Văn hào Tu-ghê-nít của Nga có kể lại một giai
thoại sau:
Thời chiến tranh ông bị cảm nặng. Người ta mang
ông vào một quân y viện để chữa trị. Khi tỉnh dậy, ông thấy nhà thương đầy người,
không có một chiếc giường trống nào, mà bệnh nhân mỗi ngày một thêm đông. Bác sĩ
trực phòng của ông đi một vòng đến các giường. Đến bên cạnh ông, bác sĩ dừng lại
và hỏi người y tế:
-
Hắn vẫn còn sống ư?
Người y tế trả lời:
Bác sĩ cúi xuống và đặt ống nghe trên ngực ông.
Nghe biết tất cả mọi sự, cho nên ông cố gắng thở thật mạnh. Sau khi nhấc ống
nghe lên, bác sĩ thở dài và nói:
-
Thiên nhiên thật ngu đần,
lẽ ra người này phải chết, nhưng không hiểu sao hắn vẫn còn thở và như vậy là hắn
chiếm mất chỗ của người khác
Tu-ghê-nít lắng nghe được tất cả những lời ấy.
Ông tưởng số phận của ông đã được quyết định, nhưng không ngờ sau đó ông đã được
khỏi bệnh một cách lạ lùng trước sự ngạc nhiên của viên bác sĩ trực và nhiều y
tá khác trong quân y viện.
Những bệnh nhân biết được những gì người ta làm
cho mình và còn sống sót để kể lại kinh nghiệm của mình như văn hào Nga trên
đây không phải là hiếm. Một viên thuốc ngủ, một mũi thuốc mê cực mạnh, nhiều
người đã bị cướp mất mạng sống dễ dàng. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu
goị con người ngày nay hãy xây dựng một nền văn minh của sự sống chứ không phải
của sự chết. Tin Mừng hôm nay có thể được coi như một câu trả lời của lòng tin
cho một vấn đề từng gây thắc mắc nơi con người thuộc mọi thời đại: vấn đề sự sống.
Hai phép lạ: chữa lành bệnh người phụ nữ băng huyết và cho một bé gái 12 tuổi sống
lại, đều minh chứng Đức Giêsu là chủ sự sống, là nguồn cội sự sống, vì Ngài là
Đấng đã làm cho kẻ chết sống lại.
Theo quan niệm của người Do Thái xưa, thì máu
huyết tượng trưng cho sự sống. Người phụ nữ bị băng huyết có nghĩa là sự sống
nơi chị mất dần đi, tiêu hao đi, nên coi như chị là người đã chết. Nhất là
trong hoàn cảnh của chị, đau khổ không chỉ vì bệnh kéo dài, tiền mất tật mang,
mà còn khổ về mặt tinh thần, vì tập quán tôn giáo xã hội coi những người mắc chứng
bệnh này, cũng như bệnh cùi, bệnh hủi, khinh khi. Phải nói là người phụ nữ bị
băng huyết này coi như đã chết hai lần, cả về mặt sự sống thể xác lẫn về mặt đời
sống tinh thần. Phép lạ Chúa Giêsu làm đã cứu thoát chị, đã đem lại cho chị một
cuộc sống dồi dào, cả trong ý nghĩa được sát nhập lại vào trong lòng cộng đồng
tôn giáo.
Còn trong phép lạ Chúa Giêsu làm cho em bé sống
lại, thì chúng ta thấy hành động của Chúa Giêsu vượt xa điều mà gia đình ông
Giairô, trưởng hội đường, mong đợi: khi con gái duy nhất của ông hấp hối, ông
đã chạy đi cầu cứu với Chúa Giêsu, vì ông tin rằng Ngài có thể cứu con ông khỏi
cái chết. Nhưng khi hay tin con đã chết rồi, thì ông không còn hy vọng nào nữa,
không còn muốn làm phiền Chúa Giêsu đến nhà làm gì nữa. Chúa Giêsu phải nâng đỡ
tinh thần và niềm tin của ông: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Và phép lạ đã
được thực hiện, trước nỗi kinh ngạc và hạnh phúc của gia đình ông. Trưởng hội
đường, kinh ngạc và sung sướng đến nỗi ông và gia đình quên cả việc chăm sóc đến
con gái của mình, khiến Chúa Giêsu phải nhắc khéo: “Hãy lo cho cô bé ăn đi!”.
