Giáo dục _ khích lệ

CON NGƯỜI CẦN ĐƯỢC KHÍCH LỆ
Đang khi làm một việc gì, mà ta được người khác cổ vũ, khuyến khích, thì ta cảm thấy dễ dàng lướt thắng các trở ngại, như chán nản, mệt nhọc, lo sợ thất bại v.v… Sự cổ vũ này, nhiều khi còn có thể thay đổi cả một cuộc đời và giúp một số người tới thành công mỹ mãn. Sau đây là hai câu chuyện của hai đại văn hào nước Anh: Charles Dickens và H. G. Wells.
Một thiếu niên ở Luân Đôn, ước ao trở thành văn sĩ, nhưng hoàn cảnh nó thật là trái ngược. Học thì sơ sài. Cha thì bị giam vì thiếu nợ và chính nó nghèo lắm, nhiều lần đói mà không tìm đâu ra bánh ăn. Sau cùng nó kiếm được một việc làm, dán nhãn lên trên các ve thuốc nhuộm, trong một kho hàng đầy những chuột cống. Tối, nó ngủ trên một gác thượng ghê tởm, sát mái nhà, cùng với bọn du côn cặn bã của thành phố Luân Đôn. Nó không tin ở giá trị của nó và sợ người ta chế giễu tới nỗi phải đợi trời tối như mực, rồi mới dám lén lút đem bản thảo bỏ vào thùng thư. Hết bản này đến bản khác bị từ chối. Sau cùng, ngày tươi sáng tới: một chuyện nó viết được người ta nhận đăng, đành rằng người ta không trả nó một xu nào hết, nhưng nó không cần. Nhà xuất bản khen nó là đủ rồi! Có người nhận rằng nó có tài rồi! Nó sung sướng tới nỗi, ban đêm đi lang thang ngoài phố, hai dòng lệ ròng ròng trên má.
Từ lúc đó, nó hy vọng, tự tin và tương lai của nó thay đổi hẳn. Nhưng nếu không có sự khuyến khích đó, có lẽ nó còn làm suốt đời trong những nhà máy đầy chuột cống. Đó chính là câu chuyện đời của văn sĩ trứ danh nước Anh: Charles Dickens (chính văn sĩ đã cho ta biết những chi tiết trên, thời thơ ấu của ông trong cuốn David Copperfield)
Nửa thế kỷ sau, một thanh niên khác ở Luân Đôn, làm việc cho một cửa hàng bán đồ nỉ. Dậy từ ba giờ sáng, quét tiệm và nai lưng ra làm 14 giờ một ngày. Được hai năm, chịu không nổi, rồi một buổi sáng, không ăn điểm tâm, bỏ nhà ra đi, cuốc bộ trên 20 cây số, về thăm bà mẹ làm quản gia cho một chủ điền. Cậu than thở với mẹ, khóc lóc van lơn, thề nhất định tự tử, nếu còn phải bắt buộc bước chân vào cửa hàng đó nữa… Rồi cậu viết một bức thư dài cho ông giáo cũ, thú nhận rằng, cậu không chịu nổi đời được nữa, chỉ muốn quyên sinh thôi. Ông giáo hồi âm, an ủi cậu, nói cậu rất thông minh, làm việc lớn được, đời sẽ tươi sáng hơn và cuối thư nói cho cậu biết: ông tìm cho cậu một chỗ dạy học. Những lời khen an ủi đó, đủ thay đổi đời cậu và có một phần ảnh hưởng sâu xa trong văn học nước Anh. Thực vậy từ hồi ấy, nhân vật đó đã viết tới 77 cuốn sách. Đó chính là đại văn hào H. G. Wells.
Giáo sư William James, một nhà tâm lý, có lẽ có tài nhất châu Mỹ đã nói: “Chúng ta hiện ra sao và chúng ta có thể trở thành một người ra sao, hai trạng thái đó, khác nhau xa lắm… Chúng ta chỉ dùng một phần nhỏ những khả năng vật chất và tinh thần của ta. Nói chung thì loài người sống, bỏ phí rất nhiều khả năng. Có đủ các bảo vật mà không dùng tới”.
Như vậy là con người chúng ta có rất nhiều bảo vật mà ta không dùng tới hoặc không biết dùng nó hoàn toàn. Hiển nhiên là chính chúng ta cần được khích lệ để phát triển tài năng, tận dụng mọi bảo vật ta có, mà rồi chúng ta cũng cần biết khích lệ người khác, để tài năng họ cũng được phát triển nữa.
Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công