Thánh RITA ở CASCIA
(1381-1457)
Lược sử
Trong nhiều thế kỷ,
Thánh Rita ở Cascia là một trong những vị thánh nổi tiếng của Giáo Hội Công
Giáo. Người ta thường gọi ngài là "Vị Thánh Bất Khả," vì bất cứ điều gì nhờ ngài cầu bầu đều được Thiên
Chúa nhận lời.
Thánh Rita sinh ở
Spoleto, nước Ý năm 1381. Ngay từ nhỏ ngài đã muốn dâng mình cho Chúa, nhưng vì
vâng lời cha mẹ già, ngài phải kết hôn với một
ông chồng thô bạo và nóng nẩy. Trong 18 năm, ngài kiên nhẫn dùng sự cầu nguyện và tử tế để đối xử
với ông chồng luôn khinh thường và gian dâm. Sau cùng ông đã ăn năn hối lỗi và
bị giết vì một mối thù truyền kiếp. Tưởng đã yên thân sau cái chết của chồng,
ngài lại khổ tâm khi thấy hai người con trai thề quyết trả thù cho cha mình, và
ngài đã cầu xin Thiên Chúa để cho họ chết còn hơn phạm tội giết người. Quả thật, cả hai lâm bệnh
nặng, và ngài đã chăm sóc, khuyên giải hai con trở về với Thiên Chúa trong sự
bình an trước khi lìa đời.
Bây giờ không chồng và
không con, ngài xin gia nhập Dòng Augustine ở Cascia, nhưng bị từ chối vì không
còn là trinh nữ. Với sự kiên trì và lòng tin mạnh mẽ, Thiên Chúa đã can thiệp để ngài được nhập
dòng.
Trong đời sống tu trì,
ngài nổi tiếng về lòng bác ái và ăn chay hãm mình. Lời ngài cầu nguyện cho
những kẻ đau yếu thường được Thiên Chúa nhận lời. Ngoài ra, qua sự khuyên bảo,
ngài đã đưa nhiều người trở về với đời sống Công Giáo.
Vào năm 1441, ngài
được đặc biệt chia sẻ sự thống khổ của Đức
Kitô bằng các vết mão gai trên đầu. Ngài từ trần ngày 22 tháng Năm 1457 khi 76
tuổi. Nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bầu của ngài. Ngài được phong thánh
năm 1900.
Suy niệm 1: Bất Khả
Người ta thường gọi Thánh Rita ở Cascia là "Vị Thánh Bất Khả," vì
bất cứ điều gì nhờ ngài cầu bầu đều được Thiên Chúa nhận lời.
Đúng ra duy chỉ có một mình Thiên Chúa mới thật xứng với danh xưng Bất Khả
để mọi người tôn vinh và ca ngợi. Đức Trinh Nữ Maria là khuôn mẫu tột đỉnh của
niềm xác tín ấy, vì Mẹ đã tin rằng “không có gì mà Thiên Chúa không làm được”
(Lc 1,37), và ca ngợi Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những việc kỳ diệu,
Danh Người là Thánh” (Lc 1,49).
Một cách thức Thiên Chúa biểu lộ sự toàn năng của Người, đó là cung cách
Người chăm lo cho những nhu cầu của con người (Mt 6,32), đặc biệt khi nâng họ
lên làm nghĩa tử (2Cr 6,18). Thánh Rita dầu được gọi là "Vị Thánh Bất
Khả" thì cũng chỉ là dụng cụ Người sử dụng để thi thố các hồng ân.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chiêm ngắm sự kỳ diệu của vũ tru, để hằng xác
tín về sự toàn năng của Thiên Chúa (Tv 135,6).
Suy niệm 2: Hôn nhân
Thánh Rita phải kết hôn với một ông chồng thô bạo và nóng nẩy.
Ngay từ nhỏ ngài đã muốn
dâng mình cho Chúa, nhưng vì vâng lời cha mẹ già, ngài đã chấp nhận đi vào đời sống
gia đình với một người chồng thiếu đạo đức với nhiều khuyết điểm như thô bạo và
nóng nẩy, luôn khinh thường và gian dâm, để rồi có hai cậu con trai tội lỗi
trong chí hướng báo thù.
Nhưng ngài kiên nhẫn dùng sự cầu nguyện và tử tế để đối xử với ông chồng,
ông đã ăn năn hối lỗi. Cũng thế cả hai con trai tội lỗi lâm bệnh nặng, và ngài
đã chăm sóc, khuyên giải hai con trở về với Thiên Chúa trong sự bình an trước
khi lìa đời.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết dùng phương thế cầu nguyện và cách đối xử
tử tế để giúp hoán cải tha nhân.
