Lời Chúa cntn 7b _ hãy đứng dậy, vác chõng mà đi

HÃY ĐỨNG DẬY, VÁC CHÕNG MÀ ĐI
Biển Thước, một thầy thuốc có tiếng đời Xuân Thu, đến yết kiến Hoàn Hầu nước Tề. Ngắm nhìn nhà vua một lát, Biển Thước tâu rằng: “Vua có bệnh trong bì phu, không chữa sợ đau nặng”.
“Ta vô bệnh”, Hoàn Hầu trả lời. Biển Thước đi ra, Hoàn Hầu nói: “Thầy này lý tài lắm, muốn chữa người khoẻ để lấy công”.
Mười hôm sau Biển Thước vào yết kiến Hoàn Hầu và nói: “Vua có bệnh ở gan ruột, không chữa ngay thì sau khó lòng mà chữa”. Hoàn Hầu không trả lời, còn lấy làm không bằng lòng.
Cách mười hôm sau, Biển Thước lại vào yết kiến, vừa trông thấy Hoàn Hầu ông đã lùi chạy ra ngay. Hoàn Hầu cho người gọi lại hỏi vì cớ gì mà ông chạy ngay như vậy. Biển Thước tâu: “Bệnh ở bì phu còn châm trích được, bệnh ở gan ruột còn thuốc thang được, bệnh đã vào xương tủy thì không tài nào chữa khỏi được nữa. Bây giờ bệnh của vua đã vào tận xương tủy nên tôi không dám nói mà phải ra ngay”.
Năm ngày sau, khi phát bệnh, Hoàn Hầu cho tìm Biển Thước thì ông đã sang nước Tần rồi. Bệnh của Hoàn Hầu rồi không ai chữa được, Hoàn Hầu phải ra đi trong hối tiếc.
Thấy người bại liệt, Đức Kitô không chữa ngay bệnh tật thể xác của anh, mà lại tha tội, cứu chữa căn bệnh của tâm hồn trước.
Vâng, tội lỗi mới là căn nguyên của bao đau khổ, bệnh nạn, và sau hết là của cái chết vô phương cứu chữa nơi nhân loại. Nếu một người bại liệt không thể tự mình đi tìm thầy thuốc, thì nhân loại tội lỗi làm sao tìm được hạnh phúc nếu Đấng “nắm trong tay hồn của mọi sinh vật cũng như hơi thở của tất cả người phàm” (G 12,10) không đến với họ?
Chúa không mệt mỏi nói với con người về hạnh phúc của họ. Thế nhưng việc loan báo Tin Mừng cứu độ lại trở nên khó khăn chẳng khác gì khơi dòng nước giữa sa mạc vì sự ơ hờ, lạnh nhạt của con người: “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn” (Is 43,19).
Đúng thế, mặc cho bao lời Chúa nói và bao việc Chúa làm, người ta vẫn cố chấp trong tội lỗi: “Ngươi lại còn làm cho Ta cực khổ vì lầm lỗi của ngươi, làm cho Ta chán chường vì tội ác ngươi phạm”.
Con người cố chấp, nhưng Chúa không thất vọng. Dù họ có phản bội đến đâu, Chúa vẫn trung thành với danh hiệu tình yêu của Chúa: “chính Ta đây, vì danh dự của Ta, Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa” (Is 43,24b-25).
Thế nên điều đáng lo ngại nhất không ở sự bất xứng vì tội lỗi đầy tràn, mà ở sự cố chấp ở lì trong tội lỗi, không nhìn ra cái chết tiềm ẩn trong một đời sống không phản ảnh niềm tin vào Thiên Chúa.
Đó là sự tê liệt của tâm hồn, một thứ tê liệt làm mất đi khả năng lãnh nhận ơn cứu độ; triệu chứng của sự tê liệt đó là không thấy nhu cầu phải tin vào Đức Kitô, nhất là chẳng thấy mình có tội gì, như thánh Gioan đã cảnh báo: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8).
 Phận người khó tránh được tội, nhưng không thấy mình có tội mới thật đáng sợ. Đó chính là triệu chứng của sự tê liệt trong tâm hồn. Bệnh đó ngăn cản người ta đến với tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Kitô, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,21).
Anh bại liệt cần được khiêng; đó cũng là nhu cầu của nhân loại hôm nay đang tê bại bởi thiếu vắng niềm tin. Đức tin cộng đoàn sẽ là cái chõng đưa mỗi người đến với Đức Kitô. Khi cứu chữa người bại liệt hôm xưa, Đức Kitô nhìn đến đức tin của người bại liệt và cả bốn người khiêng chõng: “Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, tội con được tha rồi”. (Mc 2,5).
Thánh Augustinô là một trong những giám mục rất thánh thiện của Giáo hội thuở sơ khai. Nhưng khi giờ chết đến gần, ngài không muốn một ai lạ mặt nào vào phòng để ngài dễ dàng thống hối. 
Ngài cho gắn vào tường bảy thánh vịnh sám hối để có thể liên lỉ đọc đi đọc lại cách dễ dàng, nhất là thánh vịnh ‘Miserere’, thánh vịnh 51. Ngài dùng các thánh vịnh đó để khóc than những tội lỗi thời niên thiếu, và đã ra đi trong an bình.
Phận người yếu đuối với nhiều tội lỗi đến đâu cũng không đáng sợ bằng sự tê liệt trong tâm hồn, một thứ vô thần thực dụng làm cho tôi không thấy được nhu cầu chạy đến với Chúa để được cứu chữa.

Khốn khổ vì bao nhiêu tội lỗi đã trót phạm, nhưng mỗi khi đến với bí tích giao hoà, tôi lại nghe lời Chúa bảo tôi hãy đứng dậy, vác chõng mà đi!
Dù tội lỗi tôi có lớn đến đâu, vẫn còn đó một niềm hy vọng lớn lao mà Trái Tim Vô Cùng Lân Tuất của Chúa lúc nào cũng sẵn lòng trao tặng cho tôi:
"Chẳng ai trông cậy Chúa mà lại phải nhục nhằn tủi hổ, chỉ người nào tự dưng phản phúc, mới nhục nhằn tủi hổ mà thôi." (Tv 25,3).
Lm. HK