Mầu
nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
Trên chuyến xe lửa Lyon-Paris, một thanh
niên sang trọng ngồi bên một ông già ăn mặc thô sơ, có vẻ quê mùa. Thấy cụ già
cầm xâu chuỗi, miệng lẩm bẩm đọc kinh, chàng thanh niên gợi chuyện:
-
Tôi thấy ông vẫn còn tin
tưởng ở tập quán thời trung cổ. Chắc ông cũng tin Đức Mẹ Đồng Trinh và những
chuyện ghi trong sách Thánh, được nhai đi nhai lại trong các nhà thờ chứ gì?
Ông già trả lời:
-
Đúng vậy đó cậu ạ. Còn
cậu thì sao?
Chàng thanh niên cười rộ:
-
Tôi mà lại tin theo những
chuyện vớ vẩn ấy à? Tôi đã tìm được sự thật đầy đủ ơ trường Đại học. Ông cũng
nên từ bỏ xâu chuỗi, để có giờ mà đọc các sách khoa học tân tiến.
-
Tôi cũng muốn thế,
nhưng sợ không hiểu nổi khoa học.
-
Được rồi, tôi sẽ gửi biếu
ông một số sách. Ông có biết đọc không?
-
Cám ơn cậu, tôi có biết
đọc.
-
Thế thì tốt rồi, nhưng
xin ông cho địa chỉ để tôi gửi sách.
Ông già rút trong túi ra một tấm danh
thiếp, và cậu thanh niên tròn đôi mắt đọc thấy trên đó ghi: Louis Pasteur –Viện
nghiên cứu khoa học–Paris. Đó là người đã viết nhiều sách khoa học mà người
thanh niên say mê nghiền gẫm.
Trong đạo Công giáo có nhiều mầu nhiệm,
cao sâu trên hết là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đã là mầu nhiệm thì trí khôn
con người khó mà thấu hiểu được. Nhưng nếu khiêm tốn cầu nguyện và tìm hiểu, ta
vẫn có thể tiếp thu những mầu nhiệm đó mà không thấy nghịch lý chút nào. Mầu
nhiệm Chúa Ba Ngôi đã được chính Chúa Giêsu, một trong Ba Ngôi diễn tả và dạy dỗ
chúng ta bằng những lời lẽ minh bạch. Vì thế mầu nhiệm này đã được mọi người, kể
cả những nhà bác học, những người coi trọng lý trí phải suy nghĩ, và tin nhận.
Trong lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, Giáo Hội
cho ta đọc lại năm câu cuối cùng của Tin Mừng theo Thánh Matthêu, đây là những
lời kết thúc và tóm gọn toàn bộ giáo lý của Thánh Matthêu. Thấy Chúa tới, các
môn đệ đã sụp lạy suy tôn Người. Đó là thái độ trước nhan Thiên Chúa, thái độ của
những người nhận ra Thiên tính của Đức Giêsu (Mt 14,33; 2,11; 15,25). Tuy vậy vẫn
có một số còn hoài nghi. Giáo Hội Chúa luôn là tập đoàn tội nhân. Niềm tin các
tông đồ cũng như niềm tin của mọi người chúng ta luôn pha trộn nghi ngờ, hoang
mang, một niềm tin trên đường đi tới. Giáo Hội tiếp đón Chúa, luôn là Giáo Hội
“những người chỉ mới có chút ít đức tin” (Mt 14,31).
Tuy nhiên Chúa Giêsu vẫn không ngần ngại
tiến lại gần họ, như Chúa đã lại đến bên họ sau cuộc biến hình trên núi (Mt
17,7). Cũng như Chúa vẫn tiến lại gần những người chưa có thể hoặc chưa muốn
tuyên xưng một đức tin toàn vẹn, rõ ràng.
Khi đã lại gần bên ta, Chúa trao cho ta
nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng của Người. Nhiệm vụ đó là biến đổi toàn nhân loại
thành môn đệ Chúa để mọi người đều tuyên xưng cùng một niềm tin. Tin vào Chúa
là Cha vì đã tự bỏ mình và trao tặng tất cả cho Chúa Con. Tin Chúa Con đã tự hủy
bỏ và hiến dâng tất cả cho Chúa Cha; Tin Thánh Thần là tình yêu chuyển thông giữa
Chúa Cha và Chúa Con.
Điều Chúa muốn là “tập hợp mọi người
trong một tình yêu”. Thiên Chúa là một cộng đồng tình yêu hiệp nhất. Phải tìm bản
tính của Giáo Hội nơi bản tính Thiên Chúa Ba Ngôi.
Kính lạy Chúa Ba Ngôi cực Thánh, xin kết
hiệp chúng con trong tình yêu của Chúa để chúng con lấy hành động đức tin và cuộc
sống bác ái yêu thương, minh chứng mầu nhiệm Tình Yêu hiệp nhất của Ngài.
Noel Quesson