Suy niệm 3: Cầu
nguyện
Trong 18 năm, Thánh Rita kiên nhẫn dùng sự cầu nguyện và tử tế để đối xử
với chồng.
Bài học quan trọng cần lưu ý để giúp việc cầu nguyện có hiệu quả, đó là cầu
nguyện cách kiên trì không bao giờ nản lòng thối chí, cho dầu phải mất cả thời
gian dài 18 năm. Đây là một yếu tố thiết yếu mà Đức Giêsu đã dạy qua dụ ngôn
người đàn bà góa xin một quan tòa minh xét và đạt được ước nguyện nhờ kiên trì
kêu xin (Lc 18,1-5).
Ngoài yếu tố kiên trì, còn phải biết trợ lực cho lời cầu bằng thái độ sống
tốt của chính mình. Thật thế nhờ dành thời gian cả bao nhiêu năm trời không rời
bỏ Đền Thờ, ăn chay cầu nguyện và sớm hôm phụng thờ Thiên Chúa, mà bà Anna đã
được phúc gặp gỡ Chúa Hài Nhi như lòng mong ước (Lc 2,36-38).
* Lạy
Chua Giêsu, xin giúp chúng con biết kết hợp với lời cầu xin bằng thái độ sống
tốt và sự kiên trì.
Suy niệm 4: Chết
Thánh Rita đã cầu xin Thiên Chúa để cho hai cậu con trai chết còn hơn phạm
tội giết người.
Tình mẫu tử thật cao cả và bao la như biển Thái Bình đến mức dám hy sinh
tất cả ngay cả mạng sống vì con cái. Nhưng một người mẹ đạo đức thánh thiện
phải luôn biết đặt tình Chúa lên trên tất cả.
Chính vì thế Thánh Rita chấp nhận thà chứng kiến hai cậu con trai của mình
chết còn hơn thấy chúng phạm tội giết người. Cũng thế bà mẹ thời vua Antiôkhô
đã chẳng những can đảm chứng kiến cảnh tượng cả bảy người con của mình chịu cực
hình, mà còn khuyên bảo chúng thà chết chứ không lỗi luật Chúa (2Mcb 7).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết đặt tình Chúa ở địa vị ưu tiên trên
hết mọi sự kể cả những tình người chân chính.
Suy niệm 5: Can
thiệp
Thiên Chúa đã can thiệp để Thánh Rita được nhập dòng.
Ngay từ nhỏ Thánh Rita đã muốn dâng mình cho Chúa, nhưng vì vâng lời cha mẹ
già, ngài đã chấp nhận đi vào đời sống gia đình. Sau cái chết của người chồng
và cả hai cậu con trai, ngài xin gia nhập Dòng Augustine ở Cascia, nhưng bị từ
chối vì không còn là trinh nữ.
Với sự kiên trì và lòng tin mạnh mẽ, Thiên Chúa đã can thiệp để ngài được
nhập dòng. Người ta kể rằng, một đêm kia Thiên Chúa đã đưa ngài vào trong khuôn
viên của tu viện dù đã kín cổng cao tường. Thấy vậy, các nữ tu tin rằng ý Chúa
muốn ngài được chấp nhận vào dòng.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn xác tín vào tình yêu quan phòng của Chúa
hằng can thiệp đúng lúc đúng thời.
Suy niệm 6: Thống
khổ
Vào năm 1441, Rita được đặc biệt chia sẻ sự thống khổ của Đức Kitô bằng các
vết mão gai trên đầu.
Các vết thương ấy thật đau đớn và chảy máu, xông mùi khó chịu đến độ ngài
phải sống tách biệt với mọi người, tuy nhiên ngài vẫn coi đó là ơn sủng đặc
biệt và xin được sức mạnh để gánh chịu cho đến chết.
Một nét độc đáo đáng làm mẫu gương cho mọi người noi theo, đó là Rita đã
nhìn sự đau khổ của mình như một ơn sủng đặc biệt Chúa thương ban. Tâm tình mà
thánh Phaolô tông đồ đã cảm nhận được như là một hồng phúc (Pl 1,29) và một nỗi
vui mừng (Cl 1,24).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra giá trị của đau khổ để sẵn lòng đón lấy.