GIÁO DỤC CẦN HAY KHÔNG CẦN?
Đã có thời kỳ, một số người chủ trương việc tự kỷ giáo dục cũng như việc giáo dục người khác, là những công việc vô ích: vì tính tình con người không thay đổi được. Sinh ra đã xấu thì suốt đời sẽ xấu, sinh ra đã tốt thì suốt đời sẽ tốt.
Trước công nguyên, ở Hy Lạp, đã có những cuộc tranh biện về giáo dục. Có nên giáo dục hay không? Giáo dục có đưa lại kết quả gì không?
Lycurgue, một nhà làm luật ở Sparte, đã bắt hai con chó con, do cùng một mẹ: một con hằng ngày ông dạy cho nó nhiệm vụ phải săn đuổi thỏ, chim v.v… còn con kia ông thả lỏng, không huấn luyện gì. Thế rồi, qua một thời gian, ông cho họp công chúng tại công trường Sparte và tại công trường này, ông đặt một đĩa đồ ăn thật ngon, ông lại thả trong công trường một con thỏ. Rồi ông thả hai con chó kia ra. Con được huấn luyện nghĩ ngay tới nhiệm vụ phải săn bắt con thỏ, còn con chó không được huấn luyện, chạy lại đĩa đồ ăn ngay. Lycurgue kết luận: có huấn luyện, có giáo dục, thì rồi mới tha thiết với nhiệm vụ, còn không huấn luyện, không giáo dục, không tự giáo dục sẽ sống buông thả, theo sở thích, theo thú vui tự nhiên.
Sự thực là có những người được giáo dục mà vẫn hư hỏng, nhưng đó chỉ là luật trừ, mà luật luân lý bao giờ cũng có cả luật trừ. Nói chung: Giáo dục và tự giáo dục bao giờ cũng đưa lại kết quả. Chúng ta chỉ hối hận vì đã không được giáo dục, chứ không bao giờ chúng ta ta phàn nàn vì đã được giáo dục, hoặc đã cố gắng tự giáo dục.