Suy niệm hạnh thánh _ 09/4


Chân phước INNOCENT BERZO
(c. 1890)  
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Sinh năm 1844 ở gần Brescia thuộc phía bắc nước Ý, Innocent xin gia nhập dòng Capuchin Phanxicô khi 30 tuổi và đã là một linh mục triều. Ngài giữ chức vụ phó giám đốc đệ tử viện và sau đó là cha giám tập.
Cha Innocent có biệt tài giúp đỡ các người trẻ theo đuổi ơn gọi tu trì trong đời sống dòng Phanxicô. Ngài yêu mến họ và ngược lại họ rất quý trọng ngài. Ngài kêu gọi sự hãm mình phạt xác, nhất là gìn giữ miệng lưỡi, nhưng ngài biết sự kỷ luật bề ngoài chỉ là giả dối nếu không có sự hãm mình bên trong.
Vị tu sĩ khắc khổ này từ trần ngày 3 tháng Ba 1890, khi mới 45 tuổi, vì bị bệnh cúm khi trên hành trình rao giảng. Ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII phong chân phước năm 1961. Những phép lạ được ghi nhận trong tiến trình phong thánh đều là việc chữa lành các trẻ em bệnh tật.
Suy niệm 1:  Tài năng
Cha Innocent có biệt tài giúp đỡ các người trẻ theo đuổi ơn gọi tu trì trong đời sống dòng Phanxicô.
Giúp một người nên tốt vốn rất khó, mà giúp một người trẻ nên tốt hơn bằng việc giúp họ theo đuổi ơn gọi tu trì thì quả phải có biệt tài như một cha Innocent.
Ngay cả Đức Giêsu vốn tài trí siêu đẳng hơn hẳn mọi người, thế nhưng Ngài cũng gặp khó khăn trong việc huấn luyện các tông đồ, nếu không muốn nói là thất bại vì đã có một môn đồ Giuđa phản bội.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chỉ tận tình giúp người nên tốt mà không chờ mong kết quả.
Suy niệm 1:  Yêu mến
Cha Innocent yêu mến họ và ngược lại họ rất quý trọng ngài.
Bằng con đường yêu mến, Cha Innocent đã lấp đầy hố sâu ngăn cách vốn có giữa thầy và trò, để dễ dàng tiếp cận với từng người, nhờ đó phát hiện được các ưu khuyết của mỗi người tạo thuận lợi cho công tác giáo dục của ngài.
Cũng bằng con đường yêu mến, các môn sinh của Cha Innocent cũng vượt qua được bức tường e dè ngại ngùng, để rồi thành thật và cởi mở tâm sự mọi uẩn khuất trong tâm hồn có ảnh hưởng đến cuộc sống, nhờ được chỉ dẫn tận tình và sáng suốt, họ đã vững tiến trên đường nhân đức.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nắm bắt phương cách yêu mến trong việc giáo dục. 
Suy niệm 2:  Miệng lưỡi
Cha Innocent kêu gọi sự hãm mình phạt xác, nhất là gìn giữ miệng lưỡi.
Nếu lưỡi nhiều đường không xương lắt léo thì nó có khả năng phát ngôn ra những lời tốt cũng như xấu (Gc 3,9-10). Vì thế cần thiết phải giữ gìn miệng lưỡi như  lời Cha Innocent dạy, để chỉ có thể nói ra những điều tốt điều hay mà thôi. 
Chẳng những giữ gìn miệng lưỡi mà nhất là cần phải giữ gìn cái tâm cho trong sạch lành thánh, vì như lời Chúa Giêsu khẳng định: lòng đầy thì miệng mới nói ra (Mt 12,34), với những hậu quả khôn lường mà Sách Huấn Ca ghi lại: thiện với ác, sinh với tử,  nhưng cả bốn luôn bị cái lưỡi chi phối (Hc 37,18).
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin mượn lời Thánh Vịnh để dâng lên Chúa lời cầu xin: Xin canh giữ miệng con, lạy Chúa, và trông chừng lưỡi con (Tv 141,3).
Suy niệm 4: Nội tâm
Cha Innocent biết sự kỷ luật bề ngoài chỉ là giả dối nếu không có sự hãm mình bên trong.
Cái bên trong mới là quan trọng. Thật vậy, sau khi liên lạc với các thượng tế và nhận số bạc từ tay họ, Giuđa Ítcariốt đã có tâm ý nộp Đức Giêsu cho họ, nên bên ngoài vẫn tiếp tục sống chung với nhóm các tông đồ và Đức Giêsu, nhưng thực tâm là để tìm dịp thuận tiện thi hành ý định nộp Thầy (Lc 22,6).
Do đó Đức Giêsu đã nêu lên tầm quan trọng của cái nội tâm, khi tranh luận với các kinh sư về truyền thống rửa tay (Mt 15,17-20), cũng như khi khiển trách thái độ sống giả hình của họ (Mt 22,25-26). Từ đó thánh Gioan khuyên dạy: đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi mà hãy thực hành cách thực tâm (Ga 3,18) .
* Lãy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con uốn nắn tâm hồn chúng con cho ngay thẳng để luôn sống chân thật và thẳng thắn.
Suy niệm 5:  Chết khi hành sự
Cha Innocent từ trần ngày 3 tháng Ba 1890, vì bị bệnh cúm khi trên hành trình rao giảng.
Người đời luôn ca tụng và cảm kích trước cái chết của những ai đang thi hành sứ vụ, để rồi ai nấy đều ước mong được chấm dứt cuộc đời mình như thế. Vậy thật phúc cho Cha Innocent khi chí nguyện đó được thực hiện lúc từ trần trên hành trình rao giảng.
Thánh Phanxicô Xavie cũng thế. Ngài đã tích cực hoạt động để đem đức tin đến cho rất nhiều dân tộc, trong đó có người Ấn Độ, Mã Lai và Nhật Bản. Từ Nhật Bản, ngài mơ ước đến Trung Hoa, nhưng dự tính này không bao giờ thực hiện được. Ngài đã từ trần trước khi đặt chân đến phần đất này, cũng trên hành trình rao giảng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn chuyên tâm thi hành bổn phận, để được chết đang khi hành sự. 
Suy niệm 6: Chữa lành
Những phép lạ được ghi nhận trong tiến trình phong thánh đều là việc chữa lành các trẻ em bệnh tật.
Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu cũng từng chữa lành bao nhiêu bệnh nhân với đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền (Mt 4,23), thậm chí phục sinh cả kẻ chết, như con trai của bà góa thành Naim (Lc 7,14) hoặc Ladarô đã chôn cất và nặng mùi (Ga 11,43).
Nhưng trọng tâm của việc Đức Giêsu chữa lành không dừng lại ở phần xác mà chủ yếu là phần linh hồn, vì thế thỉnh thoảng Ngài cũng đề cập đến, như lúc chữa lành người bại liệt qua lời tha tội (Mc 2,5), dầu gây bất mãn nơi lòng các kinh sư (Mt 9,3).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tận tình chữa lành các bệnh tật nội tâm của tha nhân bằng gương sáng và các lời khuyên bảo, dầu không có khả năng chữa bệnh phần xác.