Xuân Nhâm Thìn _ thánh hóa công ăn việc làm

Thánh hóa công ăn việc làm
Lm. Pet. Trần Thanh Sơn 
Trong những ngày đầu xuân, chúng ta vẫn thường chúc nhau: “Năm mới làm ăn thịnh vượng, phát đạt. Con cháu siêng năng, ngoan ngoãn...”. Điều đó cho thấy người Việt Nam chúng ta rất coi trọng lao động trong kho tàng ca dao tục ngữ không thiếu những câu đề cao giá trị của lao động, chẳng hạn như “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”. Đồng cảm với dân tộc, Giáo Hội Việt Nam đã dành riêng ngày Mồng Ba Tết để xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm, giúp cho người Kitô hữu hiểu rõ giá trị của lao động: lao động trí óc cũng như lao động chân tay.
Đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng vì qua đó, Giáo Hội cho chúng ta thấy được giá trị siêu nhiên của lao động. Mọi lao công của chúng ta cho dù có thu được kết quả vật chất hay không, cũng đều có một giá trị vĩnh cửu trước mặt Thiên Chúa.
Đồng thời, nhân dịp đầu năm này, Giáo Hội còn muốn nhắc nhở con cái mình: Lao động không còn là một hình phạt khổ ải, nhưng là một vinh dự vì nhờ lao động, con người được cộng tác với Thiên Chúa, Đấng vẫn luôn luôn làm việc trong công trình sáng tạo của mình.
1. Thiên Chúa luôn làm việc:
Thật vậy, ngay từ đầu, Kinh Thánh đã cho thấy Thiên Chúa luôn làm việc. Ngài đã hành động để tạo dựng nên vũ trụ, muôn loài, muôn vật và cả con người, như lời kể của sách Khởi nguyên chúng ta vừa nghe: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bùn đất nhào nặn thành con người...Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất đai mọc lên mọi thứ cây trồng đẹp mắt, ăn ngon miệng”. Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người để con người được thông phần vào sự sống của Ngài.
Hơn nữa, Thiên Chúa không chỉ làm việc trong công trình sáng tạo vào buổi khai thiên lập địa, Ngài vẫn còn tiếp tục quan phòng, gìn giữ những gì Ngài đã sáng tạo. Sau này khi chiêm ngắm vẻ đẹp của muôn vật và đời sống của chúng, tác giả Thánh vịnh cũng đã nhận ra bàn tay của Chúa vẫn tiếp tục tác động trong vũ trụ, nên đã thốt lên: “Chúa muôn trùng cao cả! Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng”. Và ngay cả khi vạn vật đã yên giấc trong giấc ngủ đêm, bàn tay của Thiên Chúa vẫn tiếp tục gìn giữ chúng như lời tác giả Thánh vịnh: “Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối, chốn rừng sâu, muông thú tung hoành. Tiếng sư tử gầm lên vang dội, chúng săn mồi, gào xin Chúa cho ăn”.
Không chỉ làm việc một lần khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm việc để gìn giữ và giúp cho vũ trụ này đi tới chỗ hoàn hảo. Tác giả Thánh vịnh đã xác tín điều đó khi thốt lên: “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất”.
Noi gương Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng đã nhiệt thành với đời sống tông đồ để đem lại ơn cứu độ cho chúng ta như lời Ngài tuyên bố với người Do Thái: “Cha Tôi vẫn làm việc, thì Tôi cũng phải làm việc” ( Ga 5, 17 ). Đức Giêsu đã dành hết thời giờ để lo cho dân chúng đến nỗi không có giờ mà ăn uống nữa, vì thế đã có lần bà con của Ngài đã muốn ra đi để bắt Ngài về vì cho rằng Ngài đã mất trí (x. Mc 3, 20-21). Đặc biệt 30 năm ẩn dật tại làng quê nhỏ bé Nazareth, là thời gian Đức Giêsu sinh sống và làm việc như một con người bình thường. Nhờ đó, Ngài đã làm cho các lao công của chúng ta có một giá trị vĩnh cửu.
