Chân phước
PHANXICÔ “Di Bruno”
PHANXICÔ “Di Bruno”
(1825-1888)
Lm. Phêrô
Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Phanxicô sinh ở miền bắc nước Ý, là người con út trong gia đình quý tộc có 12 người con. Ngài sống trong giai
đoạn cực kỳ hỗn loạn của lịch sử, mà phong trào chống Công Giáo và chống
đức giáo hoàng rất mạnh mẽ.
Sau khi hoàn tất khóa huấn luyện sĩ quan quân đội, Phanxicô được
Vua Victor Emmanuel II để ý, vì ông cảm kích trước sự hiểu biết và tính tình
của người thanh niên này. Được vua mời để làm thày giáo cho hai hoàng
tử, Phanxicô đồng ý và chuẩn bị nhận nhiệm vụ. Nhưng vai trò của Giáo Hội trong
lãnh vực giáo dục thời bấy giờ có nhiều điểm bất lợi, nên nhà vua buộc phải rút
lại lời mời Phanxicô, thay vào đó, vua tìm một thày giáo thích hợp hơn với một
quốc gia thế tục.
Sau đó không lâu, Phanxicô từ giã quân đội và theo đuổi việc học
ở Balê về toán học và thiên văn học; ngài cũng đặc biệt chú ý đến tôn giáo và
sự khổ hạnh. Mặc dù việc học là chính, Phanxicô dồn
nhiều nỗ lực trong các sinh hoạt bác ái.
Vì muốn nới rộng tầm hoạt động và tận tụy hơn cho người nghèo,
Phanxicô, lúc bấy giờ là một tráng niên, bắt đầu đi tu làm linh mục. Nhưng đầu
tiên, ngài phải được sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng Piô IX để chống lại quyết
định của đức tổng giám mục địa phương đã không đồng ý cho
ngài đi tu vì cao tuổi.
Khi 51 tuổi, Phanxicô được thụ phong linh mục.
Ngài từ trần ở Turin ngày 27 tháng Ba 1888, và 100 năm sau, ngài
được phong chân phước.
Suy niệm 1: Út
Phanxicô sinh ở miền bắc nước Ý,
là người con út trong gia đình quý tộc có 12 người con.
Thánh Grêgôriô ở Nyssa cũng là
con út trong một gia đình, nhưng ngài được làm linh mục và giám mục. Nhất là
ngài không chỉ được coi là một trụ cột của chính giáo, nhưng còn là người đóng
góp quan trọng cho các truyền thống bí nhiệm trong linh đạo Kitô Giáo và cho hệ
thống đan viện.
Có câu nói: con út trút gia tài.
Đây là một áp lực tâm lý không nhỏ. Tuy nhiên với một người sống được quyết tâm
không gì có thể tách biệt ra khỏi tình yêu của Đức Kitô và của Thiên Chúa (Rm
8,35.39) thì vẫn có thể vượt qua được khó khăn này, như trường hợp của người
con út Phanxicô “đi bruno”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp mọi người luôn biết đặt tình Chúa lên trên hết
mọi sự.
Suy niệm 2: Bách hại
Ngài sống trong giai đoạn cực kỳ
hỗn loạn của lịch sử, mà phong trào chống Công Giáo và chống đức giáo hoàng rất
mạnh mẽ.
Sự hiện diện của Đức Giêsu vốn là
dấu hiệu cho người đời chống báng (Lc 2,34). Vừa chào đời, Ngài đã bị vua
Hêrôđê sai binh lính tìm giết. Lớn lên, đi rao giảng thì bị các đầu mục Dothái
làm khó dễ, để rồi cuối cùng Ngài cũng bị vu cáo và bị giết chết.
Là nhiệm thể của Đức Giêsu, Hội
Thánh cũng không tránh được số phận bị ngược đãi đó (Ga 15,20). Chỉ khác một
điều là Giáo Hội luôn đứng vững đến mức cho dầu quyền lực tử thần cũng không
thắng được (Mt 16,16).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vững tin vào sự trường tồn của Hội
Thánh Chúa để không đứng về phía phong trào chống đối, nhưng luôn bênh vực.
