Suy niệm hạnh thánh _ 13/4


Thánh Giáo Hoàng MARTIN
 (c. 655)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Khi Đức Martin I làm giáo hoàng năm 649, Constantinople là thủ đô của Đế Quốc Byzantine và Đức Thượng Phụ Constantinople là vị lãnh đạo Giáo Hội có thế lực nhất của Kitô Hữu Đông Phương. Những tranh chấp hiện có trong Giáo Hội hoàn vũ thời bấy giờ lại càng thêm quyết liệt bởi sự cộng tác chặt chẽ giữa hoàng đế và đức thượng phụ.
Một giáo huấn được Giáo Hội Đông Phương quyết liệt bảo vệ là cho rằng Đức Kitô không có ý chí của loài người. Đã hai lần, các hoàng đế chính thức lên tiếng bảo vệ lập trường này, lần đầu Hoàng Đế Heraclius cho công bố bản tuyên xưng đức tin, và sau đó Hoàng Đế Constant II ra lệnh bác bỏ vấn đề Đức Kitô có một hoặc hai ý chí.
Trước khi được chọn làm giáo hoàng, Đức Martin từng là người đọc sách và là phó tế. Và sau khi nhậm chức không lâu, Đức Martin đã tổ chức một công đồng ở Latêranô mà trong đó các sắc lệnh của vua bị kiểm duyệt, và đức thượng phụ của Constantinople cũng như hai vị tiền nhiệm đều bị lên án là sai lạc. Để đối phó, Hoàng Đế Constant II cố vận động các giám mục và dân chúng chống đối đức giáo hoàng.
Sau khi thất bại trong mưu toan này, hoàng đế sai Olympius, quan tổng trấn Ravenna, bắt đức giáo hoàng đưa về Constantinople xét xử. Nhưng Olympius thất bại, và đến năm 653, quan tổng trấn mới là Theodore Collipas đã xâm chiếm Rôma và bắt giam đức giáo hoàng ở Naxos trong một năm trời. Sau khi điệu về Constantinople, Đức Martin bị kết tội phản loạn và bị tử hình. Mặc dù các tra tấn đã được thi hành, Đức Martin được thoát án tử nhờ sự can thiệp của Đức Phaolô II, vị thượng phụ của Constantinope, là người đã ăn năn sám hối về hành động của mình. Bản án tử hình được đổi thành khổ sai chung thân.
Vì hậu quả của các cuộc tra tấn và cực hình, Đức Martin đã từ trần sau đó không lâu. Ngài là vị giáo hoàng sau cùng chịu tử đạo.
Suy niệm 1:  Tranh chấp
Những tranh chấp hiện có trong Giáo Hội hoàn vũ thời bấy giờ lại càng thêm quyết liệt bởi sự cộng tác chặt chẽ giữa hoàng đế và đức thượng phụ.
Tranh chấp vốn luôn gây tác hại cho sự đoàn kết hiệp nhất nhưng lại luôn tồn tại trong mọi thời đại. Thật vậy ngay từ thời Giáo Hội sơ khai đã thấy xuất hiện vấn đề này, dầu tình tiết khác.
Trong lúc các kitô hữu gốc Dothái đòi buộc phải chịu phép cắt bì chứ lãnh nhận phép rửa tội thôi thì chưa đủ, điều mà các kitô hữu ngoài Dothái không chấp nhận được. Cuộc tranh luận xảy ra sôi nổi và cuối cùng đã được giải đáp (Cv 15,1-31).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng vì tranh chấp mà gây bất hòa và chia rẽ nhau.
Suy niệm 2:  Chính quyền và tôn giáo
Những tranh chấp hiện có trong Giáo Hội hoàn vũ thời bấy giờ lại càng thêm quyết liệt bởi sự cộng tác chặt chẽ giữa hoàng đế và đức thượng phụ.
Từ một chất vấn mang tính gài bẫy trong lời nói của nhóm kinh sư và thượng tế, Đức Giêsu đã phân định rõ ranh giới phải có giữa chính quyền và tôn giáo: Của Xêda trả về cho Xêda, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa (Lc 20,25).
