CHÚ GIẢI LỜI CHÚA - CNTN 19A

Chú gii ca Giáo Hoàng Hc Vin Đà Lt

CHÚA GIÊSU ĐI TRÊN MẶT BIỂN VỚI PHÊRÔ
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
"Người bắt buộc": Một thành ngữ dị thường! Tại sao Chúa Giêsu phải ép các môn đồ ra đi? Phải chăng vì họ không muốn để Người một mình trong đêm vắng? Hay vì Người sợ các môn đồ nhiễm lây sự kích thích muốn tôn Người làm vua của đám đông phấn khởi trước phép lạ hóa bánh ra chiều (x Ga 6,14-15).
"Còn đò thì... lắc lư với sóng": Matthêu nói về con đò như nói về một thực thể cộng đồng mà ta có thể coi là biểu tượng của Giáo Hội ở câu 33 cũng thế, tác giả không bảo là các môn đồ mà là "những kẻ ở trong đò”.
"Canh tư' đêm tối, người đi trên biển đến cùng họ": Canh tư tương ứng với khoảng thời gian 3-6 giờ sáng. Phép lạ được kể ở đây gợi nhớ nhiều đoạn Cựu Ước cũng nói Thiên Chúa đi trên biển (G 9, 8; 38, 16; Tv 77, 20; Hb 3, 15; Hc 24, 5), nhưng theo một ngôn ngữ ẩn dụ. Thành ra có sự song song giữa Chúa Giêsu và Giavê vậy.
"Chính là Ta": Qua kiểu nói đây, chắc hẳn Chúa Giêsu trước tiên muốn sửa sai ngộ nhận của các môn đồ (Người không phải là ma) và đồng thời trấn an họ, vì họ chẳng nhận ra đó chính là Người. Nét này gặp lại trong các trình thuật diễn tả Đấng Phục sinh hiện ra dưới một hình dạng khác lạ(x. Lc 24, 36tt). Nhưng vì ở đây Chúa Giêsu tỏ mình qua việc thi thố một quyền năng siêu phàm trên vũ trụ, nên cần phải nối kết với các cuộc thần hiển của Cựu Ước, trong đó Giavê vẫn thường giới thiệu mình bằng một thành ngữ tương tự: ‘Chính là Ta’ hay ‘Ta là’ (St 17, 1; 26, 24; 28, 13; 35, 11; 46, 3; Xh 3, 6. 14). Một lần nữa, Matthêu kín đáo nhấn mạnh rằng có một tương hợp giữa Chúa Giêsu và Giavê.
"Và Phêrô bắt đầu đi trên nước": Người môn đồ được một quyền lực thần thông như Thầy, đó là chi tiết làm nổi bật hơn nữa ý nghĩa Giáo Hội học của đoạn văn. Đây là một đặc điểm của thần học Matthêu, theo đó Chúa Giêsu cũng san sẻ quyền tha tội (9, 6) cho các môn đồ Người (9, 8; 16, 19; 18, 18). Tuy nhiên Phêrô chỉ đi được trên nước nhờ niềm tin của ông. Thánh sử còn nhấn mạnh ở nhiều đoạn khác quyền năng ấy của đức tin cùng hiệu lực lạ lùng và tức khắc của nó. Như với viên sĩ quan đến xin người chữa bệnh cho tên đầy tớ, Chúa Giêsu đã trả lời rằng: "Ông hãy đi, ông đã tin sao, thì sẽ được như vậy". Và ngày giờ ấy tên đầy tớ đã được khỏi (8, 13). Vì đối với người có lòng tin thì "không có gì mà không làm được" (17, 20).
"Lạy Ngài, xin cứu tôi": Như tiếng kêu của những người đi đò gặp cơn bão tố ("Lạy Ngài, xin mau cứu, chúng tôi chết mất": 8, 24), tiếng kêu của Phêrô làm vang vọng nhiều lời cầu khẩn của nhiều Thánh Vịnh, trong đó người tín hữu xin Thiên Chúa đến giúp mình khỏi luồng nước đang dọa đe (Tv 69, 2 và 15; 144, 7; xem thêm Tv 18, 17; 32, 6; Is 43, 2- 3). Thành thử đây là một lời cầu nguyện nói lên niềm tin vào Chúa Giêsu dù với chút ít nghi ngờ.
"Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa": Như các chỗ khác trong Tin Mừng, lời tuyên tín này chắc hẳn không có giá trị như việc các môn đồ nhìn nhận tử hệ tự bản tính của Chúa Giêsu; song là nhìn nhận tử hệ theo nghĩa rộng; đây chỉ là lời công bố về thiên sai tính của Người. Tuy nhiên, có thể cộng đoàn Kitô hữu hậu-phục-sinh sau đó dùng lại lời tuyên tín của Phêrô và thêm vào ý nghĩa đầy đủ là Thánh Thần soi sáng. “Những kẻ ở trong đò" nghĩa là ở trong Giáo Hội, theo gương Phêrô và các môn đồ, tuyên xưng Chúa Giêsu thực là Người Con duy nhất của Thiên Chúa tối cao.
KẾT LUẬN
Matthêu trình bày một cuộc thần hiện dành riêng cho "các kẻ ở trong đò", nghĩa là cho Giáo Hội của Đấng Phục Sinh: trong Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa Cứu Thế của thời Xuất Hành tiếp tục giải thoát Israel mới khỏi những luồng nước khủng khiếp hằng rình chực nuốt lấy họ (x. Xh 14 và 15). Sự hiện diện đáp cứu của Người giữa cơn bão táp là nền tảng niềm tin của các tín hữu và cho phép họ nói lên cách vững lòng: "Ngài thật là Con Thiên Chúa".
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1) Điều đã xảy đến cho Phêrô, thủ lãnh các sứ đồ, sẽ mãi là kiểu mẫu và gương soi cho mọi kẻ tin. Ở đây, Phêrô đại diện toàn thể Giáo Hội đang đứng trước mặt Thầy mình. Giáo Hội biết rằng mình được bảo đảm vượt thắng mọi thử thách nguy biến, rằng mình sẽ chẳng bao giờ đắm chìm, mất hút trong giòng lịch sử, với điều kiện cương quyết giữ vững đức tin. “Nếu không gắn bó với Ta, các ngươi sẽ chẳng đứng vững được" (Is 7, 9). Điều này có giá trị đối với dân Giao ước mới như đối với dân Giao ước cũ.
2) Sau khi Chúa Giêsu lên thuyền, gió bỗng lặng yên. Người không cần ra lệnh như đã làm trong cơn bão táp (8, 26). Sự hiện diện của Người đủ sức đem lại yên tĩnh và chế ngự ngũ hành cuồng điên. Trong đời ta cũng thế. Nếu biết đặt Chúa Giêsu ở trung tâm đời mình như một hiện diện đích thực và sinh động, ta sẽ được an bình nội tâm, dù bên ngoài phải tư bề sóng gió.
3) Chúa Giêsu ra nơi vắng vẻ để cầu nguyện, một lối cầu nguyện thật đặc biệt như giòng sông êm ả giữa Chúa Cha và Người. Không phải Người chẳng thích lối cầu nguyện phụng vụ hay cầu nguyện công khai đâu (ta đã thấy Người cầu nguyện trước đám đông lúc hóa bánh ra nhiều: 14,19), nhưng thỉnh thoảng Người cảm thấy cần có một lối cầu nguyện đơn sơ và cá nhân như thế. Trong việc này cũng như trong mọi chuyện khác của đời Người, Người là gương mẫu cho ta: không thể tưởng tượng ra một môn đồ Chúa Giêsu không biết bắt chước Người trong việc cầu nguyện.
4) Tin là nhảy xuống nước để đi gặp Chúa Giêsu. Nếu lúc ấy ta sợ, thế của ta sẽ trở nên nguy hiểm hơn lúc ta bằng lòng ở lại trên đò với các kẻ khác. Một khi đã liều, thì phải liều cho đến cùng tận. Nếu không nỗi sợ hãi sẽ nhận chìm ta. Tuy nhiên, dù bấy giờ sợ hãi, dù không còn sức tin tưởng trước cơn bão hoài nghi và chướng ngại, ta vẫn còn có thể kêu lên: "Lạy Chúa, xin cứu con". Và Người sẽ không bỏ lỡ cơ hội để nói với ta: “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!”.
5) Phêrô bắt đầu chìm xuống "lúc thấy gió mạnh" (c.30), ông đã chia trí không nhìn đến sự hiện diện trấn an của Chúa Giêsu. Nhưng ông lại được cứu một khi quay nhìn về Người.
6) Thử thách, khổ đau, thất bại không vùi dập nhận chìm Kitô hữu, nhưng cảnh tỉnh, thanh luyện niềm tin.

Chú gii theo Fiches Dominicales.

NGƯỜI KÉM TIN, SAO NGƯƠI LẠI NGHI NGỜ?
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI.
