song câu
nói quen thuộc đó rất lắm khi là một câu dối trá. Sự thật là anh biết rõ nhưng
anh chối phắt vì sợ trách nhiệm bởi anh đã dung túng, đã nhắm mắt làm ngơ, hoặc
anh thông đồng hay anh bị mua chuộc (tham nhũng)… Vì lý do gì đi nữa, anh vẫn
thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu đạo đức, chí ít anh cũng là người hèn nhát.
Trong trường hợp trách nhiệm quản lý trực tiếp thuộc cấp dưới, thì khi được hỏi,
cấp trên thường trả lời: “Tôi (chúng tôi) không nghe (hay chưa được) báo cáo”.
Cấp trên thường cảm thấy mình đã được “an toàn” với câu trả lời đó, nhưng họ có
dễ dàng phủi trách nhiệm như thế không nếu chính họ phải quản lý cấp dưới của
mình? Chuyện xảy ra ra cả “bàn dân thiên hạ” đâu cũng bàn tán, chỉ có “ông
chính quyền” sở tại không biết vì chưa nghe báo cáo lên!
– Đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Đó
là cách “chạy tội” quen thuộc thứ hai rất quen thuộc khi nhiều người, nhiều tổ
chức đều có liên quan nhiều hay ít tới vụ việc. Hỏi người này, tổ chức này thì
nghe trả lời: Không phải trách nhiệm của tôi. Hỏi người kia, lại được “đẩy” qua
người thứ nhất, hoặc thứ ba nào đó, v.v… Lòng vòng, rồi cuối cùng chẳng thấy ai
chịu trách nhiệm cả. Trở lại chuyện người Trung Quốc nuôi trồng hải sản ở Vũng
Rô, tỉnh Phú Yên. Chính Uỷ ban Nhân dân tỉnh cấp phép “tràn lan”. Nhưng bây giờ
thấy báo chí và dư luận đặt vấn đề về những bất thường trong việc này, các cơ
quan chức năng ở Phú Yên loanh quanh đổ lỗi cho nhau: Uỷ ban thì bảo hãy hỏi Sở
Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn. Sở lúng túng, bảo đợi kiểm tra lại! (Đó là
tin đăng trên báo Thanh Niên, Chủ nhật
3-6-2012, tr. 18).
Đây là “chuyện thường
ngày” trong xã hội ta. Bộ máy chính quyền cồng kềnh, thiếu hiệu năng vì chồng
chéo, không phân nhiệm rõ ràng; cán bộ thì được huấn luyện nhiều về chính trị
hơn nghiệp vụ chuyên môn, để rồi cuối cùng họ chỉ phải chịu trách nhiệm trước đảng
đã đưa họ ra làm việc hơn là trước nhân dân. Đây phải chăng là hậu quả của
chính sách từ thời “bao cấp” để lại, rất tiêu biểu cho chế độ: “tập thể lãnh đạo,
cá nhân phụ trách”? Mới nghe qua, có vẻ rất dân chủ, tránh được nạn “tôn sùng
cá nhân” hoặc “cá nhân chuyên quyền”. Các cái nạn đó có tránh được hay không,
chưa bàn, thực tế chỉ cho thấy rõ là khi mọi sự không xuôi chảy, chẳng ai đứng
ra chịu trách nhiệm cả, người lãnh đạo chạy núp dưới bóng tập thể tìm sự an
toàn cá nhân; lúc đó chuyện chung, chuyện đất nước bị bỏ bê, bị đổ vỡ, mà người
chịu thiệt hại là người dân. (Có những ông lớn thiếu đức, thiếu tài, thiếu
trách nhiệm khiến cho những tổ chức, những xí nghiệp, tổng công ty, tập đoàn họ
lãnh đạo chìm ngập trong nợ nần hoặc có khi bị phá sản, nhưng họ thì “hạ cánh
an toàn” với đống tiền của ẵm theo mà chẳng thấy công lý để mắt tới (?)).
Thỉnh thoảng có người
hỏi tôi: “Tại sao trong xã hội ta, không có cái văn hoá từ chức như ở nhiều nước
khác?” Có lẽ mấy phân tích gợi ý trên đây có thể cung cấp một vài yếu tố cho
câu trả lời. Câu hỏi này liên quan tới một thực tế (cũng được nhắc tới trong
bài), là tinh thần trách nhiệm, nói chung rất kém trong giới cầm quyền của
chúng ta.
3-6-2012
Lm Nguyễn Hồng Giáo