SỐNG LẠC QUAN _ gặp chuyện buồn, chớ ngồi không

GẶP CHUYỆN BUỒN,
CHỚ NGỒI KHÔNG
Nhà bác học trứ danh Pasteur, đã nói về sự “bình tĩnh của các thư viện và các phòng thí nghiệm”. Tại sao vậy? Vì những người ở trong những phòng ấy mê man vào công việc của họ, không còn thì giờ để lo nghĩ về mình. Những nhà nghiên cứu ít khi bị bệnh thần kinh suy nhược. Họ không có thời giờ để phung phí.
Chỉ làm việc không ngừng, cũng đủ cho nỗi lo âu phải tiêu tan. Tại sao lại giản dị như nậy? Đó là nhờ luật sau này, một trong những luật quan trọng nhất mà các nhà tâm lý đã tìm được: Óc người ta, dù thông minh đến đâu đi nữa, cũng không thể đồng thời nghĩ tới hai điều.
Chúng ta thử ngả lưng vào nghế, nhắm mắt lại, rồi cố gắng cùng một lúc, nghĩ tới quang cảnh thành phố và nghĩ tới công việc chúng ta định làm sáng mai. Chúng ta thấy rằng nghĩ tới cái này rồi, nghĩ tới cái kia thì được, còn đồng thời nghĩ tới cả hai, thì không thể được. Những cảm xúc của ta cũng vậy. Không thể đồng thời thấy hăng hái về một công việc nào đó và thấy chán nản, thất vọng vì một nỗi lo buồn khác. Cảm xúc này xô đẩy cảm xúc kia đi và sự phát giác giản dị ấy đã giúp các y sĩ kiêm trị bệnh thần kinh trong quân đội làm được nhiều việc phi thường, hồi đệ nhị thế chiến. Khi binh sĩ ở mật trận về, tinh thần hoảng loạn đến nỗi thành bệnh, thì các bác sĩ thường ra phương thuốc: “Đừng cho họ ngồi không”.
Sau đây là câu chuyện có thực. Chuyện ông J. Douglas. Gia đình ông gặp hai tai họa liên tiếp, lần đầu, đứa con gái cưng của ông mới 5 tuổi thình lình chết, hai vợ chồng ông tưởng không sao chịu nổi cảnh từ biệt đó. Mười tháng sau ông bà lại bỏ một đứa cháu gái nữa, sinh mới được năm ngày.
Hai cái tang kế nhau, thật đau đớn thay! Ông mất ngủ, mất ăn, cũng không nghỉ ngơi được nữa. Bộ thần kinh của ông bị xúc động mạnh quá, lòng tin tưởng tiêu tan. Sau cùng, ông lại bác sĩ khám bệnh. Bác sĩ này thì cho thuốc ngủ, bác sĩ kia thì khuyên đi du lịch. Ông thử cả hai, nhưng đều vô hiệu. Cơ thể của ông như bị kẹp vào một chiếc kìm, mà hai mỏ kìm, mỗi ngày mỗi xiết chặt lại.
Ông kể: Nhưng cũng may, tôi còn một đứa con trai bốn tuổi. Nhờ cháu, tôi tìm được giải pháp cho tình thế bi thảm đó. Một buổi chiều, trong khi tôi ngồi than thở một mình, cháu bảo tôi: “Ba ơi, đóng cho con một chiếc tàu ba nhé!”.
Tôi không buồn đóng tàu tí nào, mà cũng không buồn làm một việc gì cả. Nhưng cháu nằng nặc đòi cho kỳ được. Tôi đành phải chiều cháu. Đóng chiếc đồ chơi đó, mất khoảng ba giờ, lúc đã xong, tôi nhận thấy rằng, đã mấy tháng nay lần đó, tôi mới được hưởng ba giờ bình tĩnh, di dưỡng tinh thần. Nhờ sự phát giác ấy, mà tinh thần tôi ra khỏi cõi mê man và bắt đầu suy nghĩ được một chút. Trước kia óc tôi quay cuồng, nên có nghĩ ngợi được gì đâu.
Tôi nhận thấy rằng trong khi bận làm một việc nào, cần phải tính toán, nỗi lo buồn khó mà tồn tại được. Trong trường hợp của tôi, công việc đóng tàu đã thắng được nỗi buồn của tôi. Cho nên tôi quyết định kiếm việc mà làm, khỏi ngồi không. Ngay đêm đó, tôi đi khắp phòng này sang phòng khác, lập một bảng kê những việc cần phải làm, có biết bao đồ đạc phải sửa lại: Tủ sách, bực thang, cửa sổ, ống khóa… thiệt lạ lùng, trong hai tuần lễ, tôi kê ra được 242 công việc phải chữa, phải làm.
Trong 2 năm nay, tôi đã sửa chữa gần hết. Hơn nữa, tôi lại còn làm nhiều việc khuyến khích kẻ khác, thành thử đời tôi được đầy đủ. Mỗi tuần tôi bỏ ra hai đêm theo lớp giảng cho người lớn ở Nữu Ước, tôi giúp việc xã hội trong châu thành, làm hội trưởng hội học sinh, tôi dự hằng chục cuộc hội họp và quyên tiền giúp hội Hồng Thập Tự và còn nhiều hoạt động khác nữa. Bây giờ tôi bận việc tới nỗi, không có thời giờ để lo buồn nữa.
Chính Thủ Tướng Churchil, trong đệ nhị thế chiến, cũng chủ trương cần làm việc để tránh lo lắng. Ông làm việc 18 giờ một ngày, trong những tháng nguy kịch nhất hồi chiến tranh. Người ta hỏi ông có lo về trách nhiệm quan trọng và nặng nề của ông không, ông đáp: “Tôi bận quá, không có thời giờ để lo chi hết”.


Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công