Nỗi sợ hãi của các môn đệ cô đơn giữa cơn bão táp
Đoạn văn tường thuật việc Đức Giêsu đi trên mặt nước, ta đọc thấy cả trong Mt, Mc (6,45-52 và Ga (6,16-21). Cả ba tác giả đều đặt hiến cố này sau phép lạ hoá bánh ra nhiều. Tường thuật của Matthêô gồm 4 phần nối kết chặt chẽ với nhau: 1. Tương quan với việc hoá bánh ra nhiều; 2. Việc Đức Giêsu rút lui lên núi; 3. Việc Đức Giêsu đi trên mặt nước; 4. Việc Phêrô bước đi trên mặt nước và tuyên xưng đức tin.
1/ Tương quan với phép lạ hoá bánh. J.Potin coi như tương quan thần học. Trong sa mạc Sinai, Thiên Chúa đã nuôi dân bằng manna và đã dẫn dắt họ đi qua Biển Đỏ. Cũng vậy, Đức Giêsu nuôi dân chúng và bước đi trên biển để dẫn dắt các môn đệ tới bến bờ bên kia. (Jésus, llhistoire vrai Centurion 1999 trang 257). Thánh Matthêô thuật lại: "Ngay sau khi đã nuôi dân trong sau mạc, Đức Giêsu bắt buộc các môn đệ lên thuyền và cho qua bờ bên kia trước". Tại sao phải lên thuyền vội vã và bị bắt buộc như vậy. Cả hai tác giả Matthêô và Maccô đều không giải đáp câu hỏi này. Trái lại, Gioan cho ta biết: dân chúng quá cuồng nhiệt về phép lạ hoá bánh, nên muốn ép buộc Ngài làm vua (Ga 6,15). Phải chăng Đức Giêsu muốn ngừa môn đệ khỏi ô nhiễm bởi cám dỗ về một thành công hão huyền.
2/ Sau khi đã giải tán đám đông, Đức Giêsu rút lui lên núi một mình để cầu nguyện. Núi là khung cảnh của bài giảng Bát Phúc, và cũng là nơi diễn ra biến cố Hiển Dung (17,1) và cuối cùng là nơi hẹn của Đức Giêsu phục sinh với các môn đệ ở Galilê (28,16). Đọc qua Thánh Kinh, ta thấy núi là một địa điểm thần học hơn là một địa điểm địa lý; núi là nơi được chọn để Thiên Chúa tỏ mình ra và để ta găp gỡ Thiên chúa (xem bài đọc I Chúa nhật này), là nơi ưu tiên dành cho việc cầu nguyện.
G. Gaide giải thích: Đức Giêsu hướng về Cha của Người. Dự kiến của quần chúng là một thử thách đối với Đức Giêsu, một cơn cám dỗ lôi kéo về thành công dễ dãi; cơn cám dỗ số hai (Mt 4,5-7) là muốn lôi kéo quần chúng theo mình bằng những hành động kỳ diệu, trong khi Chúa Cha muốn cho Người lôi kéo mọi người lên với Người bằng việc chịu treo lên thập giá (rồi lên ngự bên hữu Chúa Cha, Ga 12,32). Trong cơn cám dỗ này, Đức Giêsu hướng về Đấng đã sai phái mình, để hiếu rõ ý nghĩa sứ mạng của mình (Assemblee du Seigneur", trang 25-26).
“Chiều đến" Đức Giêsu ở đó, múc lấy sức mạnh trong cuộc đàm thoại với Cha Người, sức mạnh để đẩy lui cơn cám dỗ, dụ dỗ Người chiều theo ý kiến cứu chuộc bằng cách thức loài người. Người "cô đơn" giống như vào một buổi tối hấp hối sau này trong khi các môn đệ của Chúa bất lực, thiếp nghỉ vì buồn sầu.
3/ Đức Giêsu bước đi trên mặt biển. Matthêô thuật tiếp: "Thuyền bị sóng dập vùi bởi vì gió ngược". Trong khi Đức Giêsu ở cách xa họ để cầu nguyện, thì con thuyền của các môn đệ-tượng trưng cho Hội Thánh - phải đương đầu với đêm tối bão táp, vào canh tư đêm tối, Đức Giêsu đến với họ, bước đi trên mặt biển". Cuộc đi bộ trên biển trong đêm tối không chỉ biểu dương một phép lạ suông, xét theo cách diễn tả của tác giả Tin Mừng, nhưng nó hàm ngụ nhiều ý nghĩa khác: Biển đối với người am hiểu Thánh Kinh, tượng trưng cho quyền lực của sự ác; biển rẽ ra hai bên dưới cây gậy của Môsê, mở một con đường cho Dân Chúa đi về tự do. Thánh Vịnh 77 ca ngợi: "Trên biển cả là đường Chúa đi, khắp nẻo trùng dương là lối của Chúa". Đi trên biển, Đức Giêsu tỏ mình ra là Đấng chiến thắng sự dữ, Người đến để mở cho dân của Giao ước mới lối đi từ sợ hãi qua tin yêu. Chính "vào lúc đêm tàn" giống như buổi bình minh của ngày phục sinh, Đức Giêsu đến: cách nói điển hình chỉ cuộc hiển linh phục sinh (xem Ga 20). Cuộc tỏ mình này, thánh ký Tin Mừng trình bày như báo hiệu và như tiền trưng của cuộc toàn thắng phục sinh của Đức Giêsu đối với biển cả chết chóc.
