Đôi tay của Chúa
Vào cuối thế chiến thứ hai, để thu phục thiện cảm và sự tin tưởng của người dân trong làng vừa mới được giải phóng khỏi tay quân đội Đức quốc xã, toán lính thuộc lực lượng đồng minh cố gắng lượm lại từng mảnh vỡ của bức tượng Chúa Giêsu đã được dựng lên ở quảng trường trước ngôi nhà thờ nhỏ, trung tâm sinh hoạt của làng quê miền cực nam nước Italia.
Sau nhiều ngày cố gắng, toán lính đã gắn lại được gần như toàn bức tượng của Chúa. Nhưng chỉ có đôi tay bức tượng là không thể nào hàn gắn lại được, vì các mảnh vỡ quá vụn nát. Sau nhiều giờ bàn luận và gần như sắp quyết định bỏ dở công việc, thì một người trong toán lính có sáng kiến tìm lấy hai khúc gỗ gắn vào nơi hai cánh tay bị bể nát của bức tượng, rồi viết vào đó một hàng chữ bất hủ, không những đánh động được tâm hồn của những người dân trong làng, mà còn thu hút nhiều khách du lịch đến vùng này để đọc tận mắt hàng chữ đầy ý nghĩa. Anh chị em có đoán được hàng chữ này không? Đó là: “Chính bạn là đôi tay của Chúa”.
Thiên Chúa cần con người. Chúa Giêsu cần chúng ta như đôi tay nối dài của Ngài. Chúa Giêsu muốn dùng chúng ta như đôi tay để tiếp tục sứ mạng của Ngài. Trước khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng ở vùng Galilê, chắc Ngài đã nghĩ đến việc chiêu mộ các môn đệ để tiếp tay với Ngài. Làm sao để mọi người biết rằng đã đến thời viên mãn, Nước Thiên Chúa đã gần kề? Làm sao để mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng? Chúa Giêsu biết rõ giới hạn của mình. Ngài cần những người cộng tác để làm tròn sứ mạng Chúa Con trao. Ngài cần đến từng người chúng ta, một viên gạch nhỏ nhưng cần thiết cho cả tòa nhà. Chẳng có ai là thừa, chẳng có ai là vô dụng.
“Anh em hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy”, đó là mệnh lệnh của Chúa Phục Sinh. Ngài vẫn cần đến chúng ta ngày nào thế giới này còn một người chưa thành môn đệ của Ngài. Chính vì thế, Chúa Giêsu hôm nay vẫn ngỏ lời với từng người chúng ta. Ngài muốn tôi trở thành sự hiện diện của Ngài cho anh em tôi ở đây, hôm nay.
Ngày xưa, lúc đang đi dọc theo bờ biển hồ Galilê, Chúa Giêsu đã thấy bóng dáng các anh đánh cá quen thuộc. Họ có đôi lần tiếp xúc với Ngài và chắc có lần đã được nghe Ngài giảng và chứng kiến các phép lạ Ngài làm, kể từ sau lần được Gioan Tẩy Giả giới thiệu. Chúa Giêsu thấy họ đang làm việc hoặc quăng chài dưới biển để đánh cá hoặc đang ngồi trong thuyền với cha để vá lưới. Chúa Giêsu chắc đã đứng lâu nhìn những cảnh tượng đầy tình người này với cặp mắt yêu thương. Đẹp biết bao hình ảnh con người làm chung với nhau một việc. Họ có tinh thần tập thể và sau này họ sẽ còn làm việc chung với nhau trên chiếc thuyền lớn là Giáo Hội.
