GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - THÁNH LỄ

GIẢI THÍCH MỘT SỐ TỪ PHỤNG VỤ
Nhà Chầu, nhà Tạm.
Nhà Chầu hay Nhà Tạm là một chiếc tủ nhỏ chứa đựng Mình Thánh Chúa. Tùy kiến trúc từng nhà thờ mà Nhà Chầu được đặt tại gian cung thánh hoặc bên cạnh.
Theo lịch sử phụng vụ, việc giữ Mình Thánh Chúa trong Nhà Chầu, hay Nhà Tạm, trước tiên là để dành cho những người bệnh hoặc những người hấp hối sắp ra đi như "của ăn đàng". Ngày nay, Giáo Hội tiếp tục giữ Mình Thánh Chúa trong Nhà Chầu để cho tín hữu có thể đến viếng và cầu nguyện trong ngày, ngoài những nghi thức phụng vụ chính thức. Đèn chầu, được đặt bên cạnh, ngày đêm thắp sáng nói lên sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa dân Người.
Phụng vụ
Danh từ phụng vụ (phụng: vâng phục, tôn sùng; vụ: công việc) được dịch từ chữ hy-lạp leiturgia (ghép bởi danh từ ergon = công việc, và tĩnh từ leitos = công cộng) có nghĩa: việc công cộng có ích cho dân chúng. Trong quá trình lịch sử, danh từ leiturgia có thêm nhiều nghĩa khác nhau.
Theo tinh thần của Công Đồng Vaticanô II, phụng vụ là tác động linh thiêng, qua đó, và dưới một nghi thức, hành vi tư tế của Chúa Kitô, nghĩa là công cuộc thánh hóa con người và vinh danh Thiên Chúa, được thực hiện và tiếp tục trong Giáo Hội và bởi Giáo Hội.
Nói một cách đơn giản, phụng vụ chỉ định các nghi thức thờ phượng công cộng của Giáo Hội. Các nghi thức phụng vụ, theo định nghĩa, phải có sự chủ tọa của một thừa tác viên của Giáo Hội với sự tham dự tích cực của các tín hữu.
Ngoài ra danh từ phụng vụ còn có hai nghĩa khác nữa:
° bên Đông Phương, phụng vụ có nghĩa là chính thánh lễ.
° phụng vụ chỉ định môn học về các việc phụng tự khác nhau. Thí dụ: thần học phụng vụ, phụng vụ Đông Phương, v.v...