TỬ ĐẠO LÀ LÀM CHỨNG
Các Thánh Tử Đạo là những
chứng nhân can
trường dám chết cho niềm
tin, sống cho tình
yêu, và loan báo chân lý Tin Mừng...
Các Thánh Tử Đạo đã làm
chứng bằng cái chết. Chúng
ta được mời gọi
làm chứng bằng cuộc sống.
Từ thế kỷ 16, Tin mừng Chúa Giêsu được loan
truyền trên
quê hương Việt Nam. Ngay
từ lúc còn
phôi thai, Giáo Hội Việt Nam đã gặp phải những cấm cách
bách hại, đúng như lời Chúa
Giêsu: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con.” Cuộc bách hại khởi đầu từ thời Hậu Lê,
qua nhà Tây Sơn, rồi tới triều Nguyễn và đặc biệt trở nên gắt gao dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Suốt ba trăm năm, Giáo Hội Việt Nam đã chịu những cuộc bách hại và cấm cách đẫm máu,
khiến cho
hàng vạn người đã bị mất mát
tài sản, hàng
ngàn người đã ngã gục ngoài
pháp trường, biết bao
nhiêu người đã phải rời bỏ làng mạc thân
yêu trốn chạy vào những nơi rừng
thiêng nước độc. Hơn 130 ngàn người đã ngã gục dưới những cực hình
dã man để trở thành
những chứng nhân
bất khuất cho Đức Kitô. Trong
đó, 117 vị đã vị đã được tôn
phong lên hàng hiển thánh,
gồm 8 giám
mục, 50
linh mục, 16 thầy giảng, 1 chủng sinh
và 42 giáo dân.
Đọc lại hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, tôi nhận thấy, các
ngài can đảm phi thường, vì
yêu mến Chúa
Kitô nên coi nhẹ mọi cực hình đau đớn, một lòng
trung thành giữ vững đức tin. Dòng
máu tử đạo ấy đã trở thành
những hạt giống Tin mừng, đem lại cho
Giáo Hội Việt Nam những mùa gặt bội thu.
1. Trung thành với đức tin.
Đối với các Thánh Tử Đạo, Thiên Chúa là trên hết. Thiên
Chúa là tất cả. Lập trường của các
ngài là: “Thà chết chứ không
thà bỏ đạo, bỏ Chúa.” Các ngài đã trung thành giữ vững đức tin trước mọi thử thách
gian lao. Các ngài đã dám đánh đổi điều cao
quí nhất là mạng sống của mình để làm chứng cho
niềm tin
vào Thiên Chúa mà các ngài tôn thờ. Xin kể ra đây một vài chứng từ về lòng trung thành (x. Thiên Hùng Sử).
- Thánh Anê Thành, một người mẹ của 6 đứa con. Trong
cơn đau đớn vì bị tra tấn đã nhắn nhủ cô con
gái đến thăm người trong
tù rằng: “Con chuyển lời mẹ nói với các anh chị em con:
Hãy coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, đọc kinh sáng tối, dâng lễ mỗi ngày, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên Nước Thiên Đàng.” Lời sau
cùng của bà là:
“Giêsu Maria Giuse, con phó thác hồn con và
thân xác con trong tay Chúa, xin ban cho con trọn niềm tin ở Chúa.”
- Thánh Luca Thìn, 39 tuổi, cai tổng. Người đã viết khi bị bắt bước qua
thánh giá: “Tôi là một Kitô hữu. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình,
thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ.”
- Thánh Giuse Lựu, trùm họ Mặc Bắc (Vĩnh Long)
đã tâm sự với một linh mục bạn tù rằng: “Xin cha cầu Chúa ban sức mạnh và
lòng can đảm cho con. Con sắp phải đi đày. Con xin trao cho Chúa tất cả mọi sự thuộc về con. Con bằng lòng
dâng cho Người hy sinh lớn lao hơn hết là gia đình, vợ con của con.”