2. Ý nghĩa của lao động theo tinh thần Kitô giáo:
Trở lại trình thuật sáng tạo trong sách Khởi nguyên, tác giả còn kể tiếp: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để con người canh tác và coi sóc đất đai” (St 2, 15). Khi đặt con người vào vườn Êđen, Thiên Chúa muốn con người thay mặt Chúa mà quản lý cả vũ trụ này và làm cho nó ngày càng phát triển. Điều này đã được chính Đức Giêsu xác nhận lại một lần nữa trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe: “Nước Trời giống như chuyện một người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ”. Nghĩa là, Thiên Chúa đã tin tưởng yêu thương giao cả vũ trụ này cho con người chúng ta quản lý. Mà nếu là quản lý, mỗi người chúng ta có bổn phận phải làm việc để sinh lời những gì mà Thiên Chúa đã giao cho mình, vì việc tính sổ của ông chủ là chắc chắn: “Sau một thời gian lâu dài, ông chủ của các đầy tớ ấy đến và thanh toán sổ sách với họ”. Thánh Phaolô đã ý thức điều này nên đã cố gắng làm việc trong suốt đời sống tông đồ của mình, Ngài nói với các tín hữu Êphêsô: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp”.
Vì thế, Đức Giêsu cũng đã công khai kết án những kẻ lười biếng không chịu làm việc, Ngài nói với người lãnh một nén mà đem chôn giấu không sinh lời: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác!..Đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi cho chủ ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu hồi của thuộc về tôi cũng như với số lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy lại nén bạc khỏi tay no”. Và cha ông chúng ta cũng có đồng một tư tưởng khi khuyên con cháu: “Khó nghèo cấy mướn gặt thuê. Lấy công đổi của chớ hề luỵ ai”. Như vậy, lao động không những giúp chúng ta có của nuôi thân, mà còn giúp làm tăng giá trị nhân phẩm của từng người chúng ta. Nhờ lao động chúng ta phát triển tình yêu thương, tinh thần tương thân, tương ái, tính kỷ luật và nhanh nhẹn, như lời một danh nhân đã nói: “Lao động làm ta khuây khoả được nỗi buồn, tiết kiệm được thời gian, chữa khỏi được bệnh lười biếng” (G. Bossuet).
Cuối cùng, nhờ lao động, chúng ta có cơ hội và phương tiện để thực thi đức bác ái với anh chị em mình như lời thánh Phaolô: “Bằng mọi cách, tôi đã tỏ cho anh em thấy rằng: phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế”.
Như vậy, lao động dù tay chân hay trí óc đều có một ý nghĩa sâu xa. Nhờ lao động, chúng ta được cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới này. Vì thế, chúng ta không được phép nghĩ rằng mình làm việc lao động thuần túy để kiếm ăn hay vì kế sinh nhai. Chính vì thế, các bậc làm cha mẹ cần tạo điều kiện và tập để con cái chúng ta biết siêng năng lao động, và quý chuộng những thành quả của lao động ngay từ tấm bé bằng cách góp phần vào những công việc trong gia đình.
Giờ đây, trong tâm tình của những ngày đầu năm, hiệp với hiến lễ của Đức Giêsu trên thập giá, chúng ta cùng nhau dâng lên Thiên Chúa tất cả những lao công trong năm mới này như lời nguyện Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa khi sửa soạn lễ vật:
 “Lạy Chúa là chúa tể càn khôn, Chúc tụng Chúa, vì Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và lao công của con người. Xin dâng lên Chúa để bánh này trở nên bánh trường sinh nuôi dưỡng chúng con.
Lạy Chúa là chúa tể càn khôn, chúc tụng Chúa vì Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu này là sản phẩm của cây nho và lao công của con người. Xin dâng lên Chúa để rượu này trở nên của uống thiêng liêng cho chúng con”.
Nhờ đó, cho dù kết quả như thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng tin chắc rằng, những lao công của chúng ta luôn có một giá trị vĩnh cửu, có sức đem lại sự sống muôn đời cho chúng ta sau này. Amen.
Lm. Pet. Trần Thanh Sơn