Suy niệm hạnh thánh _ 21/3

Chân phước GIOAN ở PARMA
 (1209-1289)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Là bề trên cả thứ bảy của Dòng Phanxicô, Chân Phước Gioan nổi tiếng về những cố gắng nhằm khôi phục linh đạo nguyên thủy của Dòng sau khi Thánh Phanxicô Assisi từ trần.
Gioan Buralli sinh ở Parma, nước Ý năm 1209. Khi là giáo sư triết mới 25 tuổi, và nổi tiếng đạo đức thì Thiên Chúa đã gọi ngài từ giã thế tục để đi vào thế giới mới của Dòng Phanxicô. Ngài được gửi sang Balê để học thần học. Sau khi thụ phong linh mục, ngài được bổ nhiệm dạy thần học tại Bologna, Naples và Rôma.
Năm 1247, Cha Gioan ở Parma được bầu làm bề trên tổng quyền. Các môn đệ chân chính của Thánh Phanxicô vui mừng với sự chọn lựa này, và họ trông đợi sự hồi phục tinh thần khó nghèo và khiêm tốn như những ngày tiên khởi của Dòng. Và họ đã không thất vọng. Theo tài liệu ghi lại, ngài là người cương quyết và cường tráng, do đó ngài luôn nhân từ và vui vẻ dù có mệt mỏi cách mấy. Ngài là Bề Trên đầu tiên đi thăm tất cả các chi nhánh của Dòng, và đi chân đất. Ngài khiêm tốn đến độ mỗi khi đến thăm tu viện nào, ngài đều phụ giúp các thầy rửa rau và chuẩn bị cơm nước. Ngài yêu quý sự thinh lặng để có thể nghĩ đến Thiên Chúa và không bao giờ nói chuyện tầm phào.
Đức giáo hoàng đã nhờ Cha Gioan làm đại diện đến Constantinople, là nơi ngài hầu như hoàn toàn thành công trong việc đưa người Hy Lạp ly khai trở về với Giáo Hội. Sau đó ngài tiếp tục công việc khôi phục linh đạo nguyên thủy của Dòng. Nhiều biện pháp đã được thi hành để giúp các tu sĩ tuân giữ kỷ luật, nhưng dù có nỗ lực đến đâu, ngài luôn luôn bị chống đối một cách cay đắng. Sau cùng, vì tin rằng mình không có khả năng để thực hiện sự cải tổ cần thiết, ngài đã từ chức và đề cử Cha Bonaventura (sau này là thánh) lên kế vị. Phần Cha Gioan, ngài lui về đời sống ẩn dật ở Greccio.
Nhiều năm sau đó, Cha Gioan nghe biết những người Hy Lạp, đã từng hòa giải với Giáo Hội lúc trước, bây giờ lại đi theo ly giáo. Mặc dù đã 80 tuổi, Cha Gioan được phép của Đức Giáo Hoàng Nicôla IV trở lại Đông Phương trong nỗ lực khôi phục sự hiệp nhất một lần nữa. Trên đường đi, ngài đã ngã bệnh và từ trần ngày 19 tháng Ba 1289. Nhiều phép lạ được ghi nhận do sự cầu bầu của ngài.
Cha Gioan được phong chân phước năm 1781.
Suy niệm 1: Khôi phục
Chân Phước Gioan nổi tiếng về những cố gắng nhằm khôi phục linh đạo nguyên thủy của Dòng sau khi Thánh Phanxicô Assisi từ trần.
Tinh thần khó nghèo và khiêm tốn là linh đạo nguyên thủy của Dòng. Để thể hiện, ngoài nhiều biện pháp đã được thi hành để giúp các tu sĩ tuân giữ kỷ luật, ngài hết mực sống khiêm tốn và nghèo khó đến độ mỗi khi đến thăm tu viện nào, ngài đều đi chân không, cũng như phụ giúp các thầy rửa rau và chuẩn bị cơm nước .
Ngài cũng nỗ lực khôi phục sự hiệp nhất trong việc đưa người Hy Lạp ly khai trở về với Giáo Hội. Khi Cha Gioan nghe biết những người Hy Lạp, đã từng hòa giải với Giáo Hội lúc trước, bây giờ lại đi theo ly giáo. Mặc dù đã 80 tuổi, Cha Gioan được phép của Đức Giáo Hoàng Nicôla IV trở lại Đông Phương trong nỗ lực khôi phục sự hiệp nhất một lần nữa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nỗ lực khôi phục tâm hồn trinh trong được biểu hiện qua chiếc áo trắng khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội.
Suy niệm 2: Đạo đức   
Khi là giáo sư triết mới 25 tuổi, và nổi tiếng đạo đức thì Thiên Chúa đã gọi Gioan từ giã thế tục để đi vào thế giới mới của Dòng Phanxicô.
Lòng đạo đức của Gioan được thể hiện qua việc ngài vâng theo Thiên Ý để từ bỏ thế tục với tương lai sáng lạng mà gia nhập vào Dòng. Chưa hết, Thiên Ý sắp xếp vào năm 1245, Đức Giáo Hoàng Innocent IV triệu tập công đồng ở Lyons, nước Pháp. Vị bề trên Dòng Phanxicô lúc bấy giờ là Cha Crescentius đang đau nặng nên không thể tham dự.
