Lời Chúa cntn 6b _ ước muốn

ƯỚC MUỐN
Người Pháp có câu: “Vouloir, c’est pouvoir” (muốn là có thể được). Còn với Thiên Chúa, tất cả đều nhờ đức tin (x. Mt 9:22; Mc 5:34; Lc 8:48; Lc 17:18; Lc 18:42).
Trong ca khúc “Tôi Muốn”, cố NS Lê Hựu Hà có những ước muốn rất “khác người”, nhưng lại rất gần với Công giáo: “Tôi muốn mình tìm đến thiên nhiên, tôi muốn sống như loài hoa hiền. Tôi muốn làm một thứ cỏ cây, vui trong gió và không ưu phiền. Tôi muốn mọi người biết thương nhau, không oán ghét không gây hận sầu. Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau, tôi muốn thấy tình yêu ban đầu. Em có thấy hoa kia mới nở, trong giây phút nhưng đẹp tuyệt vời, như hạnh phúc thoáng qua mất rồi, giờ đâu còn tìm được nét vui…”. Ước muốn luôn quan trọng. Có ước muốn thì mới có thể quyết định hành động.
NẾU MUỐN SẠCH…
Vì không có, vì thiếu cái gì đó nên người ta mới ước muốn. Ai cũng có ước muốn, dù ước muốn đó nhỏ hay lớn. Rõ ràng nhất là những bệnh nhân, họ chỉ muốn được khỏi bệnh. Ngày nay người ta sợ chứng ung thư, ngày xưa người ta “ngán” phong (cùi). Đức Chúa nói với ông Môsê và ông Aharon: “Khi trên da thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, và cái đó trở thành vết thương phong hủi, thì người ta sẽ đưa người ấy đến với tư tế Aharon hoặc với một trong các tư tế, con của Aharon” (Lv 13:1-2). Theo sách Lêvi, người hói đầu hoặc sói trán là người thanh sạch (Lv 13:40-41). Nhưng nếu chỗ hói đầu hoặc sói trán có vết thương trắng đỏ nhạt, thì đó là phong hủi loang ra ở chỗ sói đầu hoặc sói trán (Lv 13:42).
Các bệnh nhân phong bị người ta xa lánh, khi tư tế khám, nếu nhọt ở vết thương có màu trắng đỏ nhạt ở chỗ sói đầu hoặc sói trán, trông giống như phong hủi da thịt, thì người ấy bị phong hủi và bị coi là ô uế. Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế! Ô uế!” (Lv 13:45). Theo luật xưa, “bao lâu còn mắc bệnh thì còn ô uế, người đó phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13:46).
Khắt khe và bất nhân quá! Ngày xưa đã đành vậy, vì là thời Cựu ước; ngày nay cũng chẳng hơn gì, dù là thời Tân ước, dù chúng ta mệnh danh là những người theo Đạo Yêu Thương. Thánh Gioan Vianney nói: “Lý do chúng ta không có cách giải quyết tốt là vì chúng ta coi trọng mình quá nhiều”.
Bệnh phong là bệnh ghê gớm, ngày xưa là nan y. Ngày nay nan y là ung thư hoặc HIV/AIDS. Nhưng đó là bệnh thể lý. Loại phong cùi, ung thư hoặc HIV ghê gớm hơn chính là tội lỗi, thế nhưng người ta lại… không sợ!
Các tù nhân, ngày được phóng thích đối với họ như thoát khỏi địa ngục. Các bệnh nhân được khỏi bệnh như được tái sinh. Các tội nhân được tha thứ như được vào thiên đàng. Niềm hạnh phúc khác nhau nhưng có thể nói là họ có chung “đỉnh điểm” của niềm hạnh phúc, khó có thể diễn tả bằng ngôn ngữ loài người. Thật vậy, “hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung, người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà” (Tv 32:1-2). Muốn chứng tỏ mình hết phong cùi thì phải trình diện tư tế. Muốn chứng tỏ mình sạch tội thì phải xưng thú tội lỗi. Tuy nhiên, khi “xưng tội ra với Chúa thì không được giấu giếm lầm lỗi của mình” (x. Tv 32:5). Chúa không hề chấp tội chúng ta (2 Cr 5:19). Chắc chắn vậy, vì chính Ngài đã hứa: “Tội các người dù có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1:18). Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được!
Thánh Augustinô phân tích: “Chúa dựng nên con thì Chúa không cần con, nhưng Chúa cứu độ con thì Chúa cần con”. Tại sao? Bạn sa xuống hố mà chỉ kêu cứu, cứ thụ động mà không chịu hợp tác thì ai có thể cứu? Ít ra bạn cũng phải đưa tay ra cho người ta kéo lên chứ! Chúa muốn mà chúng ta không muốn thì Chúa cũng “bó tay”. “Bó tay” ở đây không có nghĩa là Chúa “bất lực”, không làm gì được, nhưng Chúa không ép ai, Ngài hoàn toàn để chúng ta tự do chọn lựa và quyết định số phận đời mình. Đó mới là điều chúng ta đáng quan ngại!