Vì, “xao xuyến" nên các môn đệ không nhận ra Người. Họ sợ hãi kêu lên: "Ma kìa". Lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ lúc đó còn hơn là một lời trấn an: “Hãy vững tin. Đừng sợ. Thầy đây mà”. Đây là một sự mạc khải: Đức Giêsu có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, họ không phải sợ hãi. “Thầy đây mà". J.Potin đã giải thích: Đàng sau câu nói quả quyết này, các môn đệ được mời gọi cảm nghiệm câu định nghĩa mà Thiên Chúa đã phán với Môsê về chính mình, khi Người xuất hiện đột ngột với ông ở núi sinai: “Ta là Ya-vê: Đấng Tự hữu”.
Tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu “Con Thiên Chúa”.
4/ Và cuối cùng là việc Phêrô đi trên biển, việc này cũng mang ý tượng trưng, cùng với việc tuyên xưng đức tin. "Lạy Chúa, nếu thực là Chúa thì xin truyền cho con đi đến với Ngài trên mặt nước”. Nơi Maccô, tường thuật chấm dứt lúc Đức Giêsu bước lên thuyền với các môn đệ và lúc đó sóng gió lắng dịu. Nơi Matthêô tường thuật còn nối dài với cảnh tượng báo trước thái độ mà Phêrô sẽ xử sự sau này: một buổi chiều kia, sau khi đã tuyên xưng lòng tin không hề lay thuyền của mình, Phêrô sẽ té nhào cách thảm hại. Ông còn cần phải gặp gỡ Đấng phục sinh để bước qua thử thách ngày thứ sáu đau thương, mà tới được bến bờ lòng tin vào Chúa Phục sinh. Lúc này Phêrô liều mình bước đi trên mặt nước để đến gặp Đức Giêsu, đó là một hình ảnh sống động về thân phận của người tín hữu. Bị giằng co bởi một bên là lòng tin, lòng tin đem ông đến với Chúa, và bên kia là sự nghi ngại, nghi ngại khiến ông chìm xuống nước. Ông kêu lên: Chúa ơi, cứu con với? Và Đức Giêsu giơ tay ra để cứu ông. "Và khi đã lên thuyền, sóng gió lắng dịu”. Lúc này Phêrô đã lên thuyền với Đức Giêsu. Gió lắng dịu. Mọi người trên thuyền, con thuyền Hội Thánh, đều sấp mình để tung hô lời tuyên xưng đức tin đầu tiên mà ta thấy được trong sách Tin Mừng: "Thầy thật là Con Thiên Chúa”.
BÀI ĐỌC THÊM:
1) “Đi từ mạc khải đến nhận biết” (L.Montoubou, trong "Evangile de Matthieư', Salvator trang 198-199).