- Thánh Matthêu Gẫm, 34 tuổi, một thương gia giàu có, dù bị hành hạ, bị gông xiềng nhưng vẫn luôn
bình tĩnh vui tươi. Ngài nói: “Tôi có ăn trộm, ăn cướp gì đâu mà buồn. Được chết vì đạo là điều tốt lắm.”
- Thánh Laurensô Ngôn, 22 tuổi, một nông
dân, đã trả lời khi
các quan bắt ngài bước qua
thánh giá: “Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa tể trời đất. Thánh
giá là phương thế Chúa dùng để cứu độ nhân loại. Tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp. Tôi sẵn lòng chịu chết vì đức tin vào Thiên Chúa của tôi.”
- Thánh Matthêu Phượng, trùm họ, đã nói với các
con mình rằng: “Các con của cha ơi! Đừng khóc, đừng buồn làm chi vì cha đang gặp được vận hội may mắn.”
- Thánh
Đaminh Ninh, 21 tuổi, nông
dân, đã hiên ngang phát biểu: “Nếu làm con cái không được phép sỉ nhục cha mẹ mình,
thì làm sao người Kitô hữu lại có thể chà đạp hình ảnh của Đấng tạo thành trời đất? Xin các quan thi hành điều các quan muốn. Còn tôi không bao giờ xúc phạm thập giá Chúa tôi đâu.”
- Thánh
Phêrô Dũng yên ủi vợ: “Hãy vui mừng vì
tôi được hy sinh mạng sống cho Chúa Kitô.”
- Thánh
Emmanuel Phụng, trùm họ, trước khi bị siết cổ đã trao cho con gái một ảnh thánh
giá và nói: “Con hãy nhận lấy kỷ vật của cha. Đây là ảnh Chúa
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ảnh này quí giá hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và
trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé.”
2. Can đảm phi thường.
Vì đức tin, các ngài đã phải chịu đủ mọi thứ cực hình
dã man. Bị gông
cùm, bị xiềng xích,
bị nhốt trong
cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói, bị voi giầy, bị trói
ném xuống sông,
bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà
đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng,bị chặt đầu, bị thắt cổ, bị thiêu sống, bị phân
thây ra từng mảnh… Có
79 vị bị trảm quyết (bị chặt đầu); 18 vị bị xử giảo (bị thắt cổ); 8 vị chết rũ tù; 6 bị thiêu
sinh; 4 bị lăng trì (phân thây ra từng mảnh); 1 bị tử thương và 1 bị bá đao.
- Lòng lang dạ sói của con người nghĩ ra mọi thứ hình phạt tàn
ác, thật kinh
hoàng sởn tóc
gáy khi nghe kể về cái chết của Cha Cố Du theo
kiểu bị xử bá đao: “Ngày
30. 11. 1835, họ chọn Thợ Đức làm
pháp trường để xử ngài. Sáng sớm hôm đó, họ điệu ngài đến nơi hành hình. Bên một lò than đang cháy đỏ rực có 5
tên lính cầm 5 chiếc kìm sắt đã được nung đỏ. Nghe lệnh, cùng một lúc cả 5 tên kẹp kìm nung đỏ vào mình ngài kéo ra những miếng thịt khét lẹt. Họ vu cho ngài móc mắt trẻ con khi rửa tội. Làm điều ám muội khi cử hành lễ cưới và cho ăn thịt người khi rước lễ. Sau đó họ tiếp tục gây thêm những thương tích nữa cho đến khi
ngài bất tỉnh thì họ mới hành quyết. Họ cột chân tay ngài vào cây cột. Hai bên lính cầm kìm chờ sẵn. Cha Du ngửa mặt lên trời cầu nguyện dâng mạng sống mình cho Chúa.
