Suy niệm hạnh thánh _ 06/4

Chân phước CRESCENTIA HOESS
 (1682-1744)  
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Crescentia sinh trong một thành phố nhỏ gần Augsburg, là con gái của một người thợ dệt nghèo nàn. Khi còn nhỏ, thời giờ để chơi đùa cô đã dùng để cầu nguyện, giúp đỡ những người nghèo hơn mình, và cô hiểu biết về giáo lý nhiều đến độ được phép Rước Lễ lần đầu vào lúc bảy tuổi, sớm hơn những người cùng tuổi. Mọi người trong phố gọi cô là "thiên thần nhỏ."
Khi lớn lên, cô khao khát được gia nhập dòng Phanxicô. Nhưng tu viện thì nghèo và, Crescentia không có của hồi môn, nên các bề trên đã từ chối không nhận. Sau đó, trường hợp của cô được ông thị trưởng thành phố là một người Tin Lành can thiệp, vì nhà dòng có nặng ơn nghĩa với ông. Cả nhà dòng cảm thấy như bị ép buộc phải chấp nhận cô, bởi đó đời sống trong tu viện của cô thật khốn khổ. Cô bị coi là một gánh nặng và không được làm gì khác hơn là các công việc của người đầy tớ. Ngay cả tính tình vui vẻ của cô cũng bị cho là bợ đỡ hoặc đạo đức giả.
Bốn năm sau, tình trạng của Sơ Crescentia khá hơn khi bà bề trên mới nhận ra các nhân đức của sơ. Và Sơ Crescentia được bổ nhiệm là giám đốc đệ tử. Sơ được mọi người yêu mến và quý trọng đến nỗi, sau khi mẹ bề trên từ trần, Sơ Crescentia được mọi người tín nhiệm trong chức vụ ấy.
Dưới sự dẫn dắt của Sơ Crescentia, tình trạng kinh tế nhà dòng khấm khá hơn, và tinh thần đạo đức của Sơ Crescentia ngày càng lan rộng. Không bao lâu, Sơ Crescentia được các hoàng thân công chúa cũng như giám mục và hồng y đến xin ý kiến. Tuy nhiên, là một người con đích thực của Thánh Phanxicô, Sơ Crescentia vẫn hết mực khiêm tốn.
Tinh thần Sơ Crescentia thì vững mạnh nhưng thể xác của ngài thường đau yếu luôn. Sơ thường xuyên bị đau đầu và đau răng. Sau đó sơ không thể đi lại được, chân tay từ từ tê liệt, co quắp lại. Mặc dù đau đớn, sơ vẫn tràn đầy bình an và niềm vui khi sơ từ trần vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 1744.
Sơ được phong chân phước năm 1900.
Suy niệm 1:  Biệt danh
Mọi người trong phố gọi Crescentia là "thiên thần nhỏ."
Sỡ dĩ Crescentia có được biệt danh ấy là vì ngay từ nhỏ ngài đã có được những ưu điểm nổi bật trổi vượt hơn các bạn đồng lứa. Đó là cô đã dùng thời giờ chơi đùa để cầu nguyện, giúp đỡ những người nghèo hơn mình, và cô hiểu biết về giáo lý nhiều đến độ được phép Rước Lễ lần đầu vào lúc bảy tuổi.
Dầu không có biệt danh ấy, nhưng Cha Gioan Maria Vianê cũng có một lối sống đạo đức ngay từ hồi còn nhỏ. Nhiều lần đi chăn chiên bò, ngài đem theo mấy ổ bánh mì lớn chia cho những trẻ nghèo hơn. Ngài cũng thường lén núp vào lùm cây đọc kinh cầu nguyện. Nhất là ngài cũng đóng vai làm tông đồ dạy lẽ đạo cho nhóm trẻ, cũng như nhắc lại những bài giảng nghe được trong thánh lễ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho Giáo Hội có được những thiếu nhi đạo hạnh đảm bảo cho một tương lai tươi sáng và thánh thiện. 
Suy niệm 2:  Can thiệp
Tu viện thì nghèo và, Crescentia không có của hồi môn, nên các bề trên đã từ chối không nhận. Sau đó, trường hợp của cô được ông thị trưởng thành phố là một người Tin Lành can thiệp, vì nhà dòng có nặng ơn nghĩa với ông.
Sự can thiệp thật quan trọng. Thái tử Apsalôm bị vua Đavít cho lưu đày vì tội ám sát Amnôn, nhưng nhờ sự can thiệp của ông Giôáp mà vua Đavít đã tha thứ và cho Apsalôm trở về bình an (2Sm 14,23-33).