Chính vào lúc con thuyền của các tông đồ bị bóng đêm vây kín vào canh tư đêm tối (khoảng 4 giờ sáng), lúc thuyền bị những đợt sóng lớn nhồi đập dữ dội, bị cản trở bởi gió ngược, thì chính lúc đó Đức Giêsu đến với họ, bước đi trên mặt biển. Đó là kiểu nói quen thuộc của Kinh Thánh, Thiên Chúa bước đi trên biển cả. Ta đọc trong Thánh vịnh 77: “Trên biển cả là đường Chúa đi, khắp nẻo trùng dương là lối của Người, không ai biết được đường lối Chúa". Các môn đệ ngạc nhiên, vì họ không nhận ra Đức Giêsu là Đấng vạch lối đi trên biển cả, họ nghĩ đó là một bóng ma. Họ cần đến câu nói của Chúa: “Thầy đây mà!” mới nhận ra Người. Nhận ra Chúa trong khi tuyên xưng Người là Đấng nào. Thành ngữ "Ta đây" là một cách chuyển dịch câu: "Ta là Ta: Ya-vê". Mà câu "Ta đây" nói ở giữa biển cả là câu nói, theo Matthêô, công bố thần tính. Đây là thuật ngữ mà Thiên Chúa đã tự mạc khải cho ông Môsê, rồi sau đó cho dân Israel, trong quá trình một cuộc phiêu lưu lịch sử, ở đó biển đóng một vai trò quan trọng, Thiên Chúa Ya-vê dùng để tỏ ra quyền lực vô biên của Người. Nhưng mạc khải này đây không đi sâu vào nội tâm của các môn đệ, như thái độ của Phêrô chứng tỏ. Ông còn cần cảm nghiệm bản thân và trực tiếp sự phũ phàng của cơn bão táp, cảm nghiệm sự nguy hiểm mà ông phải đương đầu, sau đó ông mới tìm được tận thâm sâu con người ông một thái độ sẵn sàng để tin. Ông kêu lên: "Chúa ơi, xin cứu con!". Kìa Đức Giêsu được Phêrô kêu bằng danh hiệu "Đức Chúa" (KUTRIOS, chuyển ngữ Hy Lạp của danh Chúa YAHVE), có nghĩa là Thiên Chúa ở gần, Thiên Chúa hiệu năng, Thiên Chúa cứu độ. Giờ đây bão táp đã chấm dứt, gió đã lắng dịu, các môn đệ mới hiểu rằng Đức Giêsu là "Con Thiên Chúa”.
Trước hết Người là Đấng mà họ tìm đến, bởi vì khi Người xuất hiện giữa lúc họ gặp nguy nan, Người có dáng vẻ hấp dẫn, nên đã khiến cho Phêrô kêu lên: xin Ngài truyền cho tôi đến với Ngài. Lúc này, Người là Đấng mà họ phục lạy và tuyên xưng: "Thầy thật là Con Thiên Chúa. Những người ở trong cùng một con thuyền đã có được sự đồng nhất trong đức tin, cùng có một thái độ trước Đức Giêsu và tuyên xưng cùng một đức tin.
2) Chúng ta cũng giống như các môn đệ trong thuyền. (Mgr Daloz trong cuốn "Le Règne de Dieu s'est approché" Desclée de Brouwer, trang 222).
Các môn đệ hoảng sợ khi thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển tiến đến với họ, và họ tưởng Người là ma. Chính họ đã hoạt động với Người để phục vụ dân chúng, thế mà giờ đây họ không nhận ra Người. Chỉ Đức Giêsu cho người khác thì dễ hơn là nhận ra Người trong giờ phút gian nan của cuộc sống của chính bản thân ta. Trong những giờ phút đó, đức tin của ta bị thử thách, đức tin với những bóng tối của nó. Lúc đó chính Chúa phải tự tìm cách tỏ cho ta biết Người. Khi ta tuyên xưng đức tin, khi ta chia sẻ hoặc giáo huấn đức tin, khi ta hoạt động rao giảng Tin Mừng, đức tin được ta coi như một của sỡ hữu yên tĩnh, một hiểu biết êm vui giúp sống và hoạt động. Nhưng những thời điểm quan trọng nhất, quyết liệt nhất của đức tin thì không êm ả chút nào: đó là những lúc ta gặp thử thách, như một tai họa lớn, một sự đe dọa liên quan đến mạng sống, đe dọa cho lẽ sống của ta, đe dọa những người thân nhất của ta, hoặc có thể là một hoàn cảnh hay một ý nghĩ thúc giục ta tự vấn sống để làm gì, hoặc khi công việc mà ta đang làm gặp thất bại, ta cảm thấy mình yếu đuối, bệnh tật, tội lỗi vv... Bấy giờ đức tin không còn là của sở hữu yên tĩnh nữa, ta không cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa nữa. Ta giống như các môn đệ ở trên thuyền. Cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu có thể gây ngộ nhận, nó khác với điều mà ta tưởng tượng hoặc ta giảng giải cho người khác. Ta không nhận ra Người nữa, giống như các môn đệ nghĩ rằng mình thấy ma… Tuy nhiên, phải chăng những lúc này mới là giờ phút ta có được đức tin tinh tuyền hơn. Phải chăng đến gần Thiên Chúa thường làm ta mất phương hướng, chăng là chuyện thường tình sao? Người là Đấng khác, hoàn toàn khác, làm sao ta có thể nhận biết Người, nếu Người không tỏ mình cho ta? Những giờ phút ta bị lạc hướng bởi sự hiện diện mầu nhiệm của Chúa, chính là những thời điểm nền tảng cho đức tin. Đó là lúc Chúa nói với trái tim ta, là lúc ta nhớ đến một trong những lời của Chúa để ta đoán biết Người ở đó: “Hãy an tâm, Thầy đây mà. Đừng sợ!”.