Thế nhưng tính xã hội của con người vô tình đã nhiều lần xóa bỏ lằn ranh đó, đến nổi các hoàng đế vận dụng thế quyền để lấn át thần quyền đến mức xen hẳn vào nội bộ của Giáo Hội, như việc vua Philíp II đã tự ý đặt Turibiô Mongrôvêjô làm Giám Mục cai quản giáo phận Lima dầu ngài lúc đó đang còn là một giáo dân. Chính Đức Giáo Hoàng Grêgôriô VII đã lập lại kỷ cương khi hủy bỏ việc hoàng đế trao nhẫn và gậy cho các tân Giám Mục và nhất là tuyên bố tính độc lập giữa thần quyền và thế quyền.
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cùng với thánh Giáo Hoàng Clêmentê dâng lên lời nguyện: xin cho các nhà cầm quyền thực thi đúng đắn quyền hành Chúa đã trao cho họ. 
Suy niệm 3:  Lạc thuyết độc chí
Một giáo huấn được Giáo Hội Đông Phương quyết liệt bảo vệ là cho rằng Đức Kitô không có ý chí của loài người.
Lạc thuyết độc chí (monothelitism) cho rằng Đức Kitô chỉ có một ý chí độc nhất là ý chí Thiên Chúa.
Đã hai lần, các hoàng đế chính thức lên tiếng bảo vệ lập trường này, lần đầu Hoàng Đế Heraclius cho công bố bản tuyên xưng đức tin, và sau đó Hoàng Đế Constant II ra lệnh bác bỏ vấn đề Đức Kitô có một hoặc hai ý chí.
Đức Martin đã tổ chức một công đồng ở Latêranô mà trong đó các sắc lệnh của vua bị kiểm duyệt, và đức thượng phụ của Constantinople cũng như hai vị tiền nhiệm đều bị lên án là sai lạc.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra  giới hạn của trí thông minh con người, do đó sự hiểu biết có thể bị lu mờ và lệch lạc vì lầm lẫn, để rồi luôn vâng phục huấn quyền của Giáo Hội.
Suy niệm 4:: Đọc sách
Trước khi được chọn làm giáo hoàng, Đức Martin từng là người đọc sách và là phó tế.
Thấu hiểu rằng sách là một ngọn đèn sáng bất diệt của sự thông thái tích lũy lại (G.W.Curtis), Đức Martin đã đầu tư thời giờ của mình vào việc đọc sách, và vô tình đã trợ lực cho ngài rất nhiều trong việc thực thi chức vụ giáo hoàng của ngài sau đó.
Thật vậy một cuốn sách tốt mở ra thì gợi niềm hy vọng, khép lại thì thấy điều hữu ích (LM Alcott). Niềm hy vọng và sự hữu ích này đã trở thành hiện thực trong việc chuyển đời của viên sĩ quan đang dưỡng bệnh và sau này là vị sáng lập Dòng Tên mang danh Inhaxiô.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con yêu thích việc đọc sách, và dĩ nhiên là các sách tốt và đạo đức.
Suy niệm 5:  Công đồng
Sau khi nhậm chức không lâu, Đức Martin đã tổ chức một công đồng ở Latêranô.
Huấn giáo luôn nhận được nguồn năng lực mới từ các Công Đồng. Về phương diện này, Công Đồng Trentô là một gương mẫu phải nêu lên: Các hiến chế và sắc lệnh của Công Đồng này đã đưa huấn giáo lên hàng ưu tiên.
Công Đồng đã khơi nguồn cho quyển Giáo Lý Rôma là một tác phẩm hàng đầu của loại sách yếu lược  trình bày giáo lý Kitô giáo; Công Đồng đã khích lệ việc tổ chức dạy và học giáo lý và đã thúc đẩy việc phát hành nhiều bộ sách giáo lý (Sách Giáo Lý số 9).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết giá trị tuyệt hảo của các Công Đồng để hết mình thực hiện.
Suy niệm 6: Tử đạo
Vì hậu quả của các cuộc tra tấn và cực hình, Đức Martin đã từ trần sau đó không lâu. Ngài là vị giáo hoàng sau cùng chịu tử đạo.
Ý nghĩa thực sự của chữ tử đạo không phải là sự chết, mà là sự làm chứng. Vị tử đạo sẵn sàng hy sinh mọi sự, quý giá nhất là sinh mạng của họ, và đặt đức tin lên trên hết.
Tử đạo, chết vì đức tin, là một cao độ bất ngờ mà một số người phải trải qua để thể hiện đức tin của mình nơi Đức Kitô. Một đức tin sống động, một cuộc đời theo gương Đức Kitô bất kể những khó khăn, đó là sự đòi hỏi của tất cả Kitô Hữu.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm sống đời chứng nhân tức tử đạo ở mọi nơi và mọi lúc.