Suy niệm 3: Thày giáo
Được vua mời để làm thày giáo cho
hai hoàng tử, Phanxicô đồng ý và chuẩn bị nhận nhiệm vụ.
Lý do để Phanxicô được vua Victor
Emmanuel II để ý và chọn làm thày giáo cho hai hoàng tử, vì ông cảm kích trước
sự hiểu biết và tính tình của người thanh niên này.
Điều này cho hay điều cần thiết
để làm thày giáo dĩ nhiên là phải có trình độ kiến thức cao, nhưng nhất là cần
có những đức tính trổi vượt, vì sứ mạng của một thầy giáo trên hết phải tạo nên
những con người tốt chứ không phải những người giỏi mà xấu. Cái xấu của người
giỏi chỉ gây nên những tác hại cho xã hội.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các thày giáo ý thức và hoàn thành sứ mạng đúng
đắn của mình.
Suy niệm 4: Khổ hạnh
Phanxicô từ giã quân đội và theo
đuổi việc học ở Balê về toán học và thiên văn học; ngài cũng đặc biệt chú ý đến
tôn giáo và sự khổ hạnh.
Với tiềm năng làm linh mục,
Phanxicô đã từ bỏ nghiệp binh đao để theo đuổi việc học, và nhất là chú ý đến
tôn giáo và sự khổ hạnh, vốn là một yếu tố rất quan trọng để giúp nếp sống tu
trì.
Đức Giêsu đã từng ăn chay bốn
mươi đêm ngày trước khi lên đường loan báo Tin Mừng (Mt 4,2), cũng như chỉ dạy
cho các tông đồ phương cách chiến thắng ma quỷ là ăn chay và cầu nguyện (Mt
17,21).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tận dụng lối sống khổ hạnh nhất là về
mặt tinh thần, để dễ tiến bộ trên đường trọn lành.
Suy niệm 5: Bác ái
Mặc dù việc học là chính,
Phanxicô dồn nhiều nỗ lực trong các sinh hoạt bác ái.
Ngài sáng lập tu hội Thánh Zita
cho những người đầy tớ, sau này bành trướng thêm để nhận cả các người mẹ không
chồng. Ngài giúp thiết lập các ký túc xá cho người già và người nghèo. Ngài
trông coi cả việc xây cất một nhà thờ ở Turin được dành để tưởng nhớ các chiến
sĩ đã tử trận trong cuộc chiến thống nhất nước Ý.
Khi 51 tuổi, Phanxicô được thụ
phong linh mục. Ngài tiếp tục các công việc tốt lành, chia sẻ tài sản cũng như
năng lực của ngài cho tha nhân. Ngài thiết lập một ký túc xá khác, lần này dành
cho các cô gái điếm hoàn lương.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng vận dụng theo điều kiện, khả năng cũng như
hoàn cảnh thực tế để thực thi đức ái trọn hảo.
Suy niệm 6: Khó khăn
Phanxicô, lúc bấy giờ là một
tráng niên, bắt đầu đi tu làm linh mục.
Nhưng đầu tiên ngài gặp một khó
khăn vì tuổi tác, ngài phải được sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng Piô IX để chống
lại quyết định của đức tổng giám mục địa phương đã không đồng ý cho ngài đi tu
vì cao tuổi. Khi 51 tuổi, Phanxicô được thụ phong linh mục.
Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu
cũng đã gặp một khó khăn tương tự. Thật vậy, lễ sinh nhật năm 1887, khi quyết
định đi theo tiếng Chúa gọi vào Dòng Kín, ngài cũng phải được đức giáo hoàng
ban đặc ân vào dòng khi mới 15 tuổi, tức lứa tuổi thông thường chưa được nhận.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng bao giờ nãn lòng, nhưng luôn dũng
cảm đương đầu với khó khăn cho đến khi được vượt qua.