Lễ hai thánh Phêrô - Phaolô _ chân dung tông đồ

CHÂN DUNG NGƯỜI TÔNG ĐỒ
Theo “Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết theo thống kê sơ bộ của các địa phương cho đến ngày 17.6, tỷ lệ tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm học 2006-2007 trên cả nước giảm sút rất mạnh.
Cả nước đã có 320.000 học sinh trượt tốt nghiệp. Tỷ lệ đỗ là 67,5%, giảm gần 25% so với năm 2006” (Kỳ thi tốt nghiệp PTTH và bổ túc THPT năm 2007, T. Hồng – Đình Phú, Giáo dục, thanh niên online 18/6/2007).
Nếu như trong những năm trước, tỉ lệ tốt nghiệp của một số địa phương như Hà Tây là 99,32%, thì năm nay chỉ còn 57,16% (x. Chào buổi sáng, Thanh niên online, 16/6/2007). Và ngay trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì tỉ lệ tốt nghiệp PTTH là 69,85% (7.521/10.767), còn đối với hệ Bổ túc THPT thì càng tệ hơn, chỉ có 168/1.782 học sinh đậu tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 9,43% (x. Giáo dục, Thanhnien online, 14/6/2007).
Điều đó, cho thấy sự giả dối đang là một hiện tượng đáng báo động trong xã hội hiện nay. Không chỉ là hàng hoá, bằng cấp mới có hiện tượng giả mạo, nhưng còn có những con người giả. Đó là những người giả dạng người khác để đi lừa bịp thiên hạ, nhưng đáng sợ hơn, đó là có những người bên ngoài có vẻ là thật, mà thực chất là giả, đó là hạng người mà nhà thơ Nguyễn Du gọi là: “Bên ngoài thơn thớt nói cười, bên trong nham hiểm giết người không dao”. Trong đời sống hàng ngày cũng thế, nếu không lưu ý, tôi và quý ông bà anh chị em cũng có thể trở thành những tông đồ, nhưng không phải là tông đồ của Đức Kitô, hay nói cách khác những tông đồ giả.
Do đó, trong ngày chuẩn bị mừng lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, hai cột trụ của Giáo Hội, lời Chúa hôm nay đã đưa ra cho chúng ta những tiêu chuẩn, để nhờ đó, chúng ta có thể nhận ra chân dung đích thực của một người tông đồ.
1. YÊU MẾN ĐỨC KITÔ :
Đọc lại bài Tin Mừng chúng ta thấy rằng: trước khi giao cho Phêrô trọng trách cai quản Giáo Hội dưới thế, Đức Giêsu đã không hỏi Phêrô: Con có bằng cấp gì? Con có thuộc Kinh Thánh không? Nhà con có giàu không? Con làm nghề gì? Nhưng cả ba lần, Đấng Phục Sinh chỉ hỏi Phêrô một câu: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Đồng thời, lắng nghe câu trả lời của thánh Phêrô, chúng ta thấy cũng không phải là: Thưa Thầy, Thầy biết rõ con rất khôn ngoan, rất nhiệt thành, lãnh đạo rất giỏi, hát rất hay, giảng dạy rất thu hút…, nhưng là: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết rõ con yêu mến Thầy”.
Tuy nhiên, theo các nhà chú giải, chữ “yêu mến” mà Đức Giêsu dùng để hỏi thánh Phêrô ở đây được dịch từ chữ “Agapê” của Hy lạp, một chữ chỉ cấp độ cao nhất của tình yêu. Đó là một tình yêu hoàn toàn và vô vị lợi, một tình yêu nhưng không, chỉ nghĩ đến người mình yêu, không nhằm dành cho mình một lợi ích nào. Một tình yêu hoàn toàn và tuyệt đối như Đức Kitô đã yêu chúng ta (Ga 15, 13). Chính do tình yêu đó thúc đẩy mà Đức Kitô đã sẵn sàng hiến mình cho chúng ta trên thập giá.
Như thế, tiêu chuẩn đầu tiên của một người tự nhận là tông đồ của Đức Kitô, đó chính là lòng yêu mến Đức Kitô. Tuy nhiên, tình yêu này không phải theo cách của chúng ta, nhưng phải là: Yêu như Đức Kitô đã yêu chúng ta (x. Ga 15, 12-13). Chính tình yêu đó đã biến đổi thánh Phaolô từ một người nhiệt thành bắt bớ các tín hữu, trở thành một tông đồ cho dân ngoại, như lời thú nhận của ngài mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc hai: “Anh em nghe nói về đời sống của tôi trước kia khi theo đạo Do thái: tôi đã bắt bớ và phá hoại Hội Thánh của Thiên Chúa thái quá: trong đạo Do thái, tôi đã vượt hẳn nhiều bạn đồng giống nòi, đồng tuổi với tôi, và tôi nhiệt thành hơn bất cứ ai đối với truyền thống của cha ông tôi”. Được Đức Kitô kêu gọi, thánh Phaolô đã biến đổi hoàn toàn. Ngài đã chuyển lòng yêu mến, nhiệt thành của ngài đối với Do thái giáo thành lòng yêu mến hoàn toàn đối với Đức Kitô, như lời ngài chia sẻ với giáo đoàn Roma: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (x. Rm 8, 31-39).