Chúa Giêsu đã thấy Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu hôm nay cũng thấy chúng ta. Trước khi kêu gọi chúng ta, Ngài đã ngắm nhìn chúng ta rất lâu. Hạnh phúc cho người nào được thấy Thiên Chúa, nhưng cũng phải nói thêm, hạnh phúc cho người nào được Thiên Chúa thấy, được lọt vào ánh mắt của Ngài. Chúa Giêsu hôm nay đang thấy chúng ta. Chúng ta thế nào, Ngài thấy chúng ta thế ấy. Cái nhìn của Ngài không làm chúng ta bị tê liệt, vì Ngài chấp nhận trọn vẹn con người chúng ta, cả cái yếu đuối và tội lỗi của chúng ta nữa. Chúng ta không cần phải son phấn, phải ăn mặc đúng một thời trang để gợi sự chú ý của Ngài. Chính cái thô thiển mộc mạc của ta đã thu hút Ngài.
Chúa Giêsu hôm nay bắt gặp chúng ta lúc chúng ta đang làm một việc gì đó, đang mải mê với một dự tính tốt đẹp. Ngài gặp chúng ta không phải chỉ trong lúc đọc kinh, dự lễ, những ngay giữa chợ đời xô bồ, giữa cái lam lũ vất vả của đời thường, giữa cái bon chen vật lộn của cuộc sống. Cuộc gặp gỡ thật bất ngờ. Có thể điều chúng ta phải dứt bỏ đầu tiên là công việc ta ưa thích và đang làm, là bầu khí gia đình ấm áp mà ta đang tận hưởng.
Ở đất nước chúng ta, ơn gọi thường được hiểu là ơn sống đời tu sĩ hay linh mục. Thật ra ơn gọi làm vợ, làm chồng, ơn gọi làm cha, làm mẹ. Ơn gọi ấy thật là cao quý và nhiều khó khăn không kém ơn gọi tu sĩ, linh mục. Tin Mừng hôm nay dành cho mọi Kitô hữu, dù sống ở bậc nào đi nữa. Tất cả chúng ta đều được gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu “Các anh hãy theo Tôi”. Đây là lời mời gọi. Ơn gọi khởi xướng từ một tiếng gọi của Thầy Giêsu. Chúa Giêsu mời gọi Kitô hữu đi theo Ngài. Không phải chỉ là đi theo một lý tưởng hay theo một mục đích cao đẹp, mà là đi theo chính con người của Ngài. Ơn gọi Kitô hữu là gắn bó với Chúa Giêsu, nhận Ngài là trung tâm và chóp đỉnh của đời mình.
“Tôi sẽ làm cho anh em trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Một cuộc biến đổi thực sự, từ lưới cá đến lưới người, từ ngư phủ thành Tông đồ. Chỉ Chúa Giêsu mới làm được cuộc biến đổi đó. Khi được mời gọi gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi gắn bó với con người. Bởi, con người là mối bận tâm chủ yếu của Chúa Giêsu. Theo Ngài là cùng chia sẻ nỗi thao thức của Ngài về nhân loại và đồng bào, đồng lao cộng khổ với Ngài trong sứ mạng cứu độ.
“Chính bạn là đôi tay của Chúa”. Chính chúng ta phải là những cánh tay nối dài của Chúa Giêsu. Sứ mạng cứu độ của Chúa là một sứ mạng thiêng liêng, nhưng sứ mạng ấy cần phải được thể hiện bằng lời nói, bằng hành động. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi giao phó sứ mạng đó cho Giáo Hội, qua các Tông đồ, qua hàng giáo phẩm, giáo sĩ và mỗi Kitô hữu chúng ta. Nhờ những hoạt động bằng đôi tay cụ thể của chúng ta, Chúa Giêsu tiếp tục loan truyền Tin Mừng Nước Trời, trao ban sự sống và dẫn đưa nhân loại về hạnh phúc vĩnh cửu.
Là chi thể của Giáo Hội, Thân Mình Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, một Kitô hữu cũng là đôi tay rộng mở của Chúa Kitô, nhờ đó, Ngài không ngừng giải tỏa ánh sáng, trao tặng tình thương, ơn cứu độ và hạnh phúc cho mọi người.