Thầy là cây nho, anh em là cành
Sức mạnh lớn lao của tình yêu là đem lại
niềm tin và hy vọng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Kho tàng truyện cổ Ả rập có kể về một
ông lão tên là Bi Quan. Ông đãng trí và vô tình đến nỗi không hề nhớ chút gì về
tuổi hoa niên. Với ông, cuộc sống là kéo lê sự tồn tại trên trần thế, không hy
vọng cũng chẳng ưu tư, chẳng biết cười chẳng biết khóc, trơ lì trước mọi biến cố.
Thế nhưng lại có nhiều người đến hỏi
ý kiến ông, nghĩ rằng với tuổi đời chồng chất, ắt hẳn ông là một người khôn
ngoan.
Các thanh niên hỏi ông:
- Làm thế nào để có được niềm vui?
Ông trả lời:
- Niềm vui là bày vẽ của những kẻ ngu đần.
Các bậc phụ huynh hỏi ông:
- Làm sao hướng dẫn con cái đi đường ngay
lẽ phải?
Ông đáp:
- Con cái là loài rắn độc. Chúng chỉ có
thể phun ra nọc độc mà thôi.
Cả các nghệ sĩ cũng đến xin chỉ giáo
cách diễn tả những gì cao quý nhất trong tâm hồn. Ông bảo họ:
- Tốt nhất là hãy thinh lặng.
Những lời dạy bảo đó chẳng mấy chốc
làm cho khắp nơi chìm sâu trong ảm đạm, u buồn, oán hờn, tranh chấp. Thế nhưng
ai càng tin vào lời dạy của ông lại càng thấy lời ông dạy là rất đúng, chẳng ai
dám hy vọng một ngày mai tươi sáng.
Nhận thấy tình trạng bi thảm đó, Thượng
Đế phải ra tay chữa trị, trị tận gốc. Nguồn gốc căn bệnh đó là suốt đời ông lão
chưa hề nhận được một cái hôn nào.
Thượng Đế sai một em bé đến với ông
lão Bi Quan, nó bá lấy cổ ông và đặt trên gò má sần sùi của ông một nụ hôn. Ông
lão sực tỉnh. Lần đầu tiên ông biết ngạc nhiên và vui sống. Ông mở mắt nhìn em
bé, nhìn vào cuộc đời, nở một nụ cười và nhắm mắt xuôi tay.
Con người được dựng nên để sống hạnh
phúc, mà hạnh phúc chẳng sống chung được với ông Bi Quan. Chỉ khi gặp được tình
yêu ông Bi Quan mới ra đi.
Sức mạnh lớn lao của tình yêu là đem
lại niềm tin và hy vọng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tình yêu là nguồn mạch của
mọi suy tư và tình cảm lạc quan nơi con người, chấm dứt thời thống trị của bóng
tối tội lỗi.
“Thật vậy, cả chúng ta nữa, xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời,
lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác và ganh tị,
đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau. Nhưng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu
lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại” (Tt 3,3-4).
Phaolô là dấu chứng cho tình yêu
Thiên Chúa. Bởi mù tối, ông bách hại những ai tin vào Đức Kitô mà vẫn tưởng rằng
mình đang phục vụ cho lẽ phải. Đức Kitô đã gặp ông, một luồng ánh sáng từ trời
chiếu xuống bao phủ lấy ông, biến đổi ông, và từ đó “ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa. Ông thường đàm đạo và tranh luận
với những người Do thái theo văn hoá Hy lạp” (Cv 9,28-29), dù họ muốn giết
ông.
“Vì
nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta.”
Sự cao cả lớn lao không ngờ được mà Thiên Chúa đã làm cho Phaolô, và cho mọi người,
là đổ tràn sự sống của Ngài vào tâm hồn, để ai cũng được chia sẻ chính sự sống
của Ngài:Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và
Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 3,20.24).
Nơi Đức Kitô, sự kết hợp thiên tính
và nhân tính là sự kết hợp đem lại ơn cứu độ. Nhờ đó, qua Đức Kitô và trong Đức
Kitô, nhân loại được chia sẻ cùng một Thần Khí, cùng một sự sống với Thiên
Chúa.
Ai nào dám nghĩ đến một Thiên Chúa
mà lại nói với họ, một người đang phận phàm hèn: Thầy là cây nho, anh em là cành. Phân biệt, nhưng không thể tách biệt…
giữa Thiên Chúa và con người!?
Làm sao nói cho hết được tầm mức lớn
lao của tình yêu Thiên Chúa và nét diệu kỳ trong ơn cứu độ Chúa thực hiện cho
con người!
Vinh dự, sự sống và hạnh phúc của phận
người hèn mọn nằm ở đó, nơi sự kết hợp với Chúa. Đó cũng là nguồn mạch trổ sinh
mọi hoa trái: Ai ở trong Thầy và Thầy ở
trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng
làm gì được.” (Ga 15,5).
Một nông dân xứ Ars, mỗi ngày trước
lúc ra đồng, đều ghé vào đứng ở cuối nhà thờ cầu nguyện giây lát rồi mới đi
cày. Khi trở về ông cũng ghé vào cầu nguyện như vậy.
Ai cũng để ý và cảm phục ông. Một
hôm có người hỏi:
- Ngày ngày ông ghé vào nhà thờ mấy bận để
làm gì thế?
Lão nông dân trả lời cách đơn sơ mà
đầy ý nghĩa:
- Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn
chuyện với tôi.
Ông là ai và Chúa là ai? Tại sao ông
phải bàn chuyện với Chúa, và Chúa lại bàn chuyện với ông?
Câu trả đơn sơ của ông lão cho tôi
thấy rõ chỗ đứng quan trọng của tôi trong Chúa, và sự hiện diện không thể thiếu
của Chúa trong tôi. Từ đó mà tôi hân hoan xác tín con đường sống của mình, con
đường gắn liền với chính sự sống: “Cành nho
không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với cây nho.”