Sau hồi trống báo
hiệu, hai tên lính cầm kìm kẹp vào ngực ngài kéo ra 2 miếng thịt nơi vú liệng xuống đất, một tên lính khác cầm dao xẻo thịt phía
sau hông, rồi đến bắp đùi thì chúng lấy kìm kéo ra rồi lấy dao xẻo đứt từng miếng… làm
cha rất đau đớn. Không được bao lâu thì ngài ngất đi, đầu rũ xuống và ngài về chầu Chúa lúc 17g ngày 30. 11. 1835. Cha Du chết rồi bọn lính còn chặt đầu ngài
cho vào một chiếc thùng đầy vôi, cởi trói lật xác úp xuống rồi phân thây ra từng khúc bỏ tất cả vào thùng vôi. Đầu ngài họ đem treo 3 ngày ở giữa chợ rồi xay nát, bỏ chung với thùng
vôi đựng xác ngài đoạn quăng cả xuống biển cho mất tích.”
- Thánh
Giám mục Xuyên, chân tay bị trói vào bốn cọc. Năm lý hình cầm 5 cái rìu, sẵn sàng
nghe lệnh quan
án sát. Vừa nghe lệnh, hai
lý hình chặt hai
chân, hai lý hình chặt hai
tay, đến lượt lý
hình thứ năm chặt đầu. Rồi họ mổ bụng ngài
cắt lấy ruột gan.
- Hai
Cha Điểm và Khoa bị trói chân tay vào cột, lý
hình tròng dây vào cổ. Nghe
hiệu lệnh, lý
hình cầm hai đầu dây xiết mạnh cho đến khi
hai vị nghẹt thở và lịm dần.
- Sáng ngày 5. 6. 1862, trước sự chứng kiến của rất đông người, hai
giáo dân: Thánh Toại và Thánh Huyên bước vào cũi tre để bị thiêu
sinh. Những người hiện diện đều xúc động khi
nghe rõ các ngài cất tiếng nguyện cầu thật lớn, trong
khi ngọn lửa hồng phừng phực bốc cao,
thiêu đốt hai
ngài.
- Sau
ba tháng tù tại Bình Định, ông Anrê Nguyễn Kim Thông nhận được án
phát lưu vào Vĩnh Long.
Đường từ Bình Định vào
Nam xa xôi, ông Thông cùng với bốn chứng nhân khác. Vì tuổi già sức yếu, lại phải mang
gông xiềng, ông
bước đi một cách rất khó khăn, mệt nhọc. Mỗi ngày
chỉ đi được bảy tám dặm, dưới ánh nắng gay gắt. Tối đến, đoàn tù nhân được tạm giam
trong các đòn quan, hay nhà tù địa phương. Được vài ba
ngày, lính thấy ông
Thông đuối sức quá, sợ không
thể đi tới nơi, thì thương tình tháo gông xiềng cho
ông. Đến Chợ Quán,
thấy tình trạng sức khỏe của ông
quá tàn tạ, Cha Được đã đến ban
phép xức dầu cho
ông. Sau đó ông lại phải mang
gông xiềng tiếp.
Khi ông đặt chân
lên đất lưu đày, ông chỉ kịp đọc kinh ăn năn tội, vài
kinh kính mừng, rồi tắt thở. Hôm đó là ngày 15 tháng 5 năm 1855.
3. Coi thường sự đau đớn.
Là con người, ai mà không sợ đau khổ, ai mà
không tham danh tranh lợi, ai mà không tham sống sợ chết! Nhưng với ơn Chúa, các vị tử đạo đã thắng vượt những khổ hình dã
man. Lòng yêu mến Chúa đã giúp các ngài vượt thắng tất cả: thắng vũ lực, thắng quyền bính
vua chúa trần gian,
thắng ma quỉ, và thắng chính
mình. Vì thế các
ngài xem nhẹ khổ hình,
vui mừng và
hãnh diện vì được chết cho đức tin.
