HÃY SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG
Sám hối sám hối là việc của đức tin… là biết
quy hướng tất cả về mối lợi sau cùng…
Lm. HK
Một hôm Satan triệu tập tất cả thần
dữ lại, sai chúng đi đến trần gian với sứ mạng duy nhất: “Hãy nói với mọi người là Chúa đã chết rồi.”
Đoàn quân của Satan ra đi, nhưng chẳng
bao lâu sau đó tất cả chúng đều quay về. Nghĩ là chúng trốn việc, Satan mới
quát hỏi: “Quân lười biếng, sao chưa làm
được gì mà đã trốn về?”
Bọn chúng đồng thanh trả lời: “Thưa ngài, chúng tôi chẳng có việc gì để
làm cả. Tất cả những nơi chúng tôi đi qua trên trần gian, nơi nào người ta cũng
sống như là Thiên Chúa đã chết thật rồi. Hận thù, chém giết nhau, gian tham trộm
cắp nơi nào cũng có. Chẳng có điều gì xấu mà người ta không dám làm.
“Nhiều người nói là mình tin vào Thiên Chúa, nhưng họ sống như là không
có Thiên Chúa. Thuyết phục họ là Thiên Chúa đã chết rồi chẳng có ích chi mà lại
còn nhắc họ nhớ đến Thiên Chúa nữa.”
Niềm tin không chỉ là một kiến thức, mà là
chính cuộc sống. Là một ân sủng Chúa ban, nhưng niềm
tin cũng là một chọn lựa của con người; thế nên khi bắt đầu rao giảng về Nước
Trời, Đức Kitô đã nối kết lòng sám hối với đức tin, coi lòng sám hối như là một
bước chuẩn bị tất yếu, một chọn lựa căn bản không thể đặt tách biệt với niềm
tin.
Đúng thế, sám hối
là việc của đức tin - một chọn lựa đến từ niềm tin và dẫn
về niềm tin -, là mau mắn bỏ đi những điều bất tất để chọn điều thực sự có giá
trị theo ánh sáng đức tin. Thái độ của các tông đồ đầu tiên trước lời kêu gọi của
Đức Kitô cho thấy những tính cách phải có trong chọn lựa của niềm tin là mau mắn, dứt khoát và triệt để, một chọn lựa cắt ngang những tính
toán và các tình cảm thường tình trong cuộc sống: Simon và Anrê đang quăng lưới
đã bỏ lưới đi theo Đức Kitô; Giacôbê và Gioan đang vá lưới đã bỏ cha mình lại
trên thuyền mà đi theo Người.
Sám hối là biết quy hướng tất cả về
mối lợi sau cùng, coi khinh hết thảy những điều được thế gian coi trọng, với một
lý do rất đơn giản và cũng rất quan trọng mà không ai chối cãi được, là thế
gian này đang qua đi. Quan tâm một cách khôn ngoan đến những việc đời này là một
bổn phận, nhưng chăm sóc một cách quá đáng với nhiều âu lo lại trở nên một điều
nguy hại: “Nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa
làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ: đó là điều không bao giờ phải hối tiếc;
còn nỗi ưu phiền theo kiểu thế gian thì gây ra sự chết” (2Cr 7,9-10).
Sự lãnh đạm thánh thiện của các tông đồ đầu
tiên đối với những lo toan trần thế đã được thánh Phaolô đề nghị với mọi người:
“Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều
này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như
không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui;
ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm
như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cr 7,29-31).
Như thế, sám hối là một cách tuyên xưng đức tin trong
cuộc sống. Nhận ra mình là kẻ có tội và quyết tâm
thay đổi cuộc sống là tuyên xưng về chọn lựa sau cùng của mình: “Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối
cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối
của Người (…) Phàm ai kính sợ Chúa, Người chỉ cho thấy đường phải chọn” (Tv
25,8-9,12). Dân thành Ninivê đã không hề dâng một lễ đền tội nào, một việc tôn
thờ nào, nhưng sự sám hối của họ thực sự là một lễ dâng tôn vinh và làm Chúa
hài lòng, vì “Chúa chẳng ưa thích gì tế
phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên
Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài
sẽ chẳng khinh chê” (Tv 51,18-19).
Bởi đó, sự an tâm
thấy mình không có gì phải sám hối mới thực sự là điều đáng phải lo âu, nên thánh Phaolô đã không ngần ngại khiển trách dân thành Côrintô: “Dù trong bức thư trước tôi có làm cho anh
em phải ưu phiền, tôi cũng không hối tiếc. Mà giả như có hối tiếc -vì thấy rằng
bức thư ấy đã làm cho anh em phải ưu phiền, tuy chỉ trong chốc lát-,thì nay tôi
lại vui mừng, không phải vì đã làm cho anh em phải ưu phiền, nhưng vì nỗi ưu
phiền đó đã làm cho anh em hối cải” (2Cr 7,8-9).
Một hôm, nhà khoa học Huxley rất vội
vàng vì sợ đến trễ một buổi họp quan trọng mà ông phải đọc bài tham luận. Ông
nhảy vội lên một chiếc xe ngựa và bảo người đánh xe: “Hãy chạy hết tốc lực.”
Xe chạy một lúc, ông mới giật mình hỏi:
“Xe chạy tới đâu rồi?”
Người đánh xe ngựa trả lời: “Tôi cũng chẳng biết, chỉ biết là xe đang chạy
hết tốc lực.”
Điều kiện đề đón nhận Tin Mừng là sẵn
lòng hoán cải: “Hãy sám hối và tin vào
Tin Mừng.” (Mc 1,15) Đâu là điều hoán cải của tôi hôm nay?