Lễ Hiển Linh _ ánh sao soi đường

Ánh sao soi đường -
tiếng thôi thúc của lương tâm

Sr. Thùy Trâm
Khởi đầu mùa Vọng cho đến sau ngày trọng đại mừng Chúa Giáng Sinh, chúng ta đã lần lượt hình dung gương mặt của Đấng Tạo Hóa :
+ quyền uy trong việc tạo dựng muôn loài
+ nhân từ khoan dung trước sự phản bội của tạo vật đắc ý nhất : nguyên tổ loài người
+ đề xướng hợp tác với loài người trong chương trình đem lại "Bình An dưới thế cho người Chúa thương"
+ đích thân mặc xác phàm đến-ở-với-loài-người để vạch đường dẫn lối cho con người tìm lại tình trạng "rất tốt lành" nguyên thủy.
Tuy nhiên, ngoại trừ Adong và Eva tổ tông loài người được "thấy" tận mắt, "nghe" tận tai Đấng Tạo Hóa trước và ngay sau khi phạm tội (Kn 1-2), còn tất cả chúng sinh sau khi "cửa vườn Eden bị trấn đóng" đều chỉ "thấy và nghe" Thiên Chúa qua một trung gian : thiên sứ, tiếng sấm chớp, luồng ánh sáng, làn gió nhẹ, v.v... Mãi cho đến khi "Ngôi Lời đã mặc xác phàm và ở giữa chúng tôi... Chúng tôi đã thấy vinh quang Người" (Ga 1:18).
Người đã đến! Phải, nhưng mấy ai nhận ra Người?
Niềm vui rạng rỡ của các mục tử hối hả đến Bêlem chợt bùng lên : "Cứ dấu này mà các ngươi sẽ nhận biết Người: các ngươi sẽ thấy một trẻ sơ sinh, cuốn trong chiếc khăn và đặt nằm trong máng cỏ..." - Hân hoan vui mừng khôn xiết... Rồi cũng tan biến, chìm dần vào quên lãng...
Ba (3) vị hiền sĩ hăng hái lên đường tìm cho được vị Vua các vua vừa chào đời, dù bao nhiêu là trở ngại và mưu toan ác độc. "Họ vui mừng khôn xiết khi thấy lại ánh sao... " Gặp rồi, vui mừng thật, hứng khởi thật, hy vọng thật... Nhưng rồi, tất cả lại chìm vào quên lãng...
Lắm lúc chúng ta chê trách và than phiền người Do Thái thời bấy giờ : "có mắt mà không có con ngươi!", "có tai mà không có lá nhĩ!", v.v.... Ngôi Lời đang-ở-với-chúng-ta như thế mà không thấy!!! Thiên Chúa tỏ Mình cho dân người một cách tưởng không còn gì rõ ràng hơn nữa mà không nhận thấy Người!!! - Chúng ta không chê trách sai đâu, vì chính Đức Kitô sau này cũng đã chê trách họ như vậy rồi! Nhưng Đức Kitô chê trách họ thì được, phần chúng ta thì quá vội chê trách chăng?
Quả thật khó hiểu và khó tưởng tượng, xét về mặt tâm sinh lý phát sinh tự nhiên của mỗi người, nếu chúng ta dễ bỏ quên - dù vô tình hay cố ý bỏ quên - một biến cố nào đó tương đối quan trọng đã xảy ra cho mỗi một chúng ta. Một biến cố xã hội xảy ra trong một thời điểm nhất định còn khó - nếu không muốn nói không thể - bị bỏ quên, ví dụ biến cố 30-4-75, đối với một hay nhiều thế hệ dân tộc Việt, huống chi một biến cố riêng tư nào đó đã xảy ra cho từng cá thể, cho mỗi người... Chúng ta gọi một cách nôm na những biến cố đó là những kinh nghiệm sống của mỗi người.
Một người bạn tâm sự : "... sao kỳ vậy hè? - Những kỹ niệm dù rất nhỏ liên quan đến chính bản thân mình thì khó quên, nhưng những điều lạ lùng cả thể, mặc dù có ít nhiều ảnh hưởng đến bản thân mình, mà liên quan đến việc cao siêu - đến tôn giáo, đến Thiên Chúa, đến ơn cứu độ, đến tội lỗi và quyết chí ăn năn thề hứa không tái phạm, v.v... - thì... ummmm... chóng nhớ mà lắm lúc rất chóng quên!!!!"
Thầy chí thánh Kitô đã chẳng nhắc nhở cho chúng ta : "Kho tàng của các ngươi ở đâu, thì lòng trí của các ngươi cũng ở đó!" (Luca 12:34) đó sao ? Đức Maria luôn luôn "giữ kín mọi sự và suy niệm trong lòng" - Thánh cả Giuse luôn luôn nhận ra và mau mắn thi hành thánh ý Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời.
Lắm lúc chúng ta nài xin Chúa cho chúng ta thấy, nghe tỏ tường một lần, và đoan hứa sẽ không bao giờ xa Chúa nữa đâu!!! = Chúa đã nhậm lời chúng ta rồi đó chứ! - Không phải chỉ một lần mà không biết bao nhiêu ngàn lần rồi... mà chúng ta không cảm nhận, hoặc không dám cảm nhận, hoặc làm bộ không nghe - không thấy đó thôi! - tiếng nói của lương tâm - tiếng thì thào của Thần Khí Thiên Chúa trong thâm tâm mỗi người chúng ta là ánh sao lạ luôn luôn hiện tỏ tường trong cuộc sống của mỗi người chúng ta.
Thánh Lasan cảm nhận rất rõ nét ánh sao lạ đó trong đời sống và dùng dấu hiệu ngôi sao - ánh sao đức tin - làm huy hiệu và tinh thần của Dòng: Tinh Thần Đức Tin.
CHÚA GIÊSU NGỰ TRỊ LÒNG TA - LUÔN LUÔN!
Sr. Thùy Trâm 
TN I     TN II     V - GS     C - PS     NGOẠI LỊCH