Suy niệm lễ kính tông tòa thánh Phêrô _ 22/2


TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Hôm nay chúng ta tưởng nhớ việc Đức Kitô chọn Phêrô là người thay thế Ngài trong việc cai quản Giáo Hội.
Sau một "cuối tuần mất mát" đầy đau khổ, hồ nghi và dằn vặt sau khi Đức Kitô bị đóng đinh và đem đi chôn, Phêrô đã được nghe Tin Mừng. Thiên thần ở ngôi mộ nói với bà Maria Mađalêna, "Chúa đã sống lại! Hãy đi nói với các môn đệ và Phêrô." Gioan kể lại khi ngài và Phêrô chạy đến mộ, vị tông đồ trẻ đi nhanh hơn tông đồ lớn tuổi kia, nhưng ngài đứng đợi ở ngoài. Khi Phêrô bước vào, thấy các khăn liệm ở dưới đất, khăn che mặt được gói lại để ở đúng vị trí của nó. Gioan trông thấy và tin. Nhưng ngài viết thêm: "... Họ không hiểu rằng theo kinh thánh, Ngài phải sống lại từ cõi chết" (Ga 20,9). Họ về nhà. Đầu óc họ như nổ tung với một khám phá mới, điều bất khả đã trở thành hiện thực. Chúa Giêsu đã hiện ra với họ trong căn nhà khóa kín. Ngài nói, "Bình an cho anh em," và họ quá đỗi vui mừng (Ga 20,21b).
Và biến cố trong ngày Ngũ Tuần đã giúp Phêrô cảm nhận được Đức Kitô phục sinh một cách trọn vẹn. "... Tất cả đều tràn đầy Thánh Thần" (Cv 2,4a) và họ bắt đầu rao giảng bằng các thứ tiếng khác nhau tùy theo Thánh Thần ban cho.
Chỉ khi ấy Phêrô mới chu toàn nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho ngài: "... Một khi anh trở lại, hãy củng cố các anh em" (Lc 22,32) Từ lúc đó, ngài trở nên phát ngôn viên cho nhóm Mười Hai về những gì họ được cảm nghiệm qua Thánh Thần -- trước nhà cầm quyền muốn chặn đứng sự rao giảng, trước thượng hội đồng Giêrusalem, trước cộng đoàn về vấn đề của Ananias và Sapphira. Ngài là người đầu tiên rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Sức mạnh chữa lành của Đức Kitô ở trong Phêrô được chứng tỏ: cho kẻ chết sống lại, chữa người ăn xin tàn tậThánh Dân chúng khiêng bệnh nhân ra đường phố để khi Phêrô đi ngang qua, bóng của ngài có thể chữa họ lành.
Ngay cả một vị thánh cũng gặp khó khăn của cuộc đời Kitô Hữu. Khi Phêrô không còn ăn uống với Dân Ngoại tòng giáo vì ngài tế nhị không muốn tổn thương đến người Kitô gốc Do Thái, Phaolô viết, "... Tôi chống đối ông ấy ra mặt vì rõ ràng là ông ấy sai... Các ông ấy không đi đúng với chân lý của phúc âm..." (Gl 2,11b.14a).
Trong đoạn cuối Phúc Âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với Phêrô, "Thật, Thầy bảo thật cho anh biết, khi anh còn trẻ, anh muốn mặc quần áo nào và muốn đi đâu tùy ý; nhưng khi anh lớn tuổi, anh sẽ phải giang tay ra, và người khác sẽ mặc áo cho anh và dẫn anh đến nơi anh không muốn" (Ga 21,18). Chúa Giêsu tiên đoán về cái chết mà Phêrô phải chịu để vinh danh Thiên Chúa. Trong thời gian cai trị của Nero, trên Đồi Vatican ở Rôma, Phêrô đã vinh danh Chúa Giêsu với sự tử đạo, có lẽ cùng với nhiều Kitô Hữu khác.
Suy niệm 1: Tưởng nhớ
Hôm nay chúng ta tưởng nhớ việc Đức Kitô chọn Phêrô là người thay thế Ngài trong việc cai quản Giáo Hội.
Việc tưởng nhớ chỉ hữu ích và có giá trị, khi không dừng lại ở tâm trí, mà còn thể hiện trong cuộc sống, bằng việc vâng phục quyền bính của thánh nhân cùng các đấng kế vị ngài.
Đó cũng là tinh thần mà Đức Giêsu mời gọi về việc bẻ bánh: Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22,19). Tưởng nhớ tức là làm, đó là điều Thánh Phaolô khẳng định là đã lãnh nhận từ nơi Chúa (1Cr 11,23-25).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sốt sắng và chuyên cần thực hành việc bẻ bánh để tưởng nhớ Chúa.
