HÃY TỈNH THỨC VÀ ĐỢI CHỜ
Một ngày trong tháng 12, cậu Gary Schneider 16 tuổi và hai người bạn lên đường để leo núi Mt. Hood dự tính trong vòng 4 ngày.
Lên được 9.000 bộ (tức gần 3 km), ba cậu bé bị một cơn bão tuyết có lẫn đá thổi tới và vùi lấp. Chẳng bao lâu tuyết đã ngập khỏi đầu các cậu. Các cậu bèn đào hầm chui vào đống tuyết để thoát khỏi những luồng gió lạnh buốt thổi tới và để chờ đợi cho qua trận bão tuyết.
Mười một ngày sau, trận bão tuyết vẫn còn tiếp tục thổi dữ tợn. Các túi dùng để chui vào ngủ của các cậu đã bị ướt và đông cứng lại. Thức ăn dự trù chỉ còn đủ cho mỗi người mỗi ngày được hai muỗng bột làm bánh. Nguồn an ủi duy nhất của các cậu bây giờ là cuốn Thánh kinh gọn nhỏ mà một cậu đã mang theo trong túi hành trang.
Các cậu mở sách Thánh Kinh và đọc mỗi ngày tám tiếng. Đúng là một cảnh tượng ngộ nghĩnh: trong một cái hầm đào trong tuyết rộng 5 bộ vuông (chưa đầy 1m2), có ba cậu bé mới mười mấy tuổi đầu đang ngồi chồm hổm trên những cái túi ngủ đọc sách. Chỉ có một chút ánh sáng mờ ảo phản chiếu từ cái lỗ hầm nho nhỏ ở phía trên.
Tại đó, ba cậu tụm lại với nhau hết giờ này tới giờ khác, ngày này qua ngày khác, cùng nhau lắng nghe Lời Chúa bất chấp tiếng gió hú bên trên.
Cuốn Thánh Vịnh dường như là cuốn nói hay nhất về tình trạng hiện tại của các cậu. Đavid có viết một vài bài khi ông bị lâm vào những tình trạng không khác gì các cậu; đói, cô đơn, không biết chuyện gì sắp xẩy đến, chỉ còn biết tin tưởng ở Chúa. Nếu có ai cứu giúp, thì người đó chỉ có thể là Thiên Chúa. Chờ đợi như thế không phải chuyện dễ. Các cậu chỉ còn biết cầu nguyện, hy vọng cơn bão tuyết sẽ chấm dứt và sẽ có người tới cứu giúp.
Cuối cùng, vào ngày thứ 16, bầu trời trong sáng trở lại, các cậu bò ra khỏi hầm bằng tuyết của mình. Qua cơn ngặt nghèo ấy các cậu trở thành yếu đuối, và ra khỏi hầm các cậu chỉ có thể bước đi được một vài bước. Ngày hôm sau có một nhóm người cứu trợ bắt gặp các cậu trong tình trạng như thế. Cuối cùng cơn thử thách khiến các cậu phải chờ đợi lâu dài đó đã chấm dứt. Câu chuyện của các cậu bé, phải tụm lại với nhau trong hầm bằng tuyết chờ đợi cơn bão chấm dứt, là một hình ảnh tuyệt hảo tượng trưng cho mùa vọng.
Mùa vọng nhắc lại thời gian chờ đợi lâu dài của dân Do Thái mong mỏi Đấng Cứu Thế đến. Họ không biết làm gì để cho Đấng Cứu Thế mau đến hơn họ chỉ biết chờ đợi và cầu nguyện y như các cậu bé kia đã làm trên ngọn núi Mt. Hood. Dân Do Thái chỉ còn biết tin tưởng và chờ đợi Thiên Chúa sẽ đến để giải cứu họ.
Một trong những bài Thánh vịnh mà ba cậu bé cứ đọc đi đọc lại để cầu nguyện trên ngọn núi Mt. Hood là thánh vịnh 130. Trong đó có một câu như sau: “Tôi mòn mỏi trông chờ Chúa cứu độ, và tôi tin tưởng ở lời Ngài. Tôi mòn mỏi trông chờ Chúa còn hơn ngừơi lính gác mong chờ hừng đông”. Nếu không có Lời Chúa nâng đỡ tinh thần, thì các cậu dễ dàng thất vọng lắm. Dân Do Thái cũng như vậy khi họ mong chờ Đấng Cứu Thế. Nếu không có Lời Chúa ủi an họ, thì họ cũng sẽ thất vọng dễ dàng.
