Nhân bản Kitô giáo _ văn minh tình thương

BÀI 17: TRƯỞNG THÀNH (tt)

Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. (1Cr 13, 11).

Văn Minh Tình Thương

42/17: Đòi biết mọi sự là ngu xuẩn  nhất. Chúa cho A-đam, E-và biết hết mọi trái cây trong vườn Ngài đã dựng nên, nhưng họ lại ảo tưởng đòi phải biết cả cây Chúa cấm mới khôn bằng Thiên Chúa! Kết quả họ là kẻ ngu xuẩn nhất (x St 3).
Bởi vậy thánh Phao-lô nhắc nhở ta: “Tôi được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích, tôi được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều xây dựng, đừng để sự gì vô ích lạm phép trên thân thể tôi!” (1Cr 6, 12)
Có ba loại người ngu đần:
-                 Ngu vì không biết gì cả.
-                 Ngu vì không biết đến nơi đến chốn.
-                 Ngu nhất là: biết quá điều phải biết. Như Adam, Eva đòi biết cả trái cây Chúa cấm (x St 3).
43/17: Để thắng tính ghét người. Ta phải nhớ rằng: “Người yếu mới lo diệt kẻ thù, còn đấng trượng phu thì thanh thản tâm hồn, chẳng có gì phải sợ” (x Kn 12, 14-18).
Khoa phân tâm học cho biết: Ghét tức là do sợ mà ra, vì thế ghét ai là sợ người đó: sợ người ta đoạt của cải mình, sợ người ta đoạt danh vọng mình, sợ người ta đoạt quyền lợi mình, sợ người ta đoạt người tình của mình. Chính vì vậy mà có bà đi đánh ghen, bởi vì bà sợ có kẻ giật chồng bà, hoặc bọn mafia thủ tiêu người như ngóe, vì sợ đối phương đưa nó ra ánh sáng.
Vậy muốn tránh ghét người thì đừng sợ ai cả, mà muốn không sợ ai thì cứ đường đường chính chính sống giữa thanh thiên bạch nhật, biết trên có ai, dưới có ai, bốn phương tám hướng có ai, và cố thực hiện trong đời sống của mình câu: “Thiên địa nhân hòa”. Tức là sống hòa hợp với ý Trời, hợp với lòng người để xác tín được như thánh Tông Đồ: “Mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp cho ai yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8, 28).
Bởi vì ta gieo gì thì gặt nấy: ai ghét ta mà xô ta xuống thung lũng, ta vẫn nói: “tôi yêu”, chắc chắn ta nghe vọng lại: yêu..yêu..yêu....! Trái lại, ta tức giận ai mà hét lên: “tôi ghét”, chắc chắn tiếng ghét.. ghét..ghét....vọng lại!
Thánh Tôma Tiến sĩ nói: “Thà nghĩ tốt cho một người xấu, vẫn hơn nghĩ xấu cho một người tốt, vì cách thứ nhất không hại ai”. Vậy:
-                 Lấy ác báo lành: ta là quỷ.
-                 Lấy ác báo ác:  ta là sói.
-                 Lấy lành báo lành: ta là người.
-                 Lấy lành báo ác: ta là Chúa.
Sống được như thế thì hết sợ ai, khi không sợ ai, không phải lo đề phòng gì cả, thì ghét ai làm gì cho mệt tâm mệt trí, vì người có công lý luôn luôn là người mạnh. Kinh Thánh nói : “Chúa làm chủ sức mạnh, nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn. Làm như thế Chúa dạy dân rằng : Người công chính phải có lòng nhân ái” (Kn 12,18-19)
44/17: Hãy nói điều tích cực hơn là điều tiêu cực. Tâm lý con người ai cũng chỉ để ý đến điều tiêu cực, mà ít ai quan tâm đến điều tích cực. Cụ thể ta vảy một đốm mực đen bằng đầu đũa trên một tấm vải trắng lớn, rồi ta giơ tấm vải trắng trước mặt mọi người và hỏi: “Cái gì đây?” Chắc chắn mọi người đáp mau lẹ: “Vết mực đen”, trong khi ai cũng nhìn thấy cả tấm vải trắng lớn, thì lại không nói!
Người Trung Hoa có câu: “Trong một khu rừng rộng lớn, một cây cổ thụ đổ xuống, thì làm chấn động cả vùng trời; trong khi đó cả tỷ mầm sống đang vươn lên thì vẫn im lìm!” Thánh Phao-lô động viên chúng ta: “Anh em hãy nghĩ đến nhau mà lo đôn đốc lòng mến và làm những việc tốt lành” (Dt 10, 24).
45/17: Đừng trang điểm quá đáng. Sách Giảng viên dạy: “Tiếng thơm hơn là dầu thơm, thì ngày chết hơn là ngày sinh” (Gv 7, 1).
