ĐỨC MARIA – MẸ THIÊN CHÚA
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Vai trò người mẹ siêu phàm của Đức
Maria đã triển khai tính cách đặc biệt của biến cố Giáng Sinh. Đức Maria đóng
một vai trò quan trọng trong sự Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài chấp nhận lời mời của Thiên Chúa đã được sứ thần đưa tin (Lc 1,26-38).
Bà Êlizabét đã phải xưng tụng: "Em có phúc hơn mọi người nữ, và phúc
thay người con trong lòng em. Bởi đâu tôi được người mẹ của Chúa tôi đến thăm?" (Lc 1,42-43). Vai trò làm mẹ
Thiên Chúa của Đức Maria đã đặt ngài vào một vị trí độc đáo trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
Tuy không nhắc đến tên Đức Maria,
Thánh Phaolô khẳng định rằng "Thiên Chúa đã sai Con Ngài, sinh bởi một phụ
nữ, sinh ra dưới chế độ luật" (Gl 4,4). Thánh Phaolô còn nói thêm
"Thiên Chúa đã sai thần khí Con Ngài đến trong tâm hồn chúng ta, để kêu
lên “Abba, Lạy Cha!” giúp chúng ta nhận thức rằng Đức Maria là mẹ của tất cả các người em Đức Giêsu. Một số thần học gia còn
nhấn mạnh rằng vai trò làm mẹ Đức Giêsu của Đức Maria là một yếu tố quan trọng
trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa. Ý tưởng "đầu
tiên" của Thiên Chúa trong sự tạo dựng là Đức Giêsu. Đức Giêsu, Ngôi Lời
nhập thể, là Đấng có thể dâng lên Thiên Chúa tình yêu và sự thờ phượng tuyệt
hảo nhất thay cho mọi tạo vật. Một khi Đức Giêsu có trong tâm trí của Thiên
Chúa "đầu tiên", thì "thứ đến" phải là Đức Maria vì ngài đã
được chọn từ thuở đời đời để làm mẹ Đức Giêsu.
Danh hiệu "Mẹ Thiên Chúa"
đã có từ thế kỷ thứ ba hay thứ tư. Từ tiếng Hy Lạp Theotokos (người mang Thiên
Chúa), danh xưng ấy đã trở thành nền tảng cho giáo huấn của Giáo Hội về sự Nhập
Thể. Công Đồng Êphêsô năm 431 nhấn mạnh rằng các thánh Giáo Phụ đã có lý khi
gọi đức trinh nữ rất thánh là Theotokos. Vào lúc cuối của công đồng đặc biệt
này, đám đông dân chúng diễn hành trên đường phố, miệng hô lớn: "Ngợi khen
đấng Theotokos!" Truyền thống ấy vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Trong
chương về vai trò của Đức Maria trong Giáo Hội, hiến chế Tín Lý về Giáo Hội của
Công Đồng Vatican II đã gọi Đức Maria là "Mẹ Thiên Chúa" đến 12 lần.
Suy niệm 1: Chấp
nhận là khước từ
Để chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa, Đức Maria đã phải khước từ chính
mình, ngay cả những điều chính đáng nhất, nhưng không phù hợp với Thiên Ý.
Đàn bà có chồng thì bận tâm phục vụ và làm đẹp lòng chồng, còn người trinh
nữ thì có thể toàn tâm và toàn ý chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả
hồn lẫn xác (1Cr 7,34). Ý thức được thế nên Đức Maria đã có chí nguyện sống đời
độc thân vì Nước Trời (Mt 19,12). Chí hướng tốt lành và cao cả này đã được Đức
Giêsu thể hiện, cũng như mở đường cho các môn đệ đặc tuyển của Ngài sống
theo.
Nhưng Thiên Ý lại khác. Người muốn Đức Maria phải có chồng, để qua mái ấm
gia đình, Con Một dấu yêu của Người là Đức Giêsu được chào đời một cách hợp
pháp, dưới góc nhìn của xã hội loài người. Là Tôi Tớ trung thành của Người, Đức
Maria đã thưa tiếng “Xin Vâng”, nghĩa là đã hy sinh ý muốn độc thân vốn tốt
lành của mình, để thực thi Thiên Ý.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con theo gương Đức Maria luôn biết đặt Thiên Ý trên hết mọi sự, nghĩa là
trên cả những ý hướng tốt lành và chính đáng, trên cả mạng sống. Cách cụ thể
xin Chúa giúp chúng con quyết tâm từ bỏ các tính hư tật xấu, các ý riêng xa rời
đường lối Chúa, bởi lẽ điều tốt còn phải hy sinh vì Chúa, phương chi là điều
xấu.