Chú giải của Noel Quesson

Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán đám đông.
Tại sao Đức Giêsu bắt buộc các môn đệ xuống thuyền? đi trước? Tại sao Đức Giêsu giờ đây giải tán đám đông sau khi đã nói rằng đám đông không cần đi đâu cả (tức vào các làng mạc mua thúc ăn)? Những chi tiết này không phải là không quan trọng. Chúng có một ý nghĩa và được Matthêu và Máccô thuật lại, nhưng chỉ có Gioan đem lại cho chúng ta một lời giải thích: Việc ban bánh trong sa mạc có một ý nghĩa chỉ về Đấng Mêsia đã làm cho nhiệt tình của đám đông bốc cao lên, họ hoàn toàn cuồng nhiệt bởi sự xuất hiện rất nhiều vị thiên sai ở thời kỳ lịch sử này của Israel.
Các đám đông, với những cảm nghĩ mơ hồ thường thấy và những động tác không kiềm chế lúc đó đã muốn kéo Đức Giêsu trong một cuộc phiêu lưu chính trị tôn giáo như đã có nhiều trong những quốc gia bị La Mã đô hộ và sau cùng tất cả đều kết thúc trong sự đàn áp đẫm máu. "Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,15). Đức Giêsu cũng biết rất rõ các môn đệ của Người, còn gắn bó với quan điểm về một Đấng Mêsia trần thế ". Họ dễ dàng buông mình theo sự say sưa muốn biểu dương ấy Đức Giêsu buộc họ phải xuống thuyền đi trước.
Vâng Đức Giêsu đôi lúc thấy mình phải đương đầu với những kiểu vấn đề như thế. Một mình người đối phó với mọi người.
Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện.
Người ta có thể thử tưởng tượng Đức Giêsu tranh luận tay đôi với những kẻ ngoan cố nhất và cuồng nhiệt nhất không muốn giải tán: không tôi không đến để làm chính trị: nước tôi không thuộc về thế gian này… tôi đâu có trách nhiệm cho các ông ăn mỗi ngày… các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát nhưng để có lương thực thường tồn" (Ga 6,27).
Mệt mỏi vì những cuộc tranh luận ấy, khi còn lại một mình, Đức Giêsu cảm thấy nhu cầu cần phải cầu nguyện. Và chúng ta tưởng tượng Người giờ đây trong màn đêm buông xuống, bước theo con đường sỏi đá để lên núi. Bài đọc đầu tiên của Chúa nhật này nhắc nhở chúng ta nhớ rằng “núi” trong Kinh Thánh là nơi ưu việt để "gặp gỡ Thiên Chúa" (1V 19,9) Đó là một chủ đề mà Matthêu ưa thích một cách đặc biệt: núi của các mối Phúc Thật (5,1 )… núi của sự cám dỗ (4,8)... núi của sự biến hình (17,1)... núi của Đấng sống lại (28,16)... Trong những tháng hè này, một số người đi nghỉ hè ở trên núi. Khi chúng ta có cơ hội lên núi, chúng ta có biết tranh thủ để cầu nguyện trong cô tịch và sự im lặng hay không?
Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình...
Phải để cho hình ảnh ấy thâm nhập vào tâm hồn chúng ta thật lâu: Đức Giêsu trên đỉnh núi trong bóng đêm, trong sự im lặng từ trái tim đến trái tim đơn độc, trong sự hiệp nhất với Chúa Cha.
Người ta dễ dàng đoán ra Người đọc kinh nào, đêm hôm đó. Người ta đã thử lái Người ra khỏi sứ mạng chủ yếu. Nhưng như một bản năng Người trở lại sứ mạng của mình: Vai trò của Người thuộc về tinh thần dù vai trò ấy có những hậu quả quan trọng trong lãnh vực vật chất. Một lần nữa, Đức Giêsu phải chiến đấu chống lại ma quỷ của thứ chủ nghĩa Mêsia quốc gia đã "hứa hẹn cho Người tất cả các nước thế gian" (Mt 4,8-10). Một sự cám dỗ khủng khiếp, ám ảnh gần gũi; và lặp lại mãi. Sự quyến rũ của sự thành công tức thời mà Đức Giêsu can đảm đẩy lui bởi sự cầu nguyện. Không, người sẽ không là vị "vua" vinh quang và được tôn vinh. Người sẽ là Đấng Mêsia nghèo khó, sống tróng bóng tối, bị đau khổ và cái chết đánh gục. Chiến thắng của Đức Giêsu sống lại từ cái chết chỉ dành cho những ai tin.