Người đời thường nói: Dáng người hơn nhau bởi y phục, bởi son phấn, nhưng bóc trần ra thì ai cũng như ai! Người Công giáo phải xác tín rằng: Ta là con Đức Chúa Trời không ai cao cả bằng (x Mt 11, 11b). Nên ta hãy sống lời vị chủ chăn tiên khởi dạy: “Đồ trang sức của chị em đừng là vỏ bề ngoài, như kết tóc, đeo vòng quý, ăn mặc xa hoa, có khi diêm dúa lố lăng gợi dục! Nhưng một con người trầm ẩn nơi tấm lòng,đồ trang sức bất hoại là tinh thần hiền từ và an tĩnh” (1 Pr 3, 3-4).
46/17: Đừng ăn nói cợt nhả, một lời hai ý.
-                 Có khi lộ ý móc mỉa người khác.
-                 Có khi làm cho người ta hiểu nghĩa tục.
Thánh Phao-lô dạy: “Lời lẽ của anh em hằng phải thanh nhã, mặn mà, ý nhị, biết đối đáp sao cho phải với mỗi một người” (Cl 4, 6). Bởi thế: “Con không ngồi chung với phường giễu cợt” (Ger 15,17a)
47/17: Đừng tự tôn quá cao vọng về mình. Đến như thánh Tông Đồ còn phải nói: “Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10, 12). Chỉ khi nào ta sống được như  Chúa Kitô (1Cr 11, 1). Ta mới có quyền tự hào trong Chúa (1Cr.1, 31). Ta phải sống Lời Chúa mới có quyền nói được như thánh Phao-lô: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi đối với  Đức Ki-tô” (1 Cr 11, 1).
Và thánh Phao-lô lại dạy: “Ai có tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1Cr 1, 31).
48/17: Phải kiên nhẫn và chịu đựng sống trong một cộng đoàn tương đối êm đẹp.
Sống trên đời không ai có thể tìm được một cộng đoàn lý tưởng để dung thân. Đến như Giáo Hội tuy được gọi là thánh mà Đức Giê-su còn ví như một thuở ruộng có lúa và cỏ mọc chung, đầy tớ tình nguyện đi nhổ cỏ, nhưng chủ bảo cứ để như thế đến mùa gặt hãy tính (x Mt 13, 24-30). Mà nếu mảnh đất nào cỏ không mọc được, thì chẳng ai có thể trồng trọt gì. Nói cách khác, đất mà có cỏ mọc um tùm thì đó lại là đất tốt!
Gia đình Nazareth tuy là một gia đình thánh mà có lúc phải chịu đựng nhau. Cụ thể, Đức Giê-su đến tuổi 12 đã khôn lớn, mà Ngài trốn cha mẹ ở lại Đền thờ dạy giáo lý, làm cha mẹ rất đỗi ưu phiền suốt ba ngày đi tìm con (x Lc 2, 41t).
Đức Giê-su phải thức suốt đêm cầu nguyện với Chúa Cha, xin Cha giúp Ngài chọn 12 môn đệ, thế mà Ngài chọn phải tên Giuđa phản bội (Lc 6,12-13).
Nhóm 12 hay bất hòa vì tranh nhau địa vị nhất nhì (x Mc 9,33-37). Nếu họ không chịu đựng tha thứ cho nhau, cộng đoàn đó đã tan rã và Đức Giê-su không có người cộng tác.
Bởi vậy thánh Phao-lô nói:
-                  “Những sự chia rẽ giữa anh em thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn” (1Cr 11, 19).
-                  “Yêu thương nhau thì hãy vác lấy gánh nặng của nhau” (Gl 6, 2).
49/17: Khi thấy một cộng đoàn có bất hoà, thái độ ta phải thế nào?
1. Ðừng vội kết án phía nào, Kinh thánh nói: “Luật không cho phép ta kết án người nào trước khi nghe người ấy, và biết người ấy làm gì” (Ga 7,51)
2. Ðừng nói: Tôi chẳng thuộc phe nào! Mà phải tìm hiểu nguyên nhân nào đưa tới sự bất hoà. Khi biết ai đấu tranh vì chân lý, ta phải đứng về phía họ để bênh vực, đừng sợ mang tiếng chống đối. Bởi vì Chúa Giê-su đã xác quyết : “Sự thật sẽ giải phóng các ngươi” (Ga 8,32). Kìa sứ  mệnh “Đức Giêsu làm cho nhiều người chỗi dậy, nhiều kẻ bổ nhào” (Lc 2, 34). Chỉ vì Ngài đấu tranh cho sự thật lên ngôi.
3. Bởi đó, ai theo Chúa Giêsu phải biết gây chia rẽ vì bảo vệ chân lý. Thánh Tông đồ dạy: “Nếu tôi luôn làm hài lòng người đời, tôi không còn là nô lệ của Đức Kitô” (Gl 1,10) vì sự khôn khéo của đời là điều điên dại đối với Chúa (1Cr 3,18-20)
50/17: Đừng có nhờn mặt. Khi người dưới thấy người trên dễ dãi, bình dân, có lối sống thân tình với mọi người kể cả người dưới, thì người dưới đừng vì thế mà nhờn mặt, đến nỗi không coi trọng lời dạy bảo của người trên!
Thánh Phê-rô dạy: “Những kẻ hậu sinh (người dưới), hãy biết suy phục hàng niên trưởng (người lãnh đạo). Còn đối xử với nhau hết thảy (người trên cũng như kẻ dưới) hãy mặc lấy đức khiêm nhường”  (1Pr 5, 5).
 “Ðừng gần chùa gọi bụt bằng anh!”(Tục ngữ)