- Trước khi bị chém, Thánh
Giám mục An nói với viên quan chỉ huy: “Tôi gửi quan 30 quan tiền để xin một ân huệ: Đừng chém
tôi một nhát nhưng 3 nhát. Nhát thứ nhất tôi tạ ơn Thiên Chúa đã tạo dựng nên tôi, và dẫn tôi đến Việt Nam giảng đạo. Nhát
thứ hai để nhớ ơn cha mẹ sinh thành ra tôi. Nhát thứ ba như lời di chúc cho các bổn đạo của tôi, để họ bền chí chết vì đức tin,
theo gương vị chủ chăn. Và như thế họ đáng hưởng hạnh phúc cùng các Thánh trên trời.”
- Năm vị: Đaminh
Nhi, Đaminh
Mạo, Đaminh Nguyên, Anrê Tường, Vinhsơn
Tưởng, bị xử chém đầu, thì trừ ông Đaminh Nhi, còn bốn vị đều yêu cầu lý
hình, thay vì chém một nhát,
thì xin được chém 3
nhát để tỏ lòng
tôn kính Chúa Ba Ngôi.
- Thánh Hồ Đình Hy bị chém đầu, nhưng trước khi đem đi xử, giữa kinh
thành Huế, trong
ba ngày 15,18 và 21 tháng 5 năm 1857, thân mình ngài đầy thương tích, quần áo tả tơi, dính đầy máu, đi đứng lảo đảo như muốn té
nhào, bị điệu qua
các đường phố, những khu
chợ và
quanh thành nội. Lính
mở đường đi trước rao
tên tử tội, mỗi khi tới ngã ba
đường, phố, chợ và công
trường, người tử tội bị đánh 30 trượng, lính
vác loa rêu rao: “Thằng theo tà đạo, đứa ngỗ nghịch, bất hiếu với cha mẹ, cưỡng lại luật pháp triều đình. Vì thế bị kết án tử hình. Bọn Gia Tô tin rằng chết vì đạo sẽ lên
Thiên đàng. Điều đó có đúng hay sai, không cần biết. Gia Tô của nó ở đâu? tại sao thấy nó khổ mà
không đến cứu?”
- Sau một năm tù giam, Anrê Trọng vẫn cương quyết tuyên
xưng đức Tin,
các quan quyết định ngày
xử là thứ bảy ngày
28. 11. 1835. Sáng hôm đó, ngài gặp lại người anh họ. Người anh họ hỏi Thánh nhân có muốn ăn gì không? Anrê Trọng trả lời: “Em muốn giữ chay để dọn mình tử đạo”, rồi nói tiếp: “Xin anh giúp đỡ mẹ em,
chúng ta là anh em, mẹ em cũng sẽ yêu thương anh. Xin nhắn lời với mẹ em: Đừng lo gì cho em, cầu chúc mẹ mãi mãi
thánh thiện và sẽ hài lòng vì con trai mình luôn trung thành với Chúa cho đến chết..” Nhưng người anh họ chưa kịp về nhắn tin,
bà mẹ của Anrê
Trọng đã đến đón con và theo con đến tận đầu chợ An Hòa,
nơi Anrê sẽ bị xử. Gặp con,
bà chỉ nói một câu: “Bấy lâu nay xa nhà, thời gian ở tù, con
có nợ nần gì ai không? Nếu có thì cho mẹ biết, mẹ sẽ trả thay
con.” Khi được con cho biết là không vướng mắc gì với ai, bà tiếp tục đi sát bên con, bình tĩnh nói với con những lời đầy khích
lệ.
Đến nơi xử, khi
quân lính tháo gông xiềng, Thánh Trọng đón lấy, đưa cho anh lính cạnh bên và căn dặn: “Xin nhờ anh đưa giùm cái này cho
mẹ tôi, để bà làm
kỷ niệm..” Mẹ anh đứng gần bên nghe rõ, bà nhận lấy kỷ vật đó và chưa cho là đủ, bà còn
muốn đón nhận chính
thủ cấp của con
mình nữa. Bà
can đảm, bước ra xin
viên quan chỉ huy
trao thủ cấp con
trai cho bà. Bọc trong
vạt áo rồi ghìm
chặt vào
lòng, bà vừa hôn vừa lập đi lập lại: “Ôi con trai yêu quí của mẹ, con nhớ cầu nguyện cho mẹ.” Rồi bà đem về an táng
trong nhà.
