Chân phước WILLIAM WARD
Lược sử
William Ward sinh ở
Anh Quốc vào khoảng năm 1560 với tên họ là Webster trong một gia đình theo Tin
Lành. Khi thực hiện cuộc hành trình sang Tây Ban Nha với một người bạn Công Giáo, lúc ấy ngài đã là một thầy giáo
trẻ. Ở đây, ngài trở lại đạo Công
Giáo, và khi trở về nước, ngài hoán cải chính mẹ
mình. Vì công khai tuyên xưng đức tin, ngài bị giam cầm nhiều lần.
Vào năm 40 tuổi, ngài
sang Douai, nước Pháp để học làm linh mục. Sau khi được thụ phong và lấy tên là
Cha William Ward, ngài được đưa sang Tô Cách Lan. Khi vừa đến đây, lập tức ngài
bị cầm tù trong ba
năm.
Trong 30 năm kế tiếp,
ngài sống ở ngoại ô Luân Đôn, bí mật phục vu người Công Giáo và nổi tiếng là
một linh mục thánh thiện với sự
quan tâm đặc biệt đến người nghèo. Vì lý do đó, ngài thường bị cầm tù hoặc bị
trục xuất khỏi nước. Sau cùng, ngài bị phản bội bởi một tay chuyên săn bắt linh mục và bị giam trong
Ngục Newgate.
Bị kết án tử hình bằng
cách treo cổ và phanh thây, ngài từ trần ngày 26 tháng Bảy 1641 sau khi thốt ra
lời: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy linh hồn con!"
Cha William được phong
chân phước năm 1929 cùng với 162 vị tử đạo Anh Quốc khác.
Suy niệm 1: Bạn
Khi thực hiện cuộc hành trình sang Tây Ban Nha với một người bạn Công Giáo,
lúc ấy William đã là một thầy giáo trẻ.
Bạn đường trong bất cứ cuộc hành trình nào thường là một cuộc gặp gỡ bất ngờ
và không tiên liệu trước, từ đó rủi may cũng không thể nào lường trước được. Để
tránh điều đó, thầy giáo trẻ William đã chọn một người bạn đường dầu không đồng
tín ngưỡng, và không ngờ kết quả lại quá tốt đẹp: Ngài đã trở lại đạo.
Cậu Tôbia vâng lời cha già Tôbít lên đường về quê Mêđi, cũng gặp nỗi khó
khăn không biết tìm đâu ra một người bạn đường đáng tin cậy. May thay thiên sứ
Raphaen xuất hiện dưới dạng một người lữ hành và nhận vai trò này và giúp Tôbia
hoàn thành cuộc hành trình cách mỹ mãn (Tb 5tt).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn gặp được những người bạn đồng
hành thật tốt để gặt hái được các thành quả tốt đẹp trong các chuyến đi.
Suy niệm 2: Trở lại
Thầy giáo trẻ William trở lại đạo Công Giáo.
William vốn là một người theo đạo Tin Lành nhưng đã trở lại đạo Công Giáo
nhờ vào một người bạn Công Giáo. Đây là điều nhắc nhở bổn phận truyền giáo của
mỗi kytô hữu với thách đố: Có người làm được, sao tôi không làm được.
Gioan Ogilvie sinh trong một gia đình Tô Cách Lan mà cha ngài theo phái Calvin
và cũng muốn Gioan trở thành người của giáo phái ấy. Nhưng nhờ vào Kinh Thánh
đặc biệt 2 câu ở Mt 11,28 và 1Tm 2,4, ngài quyết định trở thành người Công
Giáo.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chú tâm học hỏi và sống Lời Chúa, để
làm cầu nối giúp tha nhân trở về cùng đạo Chúa.
Suy niệm 3: Bác ái là chia sẻ
Trở về nước, William hoán cải chính mẹ mình.
Một đặc tính của bác ái là phải chia sẻ. Vì thế sau khi tận hưởng niềm hạnh
phúc được trở lại đạo Chúa tại Tây Ban Nha, William trở về nước, thông chia
niềm vui ấy cùng với mẹ mình và giúp mẹ hoán cải, để cùng chung hưởng hạnh phúc
được làm con Chúa.
Viên cai ngục canh giữ Phaolô và Xila cảm kích trước nghĩa cử của hai ngài
cũng như sự lạ xảy ra trong ngục, ông đã xin học đạo và chịu phép rửa. Niềm vui
này cũng được ông chia sẻ với tất cả mọi người trong nhà (Cv 16,33).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nhắc nhở mình phải biết chia sẻ
hồng phúc làm con Chúa cho tha nhân.
Suy niệm 4:: Giam
cầm
Vì công khai tuyên xưng đức tin, ngài bị giam cầm nhiều lần.
Thật vậy sau khi được thụ phong linh mục và lấy tên là Cha William Ward,
ngài được đưa sang Tô Cách Lan. Khi vừa đến đây, ngay lập tức ngài bị cầm tù
trong ba năm.
Trong 30 năm kế tiếp, ngài sống ở ngoại ô Luân Đôn, bí mật phục vu người
Công Giáo. Vì lý do đó, ngài thường bị cầm tù. Sau cùng, ngài bị phản bội bởi
một tay chuyên săn bắt linh mục và bị giam trong Ngục Newgate, bị kết án tử
hình.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chấp nhận bị giam cầm chỉ vì lý do duy
nhất là vì Chúa.
Suy niệm 5: Thánh thiện
Cha William Ward nổi tiếng là một linh mục thánh thiện với sự quan tâm đặc
biệt đến người nghèo.
Một nét biểu hiện sự thánh thiện qua tấm gương của Cha William, đó là sự
quan tâm đặc biệt đến người nghèo. Phanxicô Átxidi đã trở nên vị thánh lừng
danh chẳng những nhờ ngài quan tâm đến người nghèo mà nhất là nhờ ngài từ bỏ
giàu sang để làm một nghèo đúng nghĩa qua việc đi xin ăn.
Người nghèo luôn là đối tượng dạt dào yêu thương của Thiên Chúa ba lần
thánh (Is 49,13;66,2). Vì thế Đức Giêsu vốn là Đấng thánh thiện tuyệt đối, Ngài
chẳng những mở đầu hiến chương nước trời bằng lời chúc phúc cho kẻ nghèo (Mt
5,3) và đến với người nghèo (Mt 11,5), mà còn thật sự chấp nhận kiếp nghèo từ
lúc chào đời cho đến chết.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sát cánh với người nghèo để dễ
dàng được nên thánh.
Suy niệm 6: Phản bội
Cha William Ward bị phản bội bởi một tay chuyên săn bắt linh mục.
Phản bội phải nói là một tội ác mà ai nấy đều gớm ghét, ngay cả Đức Giêsu
vốn hiền lành và quãng đại bậc nhất cũng phải chua xót thốt nên lời về kẻ phản
bội: Thà nó đừng sinh ra thì hơn (Mt 26,24).
Dầu vậy xã hội loài người vẫn luôn phải chịu đựng thực trạng ấy. Thật vậy
ngay từ thời Macabê, đã có một Pơtôlêmai lấy ác báo thiện mà phản bội và giết
Simôn cùng hai người con trai ông với một số lính hầu trong phòng tiệc (1Mcb
16,16-17).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giữ gìn chúng con đừng bao giờ sa vào tội ác phản bội
ấy.