Lời Chúa cntn 24a _ khoan dung

KHOAN DUNG
Thật thú vị và ngạc nhiên không ít vì mãi đến hôm nay mới biết có “Ngày khoan dung quốc tế” (International day of Tolerance) do Liên Hiệp Quốc thiết lập vào ngày 16/11/1995. Nghĩa là đã trên 15 năm rồi. “Khoan dung” chắc hẳn phải là vấn đề trăn trở và thao thức của biết bao vị lãnh đạo quốc gia và nhức nhối không kém của bao con người trên khắp hành tinh, tựa như “Ngày thế giới phòng chống HIV” (20/12/2003) hay “Ngày thế giới không thuốc lá”(31/05/1987).
Trên đời này dường như cái gì càng chống, càng cấm hay càng đề cập tới thì càng bị vi phạm trầm trọng, ví như biển cấm đồ rác dán ở những nơi công cộng lại là chỗ rác thải tứ tung và bề bộn nhất. Càng đề cập đến sự khoan dung hay tha thứ thì thế giới và nhân loại ngày càng leo thang thù hận, oán ghét lẫn nhau.
Trước đây người ta thường nghĩ vào thời hoang dã hay man di mọn rợ con người mới đầy thú tính và cư xử theo kiểu “người với người là chó sói”, nhưng càng tiến đến đỉnh cao của văn minh tiến bộ, con người lại càng tỏ ra tàn bạo và cực kỳ độc ác như chúng ta thường thấy trong thực tế cuộc sống hay qua các phương tiện truyền thông mỗi ngày, sẵn sàng xử theo lối xã hội đen.
Người xưa nói :“Nhân chi sơ tính bổn thiện” còn người đương đại mới sơ sơ là nổ lựu đạn theo kiểu khủng bố cực đoan, đánh bom liều chết để được phong lên hàng tử đạo. Đúng là nền văn minh sự chết. Trước những hăm dọa và trù dập quá tam ba bận, lần này con có phải tha thứ nữa không? Riêng con, con đã biết lời dạy của Thầy rồi, không phải ba lần bảy lượt mà là bảy mươi lần bảy, nghĩa là triền miên tha thứ. Nhưng thật khó quá Thầy ơi! Thầy thử nghe thiên hạ nói xem thì con làm sao mà chịu nổi: “Nhịn là nhục” … “Khoan dung là đồng lõa!” Nếu có vì yêu mến Thầy mà tha thứ thì con vẫn không sao quên được. Con nghiến răng, nghiến lợi nhịn mà chào nó thôi.
Thế mới biết người môn đệ còn xa vời với giáo lý của Thầy lắm. Bởi lẽ lòng người môn đệ vẫn còn hẹp hòi và thiếu khoan dung chừng nào. Lấy ơn đền oán và hằng cầu nguyện cho kẻ làm khổ mình mới xứng danh là người môn đệ của Thầy. Vẫn còn gương Thầy năm xưa trên Thánh giá : “Lạy Cha xin hãy tha cho họ vì họ vì họ lầm chẳng biết” (Lc 23,34). 

Gương Thầy vẫn còn lung linh phản chiếu trong thời chúng con qua tấm lòng khoan dung của Chân phước Gioan–Phaolô II và của người tôi tớ Chúa là Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
 “Thế giới loài người sẽ chỉ có thể trở thành “càng ngày càng nhân đạo hơn” khi  chúng ta đưa sự tha thứ rất thiết yếu với Tin Mừng vào trong tất cả những mối tương quan tương hỗ làm nên gương mặt tinh thần của thế giới. Sự tha thứ chứng thực rằng tình yêu mạnh hơn tội lỗi đang hiện diện trong thế giới. Hơn nữa, sự tha thứ là điều kiện thứ nhất của việc hòa giải, không những trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, nhưng cũng trong mối tương quan giữa người với người nữa” (Gioan Phaolô II).
 “Trong vực thẩm những đau khổ của tôi, tôi không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, tôi không hề loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi” (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)
Hai ngài không chỉ nói và dạy, nhưng còn sống triệt để sự khoan dung trong từng khoảnh khắc của cuộc đời.
Nếu thế giới có một ngày khoan dung, người Kitô hữu cần cả đời khoan dung.
Lm. Phaolô Dương Công Hồ, Gp. Đà Lạt
TÌM BÀI SUY NIỆM