Các Thánh Tử Đạo coi thường đau đớn với lòng can đảm lạ lùng là vì các ngài trung thành với đức tin. Do
đó, các ngài vui mừng được chết vì
Chúa Kitô. Các ngài đã chết dưới ngọn đao phủ là chết cho
Chúa Kitô như chính
Chúa Kitô đã chết cho các ngài. Các Thánh Tử Đạo hiên
ngang vì đã đáng được chịu đau khổ cho
Chúa Kitô. Các ngài chẳng màng chi đến việc nhân loại trao tặng huy chương, huân chương, chiến công. Các ngài chết tử đạo là chết vì
Chúa Kitô, đơn thuần và
tinh khiết, trong
sáng và huyền diệu, can
trường và
khiêm nhu (x. Thiên Hùng Sử, trang 4). Chết vì Chúa Kitô là niềm hạnh phúc:
“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công
chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh
em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” (Mt
5,10-12; x. Lc 6,22).
Chính trong ánh sáng của Chúa
Kitô, Vị Tử Đạo tiên
khởi mà
chúng ta có thể nói về Các
Thánh Tử Đạo Việt Nam bằng câu
Phúc âm: “Đầy tớ không lớn hơn chủ” (Ga 15,20); “Nếu chúng đã bách hại Thầy, chúng sẽ bách hại các
con... Đây Thầy sai các con như con chiên đi vào giữa sói rừng… Hãy coi chừng người đời, họ sẽ nộp các
con nơi toà án. Khi họ bắt bớ, các con đừng lo phải nói thế nào, vì
không phải các con, nhưng Thánh Linh của Thầy sẽ nói trong các con… Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh
Thầy. Nhưng ai bền đỗ đến cùng, người ấy sẽ được cứu độ..” (Mt 10,16-25). Các Thánh Tử Đạo không
tìm đến cái chết mà chỉ trung
thành với đức tin
cho dù phải chịu muôn
vàn gian truân đau
đớn. Các ngài tìm cách nên giống đời sống của Thầy Giêsu, nhất là giống cử chỉ yêu thương tột cùng đã đưa Thầy đến cái chết.
Chân dung Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được tô điểm bằng muôn
ngàn vạn nét. Nét
căn bản nhất chính
là Niềm Tin Phục Sinh. Tin
vào Chúa Kitô đã chết và đã sống lại nên
các ngài đã chấp nhận tất cả mọi cực hình,
vượt thắng mọi truân
chuyên. Yêu mến Chúa
Kitô và bước theo
Người nên
các ngài luôn sống niềm tín
thác, lạc quan. Trong
nhà tù vẫn cầu nguyện và hát
thánh ca, thánh vịnh. Ra
pháp trường vẫn cầu nguyện và hát
khúc khải hoàn
Alleluia, luôn hướng về trời cao với niềm Hy Vọng Phục Sinh
và cất cao
hát mãi cho đến khi đầu rơi khỏi cổ. Cái chết chẳng có
giá trị gì,
chính sự sống mới làm nên muôn điều huyền diệu. Sự sống đó chính là tình yêu với tất cả những gì
cao thượng và chân
thật. Tình
yêu đó bừng lên
mãnh liệt trong
mầu nhiệm tự huỷ và hiến dâng.
Chết là mất tất cả, nhưng 117 hiến tế tình
yêu cũng là
117 chứng từ niềm tin của những con người xác
tín rằng: chết vì Đức Kitô,
chết đi là sống lại trong
cuộc sống muôn đời; chết là chiến thắng; chết là để đi về sự sống vĩnh cửu; chết là
cánh cửa im lìm
được mở ra để về với Đấng là Sự Sống vĩnh hằng.
4. Kế thừa dòng máu hào hùng để tiếp nối sứ
vụ loan Tin mừng.
