Suy niệm hạnh thánh _ 23/5

Thánh GIOAN BÁPTÍT ROSSI
(1698-1764)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Vị linh mục tài giỏi và thánh thiện này sinh ở làng Voltaggio thuộc giáo phận Genoa nước Ý. Khi còn là thiếu niên, thấy ngài thông minh, hai vợ chồng người bạn của gia đình đưa ngài về Genoa cho ăn học. Trong thời gian ba năm ở đây, ngài được sự chú ý của hai vị tu sĩ Capuchin, là người thường đến thăm gia chủ và đã phúc trình nhận xét của họ lên bề trên tỉnh dòng Capuchin, mà sau đó bác của ngài, là một kinh sĩ của nhà dòng ở Rôma đã xin cho ngài vào một trường ở Rôma ăn học, lúc 13 tuổi.
Trong thời gian theo học ở trường Collegium Romanum ngoài gương mẫu về học vấn và nhân đức, ngài còn tập hãm mình phạt xác theo gương các vị khổ tu mà ngài đọc được ở trong sách. Sự khổ cực cộng thêm chương trình học nặng nề đã dẫn đến cơn động kinh mà sau đó ngài phải nghỉ học. Sau này, ngài phục hồi sức khoẻ và hoàn tất việc học ở Minerva, nhưng không thể nào khoẻ mạnh được như trước.
Sau thời gian tu tập, ngài được thụ phong linh mục năm 23 tuổi và tận tụy rao giảng cho những người nông dân, người chăn nuôi từ quê lên tỉnh buôn bán, và ngài tìm cách giúp đỡ những phụ nữ vô gia cư phải sống ngoài đường phố qua công việc ăn xin hay làm điếm. Tiền của ngài kiếm được chỉ nhờ bổng lễ, nhưng khi được chính quyền địa phương và đức giáo hoàng giúp đỡ, ngài đã dùng tiền ấy để thuê một căn nhà cho những người nghèo lên tỉnh tạm trú.
Ngài hăng say rao giảng mọi nơi, ở nhà thờ, nhà thương, tu viện cũng như nhà tù khiến ngài nổi danh là vị tông đồ của những người bị ruồng bỏ, không khác gì Thánh Philíp Nêri.
Năm 1763, ngài kiệt quệ vì sự lao nhọc và bệnh tật. Sau một vài cơn kích xúc tim khiến ngài bị tê liệt, ngài đã từ trần ở Pellegrini năm 66 tuổi.
Thiên Chúa đã vinh danh ngài qua những phép lạ. Ngài được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII phong thánh năm 1881.
Suy niệm 1: Thánh thiện
Vị linh mục tài giỏi và thánh thiện này sinh ở làng Voltaggio thuộc giáo phận Genoa nước Ý.
Sự thánh thiện của ngài đã được bày tỏ ngay trong thời gian theo học ở trường Collegium Romanum, vì được đánh giá như một gương mẫu về học vấn và nhân đức, ngài còn tập hãm mình phạt xác theo gương các vị khổ tu. Sự khổ cực cộng thêm chương trình học nặng nề đã dẫn đến cơn động kinh mà sau đó ngài phải nghỉ học.
Khi được thụ phong linh mục năm 23 tuổi, ngài tận tụy rao giảng cho những người nông dân, người chăn nuôi từ quê lên tỉnh buôn bán, và ngài tìm cách giúp đỡ những phụ nữ vô gia cư phải sống ngoài đường phố qua công việc ăn xin hay làm điếm. Ngài hăng say rao giảng mọi nơi, ở nhà thờ, nhà thương, tu viện cũng như nhà tù khiến ngài nổi danh là vị tông đồ của những người bị ruồng bỏ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn phấn đấu trở thành những mẫu gương thánh thiện theo đấng bậc mình.
Suy niệm 2: Quan phòng
Khi còn là thiếu niên, thấy Rossi thông minh.
Được sinh ra ở một làng quê Voltaggio, sao Rossi lại có cơ may lên Rôma ăn học và tập tu để làm linh mục? Tất cả do sự quan phòng của Thiên Chúa.
Thật thế, thấy Rossi thông minh, hai vợ chồng người bạn của gia đình đưa ngài về Genoa cho ăn học. Trong thời gian ba năm ở đây, ngài được sự chú ý của hai vị tu sĩ Capuchin, là người thường đến thăm gia chủ và đã phúc trình nhận xét của họ lên bề trên tỉnh dòng Capuchin, mà sau đó bác của ngài, là một kinh sĩ của nhà dòng ở Rôma đã xin cho ngài vào một trường ở Rôma ăn học, lúc 13 tuổi. Sau thời gian tu tập, ngài được thụ phong linh mục năm 23 tuổi.