Ngài gửi Cha Gioan đi thế, và cha đã tạo được một ấn tượng tốt đẹp nơi các vị lãnh đạo Giáo Hội trong công đồng. Hai năm sau, chính vị giáo hoàng ấy đã chủ tọa buổi bầu cử vị bề trên của Dòng Phanxicô, ngài đã nhớ đến Cha Gioan và đã đề cử cha như người xứng đáng nhất nắm giữ chức vụ quan trọng này. Do đó, năm 1247, Cha Gioan ở Parma được bầu làm bề trên tổng quyền.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuyên chăm thực thi Thiên Ý để mỗi ngày mỗi đạo đức thánh thiện hơn. 
Suy niệm 3: Vui mừng
Năm 1247, Cha Gioan ở Parma được bầu làm bề trên tổng quyền. Các môn đệ chân chính của Thánh Phanxicô vui mừng với sự chọn lựa này, và họ trông đợi sự hồi phục tinh thần khó nghèo và khiêm tốn như những ngày tiên khởi của Dòng. 
Có nhiều nỗi vui mừng tự nhiên và siêu nhiên. Các môn đệ xưa cũng tự nhiên hớn hở, khi thấy cả ma quỷ cũng khuất phục các ngài. Nhưng Đức Giêsu lại đã hướng họ đến một niềm vui siêu nhiên là tên họ được ghi trên trời (Lc 10,20).
Các môn đệ chân chính của Thánh Phanxicô đã biết chọn sống theo hướng của Đức Giêsu vạch ra. Các ngài đã vui mừng trông đợi sự hồi phục tinh thần khó nghèo và khiêm tốn như các ngày tiên khởi của Dòng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng chạy tìm niềm vui tự nhiên vốn chóng qua, nhưng hãy luôn sống niềm vui siêu nhiên chuẩn bị tận hưởng niềm vui vĩnh cửu sau này trên thiên đàng.
Suy niệm 4:  Khiêm tốn
Năm 1247, Cha Gioan ở Parma được bầu làm bề trên tổng quyền. Các môn đệ chân chính của Thánh Phanxicô vui mừng với sự chọn lựa này, và họ trông đợi sự hồi phục tinh thần khó nghèo và khiêm tốn như những ngày tiên khởi của Dòng. 
Tinh thần khiêm tốn của Dòng được thể hiện cụ thể ngay trong cách sống với việc ăn mặc y phục đơn giản không cầu kỳ của người nghèo, đi chân không, và nhất là chú trọng việc hạ mình đi xin ăn. 
Thánh Gioan Tẩy Giả xưa kia cũng thể hiện tinh thần khiêm tốn trong sứ mạng tiền hô của mình với việc ăn mặc bằng cách ăn châu chấu và mật ong rừng cũng như mặc áo lông da thú. 
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sống tinh thần khiêm tốn trong việc không chạy tìm những phương tiện làm việc mang tính đua đòi hay lãng phí không cần thiết.
Suy niệm 5:  Thăm viếng
Cha Gioan là Bề Trên đầu tiên đi thăm tất cả các chi nhánh của Dòng, và đi chân đất.
Khoảng cách tự nhiên vốn hiện hữu giữa người này và người kia, do chức vụ lớn nhỏ lại càng khó lấp đầy hơn nữa, do không gian cách biệt hẳn nhau. Cha Gioan là người đầu tiên muốn xóa bỏ ngăn cách này để thật sự sống tình anh em, nên đã thực hiện chương trình đi đến với mọi người bằng việc đi thăm các chi nhánh.
Sáng kiến rời khỏi thủ đô Rôma để đến thế giới bên ngoài của các Đức Giáo Hoàng thuộc thế kỷ XX đã gây một chấn động lớn và có thể nói đã mở ra một đường hướng phục vụ mới cho Giáo Hội Rôma.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị chủ chăn đánh giá cao công tác thăm viếng mục vụ nhiều hơn nữa.
Suy niệm 6: Chống đối
Nhiều biện pháp đã được thi hành để giúp các tu sĩ tuân giữ kỷ luật, nhưng dù có nỗ lực đến đâu, Cha Gioan luôn luôn bị chống đối một cách cay đắng.
Ngôn sứ Êlia thấy dân Ítraen nhảy khập khiễng hai chân vừa thờ Thiên Chúa vừa lạy Baan, ngài nỗ lực giúp dân hồi tâm quay về tuân giữ luật Giavê, nên đã gánh chịu sự chống đối mãnh liệt của các ngôn sứ giả được hoàng hậu Ideven hậu thuẫn (1V 16,21).
Sự hiện diện của Đức Giêsu cũng đã được cụ già Simêon tiên báo là dấu hiệu cho người đời chống báng (Lc 2,34). Lời tiên báo này đã thành hiện thực khi chẳng những các đầu mục Dothái toa rập lập mưu chống lại ngài đến mức muốn giết ngài (Mc 14,1), mà ngay cả người Dothái cũng chống đối (Ga 5,16).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm chấp nhận bị người đời chống đối còn hơn bị Chúa chống đối.