Hạt giống Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô đã đến với quê hương Việt Nam gần năm thế kỷ. Trước đó cả ngàn năm đã có ba tôn giáo lớn là Phật Giáo,
Khổng Giáo,
Lão Giáo và Tín Ngưỡng dân
gian ăn sâu vào
tâm hồn người Việt Nam. Phong tục tập quán,
văn hóa Việt Nam,
con người Việt Nam, đã được nhào
luyện bởi tất cả những mầm sống cũng như giới hạn các
tín ngưỡng đó.
Trên nền tảng một đời sống tâm linh phong phú mà Phật Giáo,
Khổng Giáo,
Lão Giáo và nhất là Ðạo Ông Bà đã xây dựng từ hơn một ngàn năm, hạt giống Tin Mừng đã nẩy mầm và trổ sinh
nhiều hoa
trái. Tinh thần hiếu khách,
lòng bao dung làm cho người Việt Nam sẵn sàng tiếp xúc với những người tỏ ra có thiện cảm với mình, cho dù họ từ xa đến. Với những đức tính
như lòng hiếu thảo đối với ông bà
cha mẹ, kính
trên nhường dưới trong
gia đình, với một tâm hồn yêu
thích tĩnh mịch và
chiêm niệm, người Việt Nam là
một mảnh đất tốt để đón nhận những giá
trị thiêng
liêng hàm chứa trong
Tin Mừng.
Nhờ các nhà truyền giáo, từ các thế hệ tiền nhân, người Việt đã nhận lãnh nhiều điều tốt lành: những thường thức về vệ sinh, khoa học, những hiểu biết mới, những đồ vật quý hiếm cũng như những trợ giúp vật chất dù rất khiêm tốn, những nhân vật thánh thiêng đầy nhân
ái... khiến họ, nhất là những người thuộc lớp bình
dân, sẵn sàng đón nhận giáo
lý mà những người tốt lành
như vậy mang đến cho họ. Nhờ đó, những tập tục phi lý
và phi nhân (bùa mê, sát tế) như một gánh nặng đè lên cuộc đời của họ nay được cởi bỏ. Khi đã tìm gặp một vị thần đầy yêu thương, họ liền cảm thấy được giải thoát và tin theo.
Rao giảng Tin Mừng cho họ cần gắn liền với phát triển cuộc sống, quan tâm săn sóc sức khỏe, nâng
cao văn hóa
giáo dục. Người Kitô hữu sống giữa lòng đời và chia sẽ đời sống của anh chị em chung quanh mình. Loan báo Tin Mừng là
chia sẻ cuộc sống, một cuộc sống như chính Chúa Giêsu đã sống, là
yêu thương mọi người, và
yêu thương đến cùng. (x.
Ga 13,11), yêu thương
đến nỗi dám chấp nhận hy
sinh tính mạng cho
những người mình
yêu. (x. Ga 15,13).
Các Thánh Tử Đạo là những chứng nhân can trường dám
chết cho niềm tin, sống cho
tình yêu, và loan báo chân lý Tin Mừng. Làm chứng cho Chúa, nếu không
phải đổ máu thì
cũng phải chấp nhận mất mát
thiệt thòi. Làm
chứng đòi trả giá. Giá
càng cao thì
lời chứng càng đáng tin.
Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng bằng cái chết. Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống. Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng trong
thời bị bách hại. Là
con cháu các ngài, chúng ta được mời gọi làm chứng trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay. Làm chứng chính
là “làm muối,” “làm men,” “làm ánh sáng.”.. như những hình ảnh chính
Chúa Giêsu đã dùng khi trao sứ mạng cho các
môn đệ. Muối, men,
ánh sáng thì không ồn ào áp
chế, công
việc của nó là
âm thầm hiện diện, và chỉ cần hiện diện đúng như bản chất của mình,
tự khắc môi trường xung
quanh nó sẽ thấm mặn, sẽ dậy men,
và sẽ đầy ánh
sáng.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An