Người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đang bị toàn dân xét xử và sắp bị ném đá chết theo luật Môsê, nhưng nhờ vào sự can thiệp của Đức Giêsu, nên nàng chẳng những được bảo toàn mạng sống mà còn được giúp đỡ để trở thành thánh nhân (Ga 8,2tt).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con mạnh dạn can thiệp để cứu người hoạn nạn và giúp họ vươn lên.
Suy niệm 3:  Khốn khổ
Cả nhà dòng cảm thấy như bị ép buộc phải chấp nhận Crescentia, bởi đó đời sống trong tu viện của cô thật khốn khổ.
Crescentia thật khốn khổ khi bị coi là một gánh nặng và không được làm gì khác hơn là các công việc của người đầy tớ. Ngay cả tính tình vui vẻ của cô cũng bị cho là bợ đỡ hoặc đạo đức giả.
Đức Giêsu cũng thật khốn khổ khi Ngài là vua dầu nước Ngài không thuộc trần gian này, thế mà vừa sinh ra vua Hêrôđê đã hiểu lầm để sai binh lính đi sát hại, cũng như bị các đầu mục Dothái vu cáo giết chết.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cam tâm chịu khổ vì Chúa để xứng với hạnh phúc Chúa sẽ ban trên thiên đàng sau này.
Suy niệm 4: Mới
Bốn năm sau, tình trạng của Sơ Crescentia khá hơn khi bà bề trên mới nhận ra các nhân đức của sơ.
Một yếu tố mới xuất hện trong cộng đoàn mang lại nhiều sự kiện mới tốt hơn. Sự hiện diện của một bề trên mới vốn nận ra các nhân đức của Sơ Crescentia nên đã giúp Sơ được bổ nhiệm là giám đốc đệ tử. Sơ được mọi người yêu mến và quý trọng đến nỗi, sau khi mẹ bề trên từ trần, Sơ Crescentia được mọi người tín nhiệm trong chức vụ ấy.
Theo đường hướng ấy, các vị mục tử cũng thường được thuyên chuyển đến các nhiệm sở mới để mang sức sống mới cho cộng đoàn giáo xứ. Những khó khăn gây áp lực cho vị chủ chăn ở môi trường cũ cũng biến mất để trở thành những kinh nghiệm quý giá cho hoạt động mục vụ ở một địa điểm mới. Đồng thời sự hiện diện của vị mục tử mới cũng giúp cho một số con chiên bất đồng ý  kiến với vị chủ chăn cũ có được tâm lý thoải mái trong bước đường phục vụ và tiến đức.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dầu sống trong thế giới cũ nhưng luôn mang tinh thần mới của Trời Mới Đất Mới.
Suy niệm 5:  Khiêm tốn
Là một người con đích thực của Thánh Phanxicô, Sơ Crescentia vẫn hết mực khiêm tốn.
Lòng khiêm tốn có một sức thu hút lạ thường. Thật vậy càng muốn hư vô hóa mình thì lại càng được muôn người chú ý và tìm đến. Chính tinh thần đạo đức của Sơ Crescentia ngày càng lan rộng, khiến không bao lâu, Sơ Crescentia được các hoàng thân công chúa cũng như giám mục và hồng y đến xin ý kiến.
Cha Gioan Maria Vianê được bài sai đến làm việc ở một xứ đạo Ars nghèo và hẻo lánh, nhưng tinh thần đạo đức và khiêm hạ của ngài đã biến Ars thành một địa điểm hành hương tấp nập những người gần xa tìm đến để xin xưng tội và xin giúp đỡ phần linh hồn.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống khiêm tốn không chủ ý được người tìm đến nhưng để nên giống Chúa nhiều hơn. 
Suy niệm 6: Bình an
Dù đau đớn, Crescentia vẫn tràn đầy bình an và niềm vui khi từ trần vào ngày Phục Sinh năm 1744.
Nỗi đau đớn Sơ Crescentia gặp phải là do thể xác của ngài thường đau yếu luôn. Sơ thường xuyên bị đau đầu và đau răng. Sau đó sơ không thể đi lại được, chân tay từ từ tê liệt, co quắp lại. Nhưng tinh thần sơ thì vững mạnh và tâm hồn sơ luôn được bình an, nhờ có Chúa hằng hiện diện trong tâm hồn.
Thân xác Phaolô trên bước đường truyền giáo cũng gặp bao khổ đau như ngài ghi lại: Năm lần bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngay lênh đênh giữa biển khơi... còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng (2Cr 11,24.27), thế nhưng tâm hồn ngài vẫn luôn được an bình vì có Chúa hằng hiện diện.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chú tâm kiến tạo bình an đích thực trong tâm hồn nhờ có sự hiện diện của Chúa, dầu phải chịu khốn khổ về mặt thể lý,  hơn là thứ bình an thế gian ban tặng mang tính hời hợt chóng qua.