Suy niệm 2: Phục vụ
Đức Maria thật có phúc hơn mọi phụ nữ, như lời xưng tụng của bà Êlizabét,
vì Đức Maria vốn là một thụ tạo của Thiên Chúa mà nay lại được đặc ân làm Mẹ
Thiên Chúa. Nhưng Đức Maria đã không tự hào về tước vị siêu vượt ấy để khinh
thường người khác, mà Mẹ âm thầm đáp trả hồng ân Thiên Chúa, bằng việc hết mình
phục vụ tha nhân.
Mẹ đóng tròn vai một người giúp việc trong nhà bà Êlizabét suốt quãng thời
gian ba tháng (Lc 1,56): việc đi chợ, nấu ăn, việc quét dọn, giặt rữa, việc
chăm sóc người chị họ sinh nở và ở cữ. Mẹ quên mình và tận tình phục vụ đến mức
không một ai chê trách được điều gì.
Đó là hướng sống mà Đức Giêsu đã chỉ đạo cho các môn sinh Ngài sau này: “Ai
muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20,26). Hơn
thế, Ngài còn nêu bật tấm gương sáng chói cho mọi người noi theo, khi tâm sự:
“Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải
rửa chân cho nhau” (Ga 13,14), “Vì Con Người đến không phải để được người ta
phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người"
(Mc 10,45).
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con
thường hành quyền theo cách cai trị chứ không phục vụ (Mt 20,25), như lời khẳng
định của viên đại đội trưởng có người nô lệ bệnh nặng gần chết (Lc 7,8). Xin
Chúa thương canh tân hướng sống của chúng con từ nay theo gương phục vụ của Đức
Maria, cho dầu chúng con không phải là thủ lãnh và cũng chẳng muốn được làm lớn,
nhưng chỉ mong ước được trở nên giống Đức Maria, Mẹ Chúa.
Suy niệm 3: Chúa ở
cùng
Lòng bà Êlizabét tràn ngập niềm phấn khích hân hoan, khi được Thân Mẫu Chúa
đến viếng thăm (Lc 1,43). Nhưng hạnh phúc ấy của bà Êlizabét làm sao sánh được
với hồng phúc của Đức Maria, khi Mẹ được chính Ngôi Hai Thiên Chúa chẳng những
viếng thăm mà còn nhập thể và cư ngụ trong cung lòng Mẹ.
Đó là cõi phúc mà một người phụ nữ đã cảm hứng và lên tiếng thưa với Đức
Giêsu: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!" (Lc
11,27). Nhưng tầm nhìn của Đức Giêsu lại bao quát và phổ quát hơn. Ngài cũng
tạo điều kiện cho hết thảy mọi người đều tận hưởng được nguồn phúc có Chúa ở
cùng. Bằng một cách thế khác và bằng một sáng kiến siêu phàm, Ngài đã hiện diện
trong Bí Tích Thánh Thể.
Để vui hưởng ân phúc này, Đức Maria đã phải chấp nhận trả một giá rất đắt,
bằng sứ mạng đồng công cứu chuộc, với bao khổ đau cả tâm hồn lẫn thể xác. Đúng như lời tiên tri Simêôn đã loan báo:
“Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà" (Lc 2,35). Và sau này Giáo Hội đã
diễn tả trong một Thánh Lễ được gọi là kính Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ hoặc Đức
Mẹ Sầu Bi, được mừng vào ngày mười lăm tháng chín.
* Lạy Chúa Giêsu, thật phúc
cho chúng con, vì qua việc hiệp lễ, chúng con luôn được Chúa ở cùng mỗi ngày
cho đến mãn đời. Xin Chúa giúp chúng con học theo gương Đức Maria biết gặt hái
trái hạnh phúc, vốn luôn được gieo trong mầm đau khổ, khi phải giữ tâm hồn
trong sạch, khi phải từ bỏ con đường tội lỗi.
Suy niệm 4: Hợp
tác
Thiên Chúa vốn là Đấng Toàn Năng làm được mọi sự, nhưng để thực hiện công
cuộc cứu chuộc, Người lại phải cần đến tinh thần hợp tác chứ không tự làm một
mình.