Tích truyện ông Giuse trong Cựu Ước cũng diễn đạt được một bài học về sự quan phòng của Thiên Chúa. Vì bị anh em ganh ghét do cha già Giacóp thương đặc biệt hơn, Giuse đã bị anh em lập mưu bán cho người lái buôn đang trên đường sang Aicập Tại đây Giuse giải mộng hợp lý cho vua Pharaon nên được cất nhắc làm tể tướng. Với chức vụ này, Giuse chẳng những giải quyết an toàn nạn đói hoành hành trong cả vùng và dịp này cũng đưa cả gia đình sang Aicập sinh sống (St 37-48).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín và sống niềm phó thác đường đời của chúng con theo sự dẫn dắt của tình Chúa quqn phòng.
Suy niệm 3: Thông minh
Khi còn là thiếu niên, thấy Rossi thông minh.
Vận dụng trí thông minh Chúa ban, Rossi chẳng những phát huy về phương diện văn hóa mà cả về nhân đức, đến mức trở thành một mẫu gương sáng cho bạn bè trong thời gian còn theo học, và nhất là đã dầu tư cho công việc rao giảng sau khi được làm linh mục.
Ngay từ thuở thiếu niên, Đức Giêsu cũng được các nhà thông thái ngạc nhiên khâm phục về trí thông minh của Ngài qua những lời đối đáp của Ngài (Lc 2,57). Khi lớn lên, Ngài cũng sử dụng trí thông minh này để làm tốt công việc rao giảng (1Ga 5,20), cụ thể Ngài đã mở trí cho hai môn đệ Emmau đón nhận được biến cố Phục Sinh (Lc 24,45).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng để tâm trí ra ngu si mê muội mà thờ lạy các ngẫu tượng hầu chuốc lấy cơn thịnh nộ của Chúa (Rm 1,18-23).
Suy niệm 4: Sách
Rossi tập hãm mình phạt xác theo gương các vị khổ tu mà ngài đọc được ở trong sách.
Sách vở là một thức ăn lý thú và hấp dẫn cho sinh hoạt trí thức và đời sống con người. Là thức ăn, sách vở mang tính bổ dưỡng cũng như tác hại tùy thuộc nó là tốt hay là xấu, vì thế cần phải biết chọn lọc kỹ lưỡng, chứ không phải sách vở gì cũng đọc được.
Nếu hiểu sách vở là thức ăn, nên cũng cần được tiêu hóa, bằng không chẳng sinh ích lợi gì. Rossi thấu hiểu chân lý này, nên chẳng những ghi nhận tấm gương của các vị khổ tu đọc được ở sách vở mà còn thực tập cáv việc  hãm mình phạt xác nơi chính bản thân mình.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thà đọc ít mà suy gẫm và thực hành nhiều, còn hơn đọc nhiều mà chẳng tiêu hóa hết.
Suy niệm 5: Sức khoẻ
Rossi phục hồi sức khoẻ và hoàn tất việc học, nhưng không thể nào khoẻ mạnh được như trước.
Sức khoẻ không chỉ là vàng mà còn hơn cả vàng nữa, vì không thiếu trường hợp khi có người thân ngã bệnh, nhiều gia đình đã sẵn sàng chấp nhận mọi chi phí đến tan gia bại sản, để cứu bệnh nhân theo cách còn nước còn tát, cho dầu cuối cùng chỉ phải đón nhận kết quả là tiền mất tật mang.
Đàng khác một khi sức khoẻ đã bị đánh mất thì khó mà thu phục lại. Rossi sau khi ngã bệnh dù được hồi phục cũng không thể nào được khoẻ mạnh như trước. Sức khoẻ vốn có giá trị như thế nên cần biết tôn trọng và giữ gìn chu đáo.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con coi việc bảo vệ sức khoẻ tâm hồn còn hơn cả thân xác.
Suy niệm 6: Tiền
Rossi đã dùng tiền ấy để thuê một căn nhà cho những người nghèo lên tỉnh tạm trú.
Tiền của ngài kiếm được chỉ nhờ bổng lễ, nhưng khi được chính quyền địa phương và đức giáo hoàng giúp đỡ, ngài đã dùng tiền ấy để thuê một căn nhà cho những người nghèo lên tỉnh tạm trú.
Tiền là quan trọng và cần thiết vì nó có giá trị vạn năng đến mức có tiền mua tiên cũng được, nhưng cách sử dụng lại còn quan trọng và khẩn thiết hơn nhiều. Người con thứ trong dụ ngôn người cha nhân hậu vì sử dụng tiền để ăn chơi trác táng nên trở thành ngừoi con hoang đàng. Còn Rossi biết sử dụng tiền để giúp đỡ người khốn cùng nên được làm thánh.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sử dụng tiền của Chúa ban trong việc phục vụ tha nhân hơn là bản thân.