Suy niệm 2: Thực hành
Sau một "cuối tuần mất mát" đầy đau khổ, hồ nghi và dằn vặt sau khi Đức Kitô bị đóng đinh và đem đi chôn, Phêrô đã được nghe Tin Mừng.
Thật ra Phêrô đã được nghe Tin Mừng kể từ lúc rời bỏ thuyền chài để đi theo Chúa. Nhưng bấy lâu ngài chỉ nghe bằng tai chứ chưa bằng tay. Chỉ sau ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô mới thật sự nghe đúng nghĩa, nghĩa là chu toàn nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho ngài.
Như thế nghe bằng tai chưa đủ mà quan trọng là phải thực hành. Đức Giêsu đã đánh giá việc này bằng hình ảnh người khôn xây nhà trên nền đá vững chắc (Mt 7,14). Ngược lại nghe mà không thực hành thì chẳng có giá trị gì (Gc 1,23-24).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nghe Lời Chúa và đem ra thực hành để được thuộc về gia đình của Chúa (Lc 8,21). 
Suy niệm 3: Tôn trọng
Khi Gioan và Phêrô chạy đến mộ, vị tông đồ trẻ đi nhanh hơn tông đồ lớn tuổi kia, nhưng ngài đứng đợi ở ngoài.
Kính lão đắc thọ. Tôn chỉ này không chỉ dừng lại như một lời khuyên để kéo dài tuổi thọ, mà còn được phổ biến như một phép lịch sự trong xã hội văn minh loài người.
Và lối xử thế này cũng không chỉ nhằm vào đối tượng người trẻ đối với người lão mà còn dành cho cả người nhỏ đối với người lớn. Vì thế dầu chạy nhanh hơn và đến trước Phêrô, Gioan vẫn đứng đợi ở ngoài và nhường cho Phêrô vào trước.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp cho chúng con biết rằng tôn trọng người tức là tôn trọng mình vì sẽ được người tôn trọng.
Suy niệm 4: Tin
Khi Phêrô bước vào, thấy các khăn liệm ở dưới đất, khăn che mặt được gói lại để ở đúng vị trí của nó. Gioan trông thấy và tin.
Đức tin là một hồng ân Chúa ban. Và dĩ nhiên hồng ân thường được ân ban cho người yêu mến. Gioan được Chúa yêu mến (Ga 13,23) và Gioan cũng đáp tình Chúa trọn vẹn qua việc hiện diện dưới chân thập giá (Ga 19,26). 
Chính động lực tình yêu này đã giúp Gioan vừa trông thấy thì tin ngay. Nói thế không có nghĩa là Phêrô không yêu mến Chúa và không được Chúa yêu mến, mà chỉ là tình yêu nơi Gioan mãnh liệt và nhiều hơn Phêrô mà thôi, nên Gioan tin trước Phêrô.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đào sâu tình mến Chúa để niềm tin vào Chúa luôn được gia tăng.
Suy niệm 5: Khó khăn
Ngay cả một vị thánh cũng gặp khó khăn của cuộc đời Kitô Hữu.
Một khó khăn mà Phêrô gặp phải, đó là bị một đồng môn chống đối ra mặt, khi Phêrô không cùng ăn uống với Dân Ngoại tòng giáo vì ngài tế nhị không muốn tổn thương đến người Kitô gốc Do Thái (Gl 2,11b.14a).
Đến lượt Phaolô cũng gặp khó khăn, khi ngài đến Giêrusalem và muốn nhập đoàn với các tông đồ, nhưng bị họ nghi kỵ, để rồi phải nhờ vào sự bảo lãnh của Banaba mới được (Cv 9,26-27).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm đương đầu với mọi khó khăn, miễn là sống xứng danh một người kitô hữu. 
Suy niệm 6: Chết
Chúa Giêsu tiên đoán về cái chết mà Phêrô phải chịu để vinh danh Thiên Chúa.
Con người vốn được sinh ra ở đời trong thời gian là để chết, vì thế nên chọn lấy cách chết nào để được sống đời dời. Đó là tâm huyết và hướng sống suốt đời của mỗi người.
Phêrô chọn từ bỏ thuyền chài để đi theo Chúa, nhưng rồi trong cuộc khổ nạn của Chúa, Phêrô lại chối Chúa. Sau lần vấp ngã này, Phêrô lại chỗi dậy, bù đắp và chấp nhận cái chết bị treo trên thập giá để làm vinh danh Thiên Chúa. Như thế nhờ cái chết vinh mà Phêrô đạt được sự sống vĩnh cửu.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết rằng ai cũng phải chết, nhưng phải chết thế nào để được sống đời đời.