Đức Giêsu đã bắt tay vào việc hợp tác, bằng việc “không nghĩ phải nhất
quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh
quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl
2,7).
Sự hợp tác của Đức Giêsu quả là tuyệt vời, nhưng chưa đủ, xét theo cách thế
của xã hội loài người: Ngài phải đi vào đời, nhờ trung gian của một người mẹ. Vai trò hợp tác phải có của một
nhân vật thứ hai lại được đặt ra. Chính Đức Maria bằng lời “xin vâng” đã tháo
gỡ nút thắt này, và đã giúp chương trình cứu nhân độ thế của Thiên Chúa được
hoàn thành bằng cuộc sống đồng công.
* Lạy Chúa Giêsu, vì tự ái, vì
vị kỷ, chúng con thường phá đám hơn là hợp tác, chúng con thường thọc gậy bánh
xe hơn là đồng tâm hiệp lực xây dựng. Xin Chúa giúp chúng con theo gương Đức
Maria biết sống khiêm nhường và nhân ái vị tha, nhờ đó dễ dàng cọng tác với mọi
người hầu làm sáng danh Thiên Chúa.
Suy niệm 5: Mẹ nhân
loại
Vì Đức Giêsu vốn
vừa là người vừa là Thiên Chúa, nên một khi Đức Maria nhận được đặc ân làm Mẹ
Đức Giêsu, thì Ngài cũng được phú ban đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa, và đồng thời
cũng làm Mẹ cả toàn thể nhân loại vốn là em Đức Giêsu.
Nhất là qua lời
trăn trối của Đức Giêsu trên thập giá, Đức Maria và môn đệ Gioan đã đón nhận
nhau làm mẹ con. Sự kiện này thường được truyền thống Giáo Hội giải thích Đức
Maria là Thân Mẫu thực thụ của hết thảy mọi người trên trần thế này.
Với Tình Mẫu Tử
bao la, ngay tại thế Đức Maria đã từng thi ân giáng phúc cho người đương thời.
Và nay được hiển trị trên thiên quốc, Mẹ vẫn tiếp tục công việc phù giúp, bằng
nhiều phép lạ, bằng những lần hiện ra, bằng muôn lời chỉ dạy.
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con
xin cảm tạ Chúa đã thương ban cho chúng con một Thân Mẫu quyền uy và nhân ái.
Xin giúp chúng con luôn sống theo đường lối Mẹ dạy, đồng thời noi gương Mẹ hết
lòng giúp đỡ tha nhân mọi nơi và mọi lúc.
Suy niệm 6: Khiêm
tốn
Mọi tác phẩm
trong công cuộc tạo dựng trời đất muôn vật của Thiên Chúa đều được khẳng định
là rất tốt đẹp (St 1,31). Nhưng phải nói thêm rằng Đức Maria là kiệt tác tuyệt
vời nhất của Thiên Chúa, luôn đẹp lòng Thiên Chúa (Lc 1,30). Không lạ gì Mẹ
được tô điểm thêm bằng bao đặc sủng vô song không một phàm nhân nào có được.
Việc Mẹ được phú
ban đặc ân cũng thật xứng đáng, vì không ai trên đời này so sánh được với Mẹ.
Thật vậy trong lúc các thiếu nữ Ítraen hăm hở lập gia đình với khát vọng được
sản sinh Đấng Thiên Sai thiên hạ đợi trông, thì Mẹ khiêm tốn muốn sống độc thân
để không phải nhận thiên chức ấy.
Quả đúng như lời
Đức Giêsu: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn
lên” (Mt 23,12). Hơn thế, Ngài còn sống tuyệt đối tinh thần đó, khiến Thánh
Phaolô phải cất tiếng ca ngợi: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi
bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu
tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy,
khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn
vật phải bái quỳ tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa" (Pl 2,8-11).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giữ
chúng con khỏi kiêu ngạo, đừng để tính xấu này thống trị chúng con (Tv 19,14),
vì Chúa luôn “thẳng tay trừng trị người ăn ở kiêu căng” (Tv 31,24). Xin giúp
chúng con theo gương Đức Maria sống hiền lành khiêm tốn, vì “Lòng tự cao dẫn
đến suy sụp, còn đức khiêm tốn đem lại vinh quang” (Cn 18,12).