Sống đức tin _ giáo dục con cái

CHA MẸ CÔNG GIÁO
GIÁO DỤC CON CÁI
Sắp tới lễ kính hai thánh Gioakim và Anna (26/7). Dịp này, Hội Thánh tôn vinh hai đấng đã là cha là mẹ của Đức Trinh Nữ Maria. Lễ này cũng là dịp nhắc nhở các bậc làm cha làm mẹ phải biết giáo dục con cái.
Xin nhấn mạnh đến "phải biết giáo dục con cái", nghĩa là phải giáo dục con cái sao cho đúng tinh thần Phúc Âm.
Vấn đề rất mênh mông. Tôi chỉ xin nêu lên mấy điểm rút ra từ kinh nghiệm.
Trước hết, nên nhớ rằng: Giáo dục con cái cốt ở sự giúp cho con cái mình sống càng ngày càng xứng đáng người con của Chúa hơn.
Sự giúp đó là lời dạy dỗ, gương sáng, tạo môi trường thuận lợi, nhất là kết hợp với ơn Chúa.
Tất cả sẽ giúp cho con cái thấm nhuần những lẽ sống sau đây:
1/ Người con Chúa tin Đấng tạo dựng nên mình là Thiên Chúa tình yêu
Chúa muốn mọi con Chúa cũng phần nào trở nên giống Chúa là tình yêu. Càng giống Chúa là tình yêu càng sẽ được chia sẻ hạnh phúc của Chúa là tình yêu.
Người con Chúa là con người đầy ắp tình yêu của Chúa. Tình yêu cao thiêng đó sẽ đổi mới con người. Dần dần sẽ thấy như có một con người bên trong lớn mạnh. Con người bên trong mang sự sống Chúa Giêsu.
Muốn được như vậy, người con Chúa phải liên hệ với Chúa một cách gần gũi. Bằng cầu nguyện, gẫm suy Lời Chúa, đón nhận các bí tích. Như thể mình là cành, Chúa là thân cây. Mình phải kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Sự sống của Người, tình cảm của Người, ý muốn của Người được chia sẻ sang mỗi người con Chúa càng ngày càng nhiều, càng mạnh.
2/ Người con Chúa là người sống sự tự do của Chúa
Sự tự do nói đây là không bị các tính mê nết xấu và tội lỗi khống chế. Họ cũng bị cám dỗ, nhưng họ không sa chước cám dỗ. Họ sống trong thế gian có nhiều sức ép lôi kéo về đàng tà, nhưng họ không để mình bị làm nô lệ những quyền lực của sự ác.
Họ yêu thương trước những làn sóng hận thù ghen ghét. Họ tiết độ giữa những phong trào hưởng thụ.
Tự do của con cái Chúa là sự triển nở các hoa trái của Chúa Thánh Thần giữa một thế giới khô cằn.
Sự tự do của con cái Chúa là không đầu hàng hoàn cảnh phản nghịch Phúc Âm. Dù bị tước đoạt những của cải và địa vị, họ vẫn luôn biết tìm cách làm nhiều việc lành nhỏ mọn một cách thanh thản. Dù trong hoàn cảnh rất khó, họ vẫn mến Chúa, vẫn yêu người một cách chân thành.
3/ Người con Chúa là người thích phục vụ tha nhân trong yêu thương khiêm tốn
Khi phục vụ tha nhân vì động lực "vì là người con Chúa", người con Chúa sẽ mở lòng trí để nhìn thấy nhiều sáng kiến. Như cầu nguyện cho, đền tội thay, gieo rắc Lời Chúa bằng những cách trong tầm tay, giúp đỡ, chia sẻ, khích lệ, ủi an, khuyên bảo tế nhị.
Họ phục vụ mà không chờ đền đáp. Nếu bị chối từ cách này, họ vẫn tìm phục vụ bằng cách khác. Nếu bị hiểu lầm hoặc bị khinh chê, họ không vượt qua đau khổ cho bằng đón nhận đau đớn vào mình như một hy sinh.
Phục vụ tha nhân bằng yêu thương khiêm nhường đang là dấu chỉ để nhận ra ai là người con Chúa. Dấu chỉ đó được coi là tiêu chuẩn đúng. Dấu chỉ đó càng ngày càng làm xuất hiện những khuôn mặt đẹp bước ra từ những giai cấp thấp kém trong xã hội và trong Giáo Hội.
4/ Người con Chúa là người biết trả lời ơn Chúa gọi mình
Họ biết nhận ra sự Chúa đợi họ ở chỗ nào, để họ được hạnh phúc.
Họ nhận ra điều đó nhờ cầu nguyện, nhất là nhờ suy xét những biến cố xảy ra cho mình, từ tiêu cực đến tích cực, ngay trên chuỗi dài bậc thang đời sống, để đoán ra ý Chúa Quan Phòng đang muốn dẫn đưa đời họ về đâu. Những biến cố ấy là dấu Chúa gọi. Họ trả đáp với tất cả sự khiêm nhường và phó thác.
Mỗi chọn lựa của người con Chúa là một cách đáp lại ơn Chúa gọi mình. Đáp lại để chọn một bậc sống, đó là sống ơn gọi. Đáp lại để chọn một việc dấn thân, phục vụ, hay loan báo Tin Mừng, đó cũng là sống ơn gọi.
5/ Người con Chúa là người sống chiều kích đời đời một cách quyết liệt
Họ tin chắc chắn họ được tạo dựng nên, để đi vào cõi đời đời. Cõi ấy sẽ là thiên đàng dành cho những người sống xứng đáng là con của Chúa. Người con xứng đáng sẽ là kẻ sạch tội, hoặc chẳng may có tội thì đã sám hối trở về.
Để tới cõi đời đời, họ luôn cần đến ơn Chúa, cho từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây.
Họ bám vào Chúa. Và Chúa ở bên họ. Họ đón nhận ơn Chúa với lòng cảm tạ.
Cõi đời đời, sự sống đời đời, hạnh phúc đời đời, cái nhìn đó của đức tin mang chiều kích quyết định. Họ nhớ lại lời Chúa cảnh giác: "Nếu được mọi sự thế gian, mà đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào được ích gì" (Lc 9,25).
Trong chân lý đó, người con Chúa sẽ cân nhắc mọi việc mình làm, mọi lời mình nói, mọi sự mình muốn, cũng như mọi dự kiến của mình.
Lúc này hơn lúc nào hết, bổn phận của các phụ huynh công giáo trong việc giáo dục con cái đang là nỗi bức xúc lớn.
Nỗi bức xúc lớn hơn thiết tưởng chính là sự các bậc phụ huynh cần được đào tạo nhiều hơn trong việc tin mến Chúa, trong việc phục vụ yêu thương người khác, nhất là trong việc gỡ bỏ cái tôi đối nghịch với Chúa Thánh Thần.
GM GB Bùi Tuần