Ai cũng có tội: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51:7). Vì thế, không ai hơn ai trước mặt Thiên Chúa, chỉ hơn nhau ở chỗ “biết sám hối hay không”. Ngài luôn chờ chúng ta ăn năn sám hối. Hãy tự nhủ: “Nào ta đi thú tội với Chúa” (Tv 32:5), và chính Ngài sẽ tha thứ tội vạ cho chúng ta, chứ không ai có quyền tha tội. Được tha tội và tin mình sạch tội sẽ trở nên công chính, vì chỉ “nhờ đức tin mà người ta nên công chính” (Rm 3:21; Rm 5:1; Rm 9:30; Rm 9:32; Rm 10:6; Gl 3:24; Dt 11:7). Và vì thế: “Hỡi những người công chính, hãy vui lên trong Chúa, hãy nhảy mừng. Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo” (Tv 32:11). Các vị thánh lớn đều là những “tội nhân thánh thiện”: Thánh vương Đavít, thánh GH tiên khởi Phêrô, thánh Mađalêna, thánh Phaolô,… và “độc đáo” nhất là “thánh trộm cướp khét tiếng” cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu trên đồi Canvê. Điều đó cho thấy rằng nếu muốn thì chúng ta sẽ được sạch, nếu xin lỗi Chúa thì Ngài sẽ tha ngay!
Thiết tưởng, chúng ta cũng nên lưu ý 2 trạng thái “liên lụy tội lỗi”:
1. Đừng gây nguy hiểm cho linh hồn mình bằng cách can dự vào tội lỗi của người khác.
2. Đừng gây nguy hiểm cho linh hồn người khác bằng cách lôi kéo họ vào tội lỗi của mình.
…SẼ ĐƯỢC SẠCH
Khi ước muốn, người ta sẽ chú tâm hành động, như thánh Phaolô dạy: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10:31). Vâng, làm để tôn vinh Thiên Chúa chứ không vì lý do gì khác, và “đừng làm gương xấu cho bất cứ ai” (1 Cr 10:32), dù người đó cùng đạo hay khác đạo với mình, thậm chí có vẻ không liên quan tới mình. Ai cũng phải “cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ” (1 Cr 10:33). Thật khó, không hề đơn giản, nhưng ai cũng phải làm. Nếu thấy khó thì hãy theo lời nhắn nhủ của thánh Phaolô: “Anh chị em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô” (1 Cr 11:1).
Paul Claudel (*) có cách nhận định thật tuyệt vời: “Chúa xuống thế không để diệt trừ khổ đau, cũng không giải nghĩa khổ đau, mà để chia sớt khổ đau”. Đó là một triết lý mang tính giáo lý cao cấp.
Bệnh là khổ – dù bệnh thể lý hay “bệnh” tinh thần. Bệnh nhân phong rất khổ sở, không chỉ khổ vì đau đớn thể lý mà còn đau khổ vì tinh thần vì bị người ta xa lánh. Bệnh nhân phong rất đau đớn vào những mùa trăng, thế nên Hàn Mặc Tử đã “rao bán” trăng: “Ai mua trăng, tôi bán trăng cho”. Thấy Chúa Giêsu là một “dị nhân”, chắc chắn với lòng tin mạnh mẽ nên bệnh nhân phong đã đến gặp Người và quỳ xuống van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1:40). Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mc 1:41). Và phép lạ đã xảy ra: Chứng phong hủi biến khỏi anh ngay lập tức. Nhưng Ngài nghiêm giọng: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết” (Mc 1:44).
Chúa Giêsu không hề làm ảo thuật mà làm phép lạ thật, Ngài cũng không muốn chứng tỏ “đẳng cấp” mà vì yêu thương, Ngài luôn tôn trọng luật pháp xã hội thời đó, Ngài muốn làm gương cho người khác về đức vâng lời. Vả lại, Ngài biết những người “tai to mặt lớn” sẽ tìm cách hại Ngài vì lòng ghen ghét. Gà tức nhau tiếng gáy, thấy người khác hơn mình thì mình “không ưa”, đó là tình trạng tệ hại của con người. Đúng như một danh nhân nhận xét: “Chỉ có người giỏi mới chân nhận tài năng của người khác”.
Hương thơm lan tỏa. Tiếng lành đồn xa. Thế nên, vừa ra khỏi đó, bệnh nhân phong được chữa lành kia “bắt đầu rao truyền và tung tin khắp nơi, đến nỗi Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành, và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Ngài” (Mc 1:45). Chúa Giêsu đúng là một “siêu sao” kỳ diệu!
Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con, xin thanh tẩy và thánh hóa chúng con vì chúng con thật lòng ước muốn được sạch. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
 (*) Paul Louis Charles Marie Claudel (người Pháp, 6/8/1868 – 23/2/1955). Ông là nhà ngoại giao, nhà văn, nhà thơ, và từng được đăng hình trên bìa báo Time. Ông sinh ở Villeneuve-sur-Fère, trong gia đình một công chức tỉnh lẻ. Chị của ông là nhà điêu khắc Camille Claudel. Năm 1893, ông làm ở Bộ Ngoại giao Pháp, từng làm lãnh sự và đại sứ ở nhiều nước Âu châu, Á châu, Mỹ châu. Ông được tặng thưởng huân chương Đại thập tự, và năm 1946 được bầu làm viện sĩ Viện hàn lâm Pháp. Ông được coi là nhà thơ cuối cùng của phái ấn tượng, có khuynh hướng hoài cổ và tôn giáo. Chính ông cho biết rằng cuốn sách gối giường của ông là Kinh Thánh, và tất cả sáng tác của ông làm thành một cuốn Kinh Thánh mới. Ông không quan tâm “người nào là ai” mà “người đó là người nào”. Ông thể hiện nhịp điệu tự nhiên của trái tim và hơi thở con người. Nhiều vở kịch của ông được dựng thành phim cũng nổi tiếng.