Đức Giêsu cũng cầu nguyện nhiều cho các "môn đệ" Người vừa sai đi trước. Người phải nghĩ về Giáo Hội mà người thành lập, và cơn cám dỗ thường xuyên muốn đưa những phương tiện của con người lên hàng đầu. Phần tôi, tôi có tin vào giá trị cầu nguyện không? Nếu xét về bề ngoài và theo tính chất của con người, thời gian mất đi ấy lại vô cùng quan trọng về mặt tâm linh. Thỉng thoảng tôi có cầu nguyện một mình không?
Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ nhiêu dặm, bị sóng đánh vì ngược gió.
Trong động tác bất ngờ của máy quay phim, cũng như trong một phân cảnh tài tình của phim ảnh. Matthêu đi từ hình ảnh Đức Giêsu trên núi qua hình ảnh chiếc thuyền trên mặt biển. Đạo diễn trước tiên tập trung chú ý trên “chiếc thuyền” bằng việc sử dụng bút pháp dị thường: trong lúc Máccô nói các môn đệ phải vất vả chèo chống (Mc 6,48)... thì Mátthêu cũng bằng những chữ ấy nói rằng chiếc thuyền bị sóng đánh vật vã. Tất cả những nhà chú giải từ những giáo phụ đầu tiên của Giáo Hội đã nhìn thấy trong chiếc thuyền ấy là biểu tượng của Giáo Hội. Vào thời thánh Mátthêu, các cộng đoàn Kitô hữu trong thực tế chỉ là những chiếc thuyền mong manh chèo chống khó khăn trên mặt biển đầy sóng gió của ngoại giáo và đi ngược gió!
Vào khoảng canh tư Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.
Cảnh trước đó (Đức Giêsu cầu nguyện trên núi… chiếc thuyền bị sóng đánh) như thế đã kéo dài suốt đêm!
Đối với nhiều người, cảnh Đức Giêsu đi trên mặt biển có thể chỉ có vẻ như một câu chuyện thần tiên, một giai thoại tuyệt vời chỉ tốt cho trẻ em và những kẻ ngây thơ. Khác với các phép lạ chữa bệnh mà chúng ta tưởng lập tức hiểu hết ý nghĩa bởi vì những phép lạ ấy "có ích", chúng ta ngạc nhiên về những cử chỉ bề ngoài xem ra vô ích: tại sao Đức Giêsu lại không gặp trực tiếp các bạn hữu của mình? vì chúng ta rất hay quên rằng các phép lạ của Đức Giêsu trước hết là những "dấu chỉ": Đó là những cử chỉ nói được, hoặc có một điều gì nói với chúng ta. Tính chất tượng trưng của chúng đứng hàng đầu, không vì thế mà chối bỏ giá trị sự kiện lịch sử của chúng. Các tác giả Tin Mừng rõ ràng đã đọc lại các biến cố, từ ba yếu tố dùng để giát thích: 1. Sự sống lại của Đức Giêsu… 2. Truyền thống của Cựu Ước... 3. Những nhu cầu của các cộng đoàn mà họ kể lại.
Trong toàn bộ Kinh Thánh, biển là hiện thân của sức mạnh thù địch với con người. Những người Do thái, như nhiều dân tộc sống trong đất liền đặt vào biển mọi nỗi sợ hãi lâu đời dưới hình thức những quái vật huyền thoại như: Lêviathan; Raháp (Tv 104,5-9-26; 106, 9 - 74,13-14; Is 51,9-10). Bão tố, trong mọi ngôn ngữ không chỉ được xem như một hiện tướng tự nhiên như một biểu tượng của những sức mạng xấu nhưng mạnh hơn con người. Còn Thiên Chúa được giới thiệu như Đấng “thống trị biển cả", Đấng "đi trên mặt biển" (Ga 9,8; Tv 77,20; Kb 3,15). Như thế Đức Giêsu đi trên mặt biển chứng tỏ Đức Giêsu làm được điều mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm: đó là một "biểu hiện của Thiên Chúa", một sự thần hiện, hình ảnh của sự sống lại…
Những cộng đoàn Kitô hữu HÔM NAY và nói riêng mỗi người chúng ta cần chiêm ngắm Đức Giêsu thống trị sự ác với tất cả quyền Chủ Tể của Người.
Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy!" và sợ hãi la lên. Đức Giêsu liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ!”.
Khẳng định: "Đừng sợ!" đối chiếu cảnh này lúc Người đi trên những vực thẳm của sự chết với cảnh trong lễ Vượt Qua lúc: Người biến hình (Mt 17,7) và sống lại (Mt 28,5-10)...