Trong tất cả hai phép lạ, chúng ta đều thấy nổi
bật lên một yếu tố nối liền giữa Chúa Giêsu và người được phép lạ: đó là
lòng tin. Người phụ nữ bị băng huyết, sau khi chạy thầy chạy thuốc không
khỏi, mà lại nghe nói về quyền phép của Chúa Giêsu, thì dần dần trong lòng chị
hình thành một niềm tin mạnh mẽ: “Tôi mà sờ được áo Ngài thôi, là sẽ được khỏi
bệnh”. Chính lòng tin mạnh mẽ đó đã giúp chị vượt qua moị tập quán, mọi nếp suy
nghĩ và quan niệm tôn giáo có tính trói buộc và cản trở con người, để mạnh dạn
đến gần Chúa Giêsu. Chinh lòng tin mạnh mẽ đó đã như khiến quyền năng của Chúa
Giêsu không thể từ chối được: “Chúa Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát
ra”.
Lòng tin của ông Giairô cũng là yếu tố quan
trong để Chúa Giêsu là cho con ông sống lại. Chắc chắn lòng tin của ông đã được
hỗ trợ bằng chính câu chuyện người phụ nữ lành bệnh, cũng như đã được nâng đỡ bởi
lời khuyên chủ của chính Chúa Giêsu: “Đừng sợ, ông ạ, cứ vững tin đi!”.
Qua hai phép lạ trên, Chúa Giêsu còn bộc lộ cho
thấy thế nào là Thiên Chúa, thế nào là Đấng Kitô của Thiên Chúa và loan báo một
thời đại mới, thời đại cứu độ mà các Ngôn Sứ đã loan báo. Trước hết, Thiên Chúa
là chủ sự sống, ban phát sự sống cho con người và muôn loài vật. Riêng đối với
con người, thì không chỉ là đời sống vật chất, tinh thần mà còn cả đời sống ân
sủng, đời sống làm con cái Thiên Chúa. Để thực hiện chương trình sáng tạo và cứu
độ, Thiên Chúa đã hiến dâng cho loài người tất cả, kể cả Người Con yêu dấu, Con
Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô.
Đức Giêsu có sứ mạng bộc lộ về Thiên Chúa, thực
hiện chương trình của Thiên Chúa là ban sự sống, là cứu chữa những gì đã hư mất,
là tìm đến với người đau ốm cần thầy thuốc. Ngài luôn quan tâm đến mọi nhu cầu cụ
thể của con người. Ngài cúi mình ghé mắt nhì xem nhu cầu cụ thể của con người
Ngài gặp: anh què, anh mù, chị phụ nữ bị băng huyết cũng như chị phụ nữ ngoại
tình, người bị quỷ ám, con trai bà goá thành Naim, cũng như con gái ông Giairô.
Tất cả những khổ đau, tật nguyền đều có âm hưởng mạnh mẽ trong tâm hồn Chúa
Giêsu Kitô. Chính vì mang trong mình trái tim của Thiên Chúa, nguồn sống của
Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu đã cứu chữa người này, bình phục người kia, hồi sinh
người khác, đem lại phẩm giá và sự tôn trọng cho những ai đang bị loại trừ, coi
rẻ. Đối với Chúa Giêsu, không hề có một tiêu chuẩn nào để lại bỏ, vì tất cả thuộc về
gia đình Thiên Chúa. Điều duy nhất ngài đòi hỏi là lòng tin của chúng ta nơi
quyền năng và lòng thương của Ngài.
Lòng tin của chúng ta đối với Thiên Chúa là nguồn
gốc, là chủ sự sống sẽ dẫn chúng ta đến một thái độ tất yếu này là: chúng ta phải
biết tôn trọng sự sống, bảo vệ và phát triển sự sống. Không phải chỉ sự sống thể
xác mà cả sự sống tinh thần và sự sống tâm linh nữa. Không chỉ sự sống nơi
mình, mà còn sự sống nơi người khác, nơi dân tộc khác nữa.
Thế nhưng, chung quanh chúng ta không biết bao
nhiêu sự sống con người đang bị xâm phạm, chà đạp, cách này hay cách khác. Bao
nhiêu trẻ em không được quyền sinh ra, không có được những điều kiện thiết yếu
nhất về vật chất, tinh thần, để sống một cuộc sống cho ra người.
Chúa Giêsu đã sinh ra làm người là để cho con
người được sống và sống một cách dồi dào. Nhưng sự sống của chúng ta
đón nhận từ nơi Chúa sẽ không trọn vẹn, nếu chúng ta chưa thực sự chia sẻ sự sống
ấy cho những người chung quanh. Bao lâu nhiều người anh em chung quanh chúng
ta chưa được sống xứng với phẩm giá con người, bao lâu niềm vui và quyền được sống
như những con người vẫn còn bị khước từ nơi nhiều người đang sống bên cạnh
chúng ta, thì có lẽ chính chúng ta cũng không thể nào hưởng được một cách dồi
dào sự sống mà Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)