Nhưng Mùa vọng không hẳn là thời gian để chúng ta nhớ lại và sống lại việc người Do Thái trông chờ Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu. Mùa vọng còn có ý nghĩa hơn như thế nhiều.
Mùa vọng cũng là thời gian để chúng ta tưởng nghĩ đến việc Đức Giêsu sẽ trở lại vào thời cuối cùng của lịch sử, lúc chúng ta ít mong đợi nhất. Chính vì thế mà Thánh sử Marcô nói với chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay như sau: “Hãy coi chừng, hãy tỉnh thức… Đừng để khi Đức Giêsu bất ngờ đến mà Ngài lại thấy các bạn còn đang ngủ. Những gì tôi nói với các bạn, thì tôi cũng nói với tất cả mọi người: Hãy tỉnh thức”.
Điều này dẫn chúng ta đến quan điểm thứ hai về Mùa vọng. Bạn và tôi, chúng ta đang sống trong khoảng thời gian quan trọng giữ hai thời điểm: lúc Đức Kitô đến lần thứ nhất và lúc Ngài đến lần thứ hai.
Công việc của chúng ta không phải là cứ ngồi chăm chú và thánh thiện nhìn lên bầu trời để tưởng nhớ việc Đức Kitô đến lần thứ nhất và trông chờ Ngài đến lần thứ hai. Bổn phận của chúng ta là hoàn tất công việc mà Ngài đã giao cho chúng ta làm. Trước khi trở về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu đã nói với kẻ theo Ngài: “Các con hãy đi khắp nơi, đến với mọi dân tộc, rao giảng cho họ về nước trời, rửa tội cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, và dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho các con. Và Thầy sẽ luôn luôn ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 28, 19-20)
Mùa vọng là thời gian để chúng ta kiểm điểm lại xem chúng ta đã làm điều đó tốt đẹp thế nào. Mùa vọng là thời gian để chúng ta tự nhủ một cách đặc biệt rằng: khi Đức Giêsu trở lại, Ngài sẽ xér xử chúng ta xem chúng ta đã làm việc như thế nào để loan truyền nước Thiên Chúa ở trần gian này.
Đức Kitô đã chết. Đức Kitô đã phục sinh. Đức Kitô sẽ trở lại. Cho tới khi Ngài trở lại, chúng ta phải lưu tâm tới công việc mà Ngài đã giao cho chúng ta làm.
Chúng ta phải cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới mặc, tiếp đón khách đến nhà, làm việc cho hoà bình, và yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta.
Đây là sứ điệp mà những bài đọc hôm nay muốn nhắn nhủ chúng ta. Sứ điệp đó là: Chính Đức Giêsu, Đấng đã sống ở trần gian cách đây hơn hai ngàn năm, sẽ trở lại vào ngày tận thế đúng lúc chúng ta không ngờ tới. Khi Ngài trở lại, Ngài sẽ xét xử từng cá nhân mỗi người chúng ta về cách thức chúng ta hoàn thành công việc mà Ngài đã giao cho chúng ta làm. Chúng ta hãy hồi tâm lại để cầu nguyện, xin Đức Giêsu giúp chúng ta trung kiên trong công việc mà Ngài đã giao cho chúng ta thực hiện.
- Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban cho chúng con sức mạnh, vì đôi khi chúng con gặp phải những vấn đề khó khăn rắc rối khiến chúng con muốn bỏ cuộc.
- Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con tình yêu của Ngài, vì đôi khi chúng con bị người khác hất hủi khiến chúng con bị cám dỗ ghét bỏ họ.
- Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban cho chúng con đôi mắt của Ngài, vì đôi khi cuộc đời trở thành đen tối khiến chúng con không còn biết đâu là đường chúng con phải đi.
- Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban chính Ngài cho chúng con. Tâm hồn chúng con đã được dựng nên để yêu Ngài, nên tâm hồn chúng con sẽ không bao giờ an nghỉ cho đến khi nào được nghỉ an trong Ngài.
Lm. Mark Link