Mỗi lần một người đến gần Thiên Chúa, trong Kinh Thánh, có một cử chỉ điển hình gồm hai khía cạnh: "sự sợ hãi" chiếm lấy con người... "lời mời gọi đừng sợ" mà Thiên Chúa luôn lặp lại..' (St 21,17; Is 7,4; Dn 10,19; Lc 1,13; Cv 18,9; Kh 1,17 ). Than ôi, trong cả một đời người không thiếu bão tố. Biết bao lần chúng ta lại không cảm thấy mình như bị buồn nôn khủng khiếp vì say sóng tưởng trút linh hồn (Tv 107,25-27). Chúng ta không chọn lựa cho mình biển hồ và thời tiết xấu... cũng không chọn bão tố, bóng đêm... cũng không chọn những cơn cám dỗ, những cơn thử thách. Và nỗi sợ hãi chiếm lấy chúng ta!
Giờ đây như các môn đệ của biển hồ Galilê, chúng ta được mời gọi cảm nhận sự "hiện diện của Đấng Vắng Mặt". Lạy Chúa, Chúa ở đây với chúng con trong cơn bão tố này và Chúa lại nói với chúng con: "Chính Thầy đây, hãy cậy trông! Đừng sợ!".
Ông Phêrô liền thưa với Người: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài". Đức Giêsu bảo ông: "Cứ đến!". Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu.
Trong Tin Mừng của Thánh Matthêu, Phêrô được giới thiệu như người đứng đầu các tông đồ, "người phát ngôn" của họ (Mt 10,2; 15,15; 16,16-17; 17,24-27; 18, 21).
Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài xin cứu! con với!". Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”
"Người đâu mà kém tin vậy!” Chủ đề “đức tin nhỏ bé” là một trong những chủ đề mà Matthêu không ngừng nhấn mạnh (6,30; 8,26; 14,31; 16,8; 17,20). "Người có đức tin quá nhỏ bé... bước đầu của đức tin... đức tin không hoàn hảo..." chúng ta nhận thấy mình trong cách diễn tả đức tin không phải là một đồ vật làm sẵn, có được một lần là xong. Đúng hơn đó là một "sự sống" đang tăng trưởng hoặc đang suy thoái. Đó là một "lịch sử" đang vận hành và vì là quan hệ giữa hai người nên không ngừng biến đổi.
Đức Giêsu chấp nhận sự yếu đuối đức tin của chúng ta nhưng nmời gọi chúng ta tiến bộ. Và chính trong thử thách, trong bão tố mà “đức tin nhỏ bé, kém cỏi" của chúng ta được thẩm định và thực hành.
Ở đây đức tin được trình bày trong một bối cảnh bi đát như một cuộc chiến đấu chống lại sự hồ nghi và sợ hãi. Phêrô người tín hữu đầu tiên không được đặt lên hàng đầu vì những phẩm chất cá nhân. Chúng ta thấy ông đã hụt chân, như buổi tối mà ông đã chối Chúa ba lần sau khi hung hăng lớn tiến tuyên bố lòng trung tín (Mt 26,35.69.75)
Tuy nhiên giữa lúc hoài nghi, ông cầu nguyện: "Thưa Ngài, xin cứu con với! Kyrie eleison!”.
Vậy sơ đồ của đức tin chúng ta là gì: một lời kêu gọi của Đức Giêsu bảo chúng ta "Hãy đến.!" một cuộc hành trình trên những vực thẳmcủa sự phi lý bề ngoài của đức tin..sự hoài nghi làm chao đảo... sự chỉnh đốn hoàn toàn của Đấng cầm tay chúng ta.
Khi Thầy trò lên thuyền, thì gió yên lặng ngay.
Một nhận xét đơn giản bề ngoài không quan trọng đối với người đọc quá nhanh.
Một lần nữa, đây là một chi tiết tượng trưng mà hình ảnh đã lên tiếng: "Thầy trò” cả hai đã lên thuyền, và gió lặng. Đức Giêsu và Phêrô cứu chiếc thuyền này trong cơn tai biến.
Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!"
Trong sách Tin Mừng Matthêu, đây là sự tuyên xưng đức tin đầu tiên. Chúng ta phải giữ lại trang Tin Mừng này cho cơn bão tố sắp tới của chúng ta. Phêrô suốt đời sẽ nhớ lại điều này, khi ông sẽ bước vào những cơn giông tố khác trầm trọng hơn ở Rôma vào thời của Vua Nêrôn.

TÌM BÀI