Chính lòng yêu mến này sẽ là động lực hướng dẫn toàn bộ hoạt động của người tông đồ. Như thế, bất cứ một hoạt động tông đồ nào không do lòng yêu mến Đức Kitô thúc đẩy sẽ là sự lừa dối; bất cứ một người nào tự nhận mình là tông đồ của Đức Kitô mà không có lòng yêu mến Đức Kitô thì cũng chỉ là tông đồ giả.
2. NHÂN DANH ĐỨC KITÔ :
Đặc điểm thứ hai của người tông đồ đích thực, đó là hành động nhân danh Đức Kitô. Đây là một điều hiển nhiên và là hậu quả tất yếu của lòng yêu mến Đức Kitô. Người tông đồ của Đức Kitô không được làm bất cứ điều gì nhân danh mình, nhưng phải là nhân danh Đức Kitô, nghĩa là phải quy hướng mọi sự về cho Đức Kitô. Về điều này, cách hành động của thánh Phêrô trong bài sách Tông đồ Công vụ hôm nay quả thực là một mẫu gương sống động cho từng người chúng ta. Thánh sử Luca thuật lại: Lúc đó, vào giờ thứ chín, là giờ cầu nguyện, hai tông đồ Phêrô và Gioan lên Đền Thờ. Lúc ấy có một người què từ khi mới sinh xin hai ngài bố thí. Nhìn người què, thánh Phêrô nói: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng có cái này tôi cho anh là: nhân danh Đức Giêsu Kitô Nazareth, anh hãy đứng dậy mà đi… anh nhảy ngay lên mà đứng và đi được”. Thánh Phêrô đã làm một chuyện ngoạn mục khi chữa cho anh què được lành, nhưng đồng thời, thánh nhân cũng ý thức rõ anh què được lành là nhờ: “nhân danh Đức Giêsu Kitô” chứ không phải do tài năng hay lòng đạo đức riêng tư của mình.
Ý thức mọi sự đều do bởi Đức Kitô, còn mình chỉ là môn đệ, là dụng cụ của Ngài cũng là tâm tình của thánh Phaolô như lời tâm sự của thánh nhân với giáo đoàn Galata, mà chúng ta vừa nghe: “Nhưng khi Đấng tách riêng tôi ra từ lòng mẹ, và dùng ơn Người mà kêu gọi tôi,…, thì không lúc nào tôi bàn hỏi với người xác thịt máu huyết”. Khi nói điều này, thánh Phaolô không muốn nói: từ đây, thánh nhân không còn nghe ai hướng dẫn, nhưng ngài chỉ muốn nhấn mạnh rằng: kể từ khi nhận được lời mời gọi của Đấng Phục Sinh, thánh Phaolô đã không còn làm gì theo ý riêng mình hay là ý của ai khác, nhưng hoàn toàn làm theo ý của Thiên Chúa, đến nỗi ngài có thể nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Hay nói một cách khác, từ đây, thánh nhân không còn làm gì theo ý mình, nhưng mọi hoạt động tông đồ của ngài đều làm nhân danh Đức Kitô.
3. CHÚNG TA HÔM NAY :
Từ ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội, nhất là bí tích Thêm sức, chúng ta trở thành một chiến sĩ của Đức Kitô, hay nói cách khác, quý ông bà anh chị em và tôi đã được Đức Kitô kêu gọi làm tông đồ cho Ngài. Thế nhưng, chúng ta đã sống xứng với danh hiệu tông đồ này chưa? Chúng ta có thực lòng yêu mến Đức Kitô và các hoạt động của chúng ta có làm “nhân danh Đức Kitô”, hay chỉ nhằm làm vinh danh chúng ta?
Lắng nghe lời Chúa trong ngày chuẩn bị mừng lễ kính hai thánh tông đồ hôm nay, chớ gì từng người chúng ta biết dẹp bỏ tính ích kỷ, kiêu căng, tự mãn … để luôn làm mọi sự vì lòng yêu mến Chúa, và lợi ích của cộng đoàn. Nhờ đó, từng người chúng ta sẽ thật sự là tông đồ của Đức Kitô, và sau này sẽ cùng được đoàn tụ cùng với các thánh trên Nước Trời. Amen.
Lm Phêrô Trần Thanh Sơn