Lời Chúa cntn 16a _ cứ để cho đến mùa gặt

CỨ ĐỂ CHO ĐẾN MÙA GẶT
Fiorello LaGuadia là một trong những thị trưởng nổi tiếng của New York, ông được dân New York yêu mến vì lòng nhân hậu của ông. Họ gọi ông là “Bông Hoa Nhỏ” vì ông có vóc dáng thấp bé và lúc nào cũng có một đóa hoa cẩm chướng đính trên ve  áo.
Một buổi tối giá lạnh đầu năm 1935, tại một khu phố nghèo nhất New York, ông xuất hiện trong một phiên tòa và đích thân xử một vụ kiện.
Đó là vụ kiện một người đàn bà lớn tuổi bị kết tội ăn trộm một ổ bánh mì. Bà vừa khóc vừa kể chuyện con rể bỏ rơi vợ và hai đứa con. Con gái bà đang ốm, hai đứa cháu đói lả. Bà phải lấy trộm một ổ bánh cho con và cháu ăn; còn ông chủ tiệm bánh mì thì khăng khăng: “Thưa quý tòa, thật là kinh khủng khi phải sống với một người hàng xóm ăn trộm”.
Ông thị trưởng phải xử thế nào đây? Ông ra phán quyết:
-         Luật pháp không dung thứ cho bất cứ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải phạt tội ăn cắp của bà. Hình phạt cho tội ăn cắp là 20 đôla hoặc ngồi tù mười ngày.
Công bố bản án xong, ông thị trưởng rút 20 đôla trong túi đưa cho bà lão nộp phạt, rồi quay xuống cử toạ ông nói:
-         Bà lão đã bồi thường cho tội ăn cắp, còn phần quí vị, tôi yêu cầu mỗi người đóng 50 xu tiền phạt vì đã sống dửng dưng đến độ để cho một người trong thành phố chúng ta phải ăn cắp vì nghèo đói.
Nói xong, ông bảo viên biện lý đi thu tiền. Chiếc mũ ông thị trưởng được chuyền tay một vòng cho mọi người. Khi chiếc mũ trở về, người ta đếm được 47 đôla 50 xu. Ông trao tất cả cho bà lão.
Tất cả những người có mặt trong phiên tòa ấy, sau khi nộp tiền đã đứng dậy vỗ tay vang dội.
Sự công bằng và tình yêu thương thường bị coi là hai điều tương phản với nhau nhưng vẫn phải có nhau để tồn tại. Câu chuyện trên còn làm sáng lên mối tương quan biện chứng giữa tình yêu thương và đức công bằng: Bước đầu của tình yêu thương là công bằng, và đỉnh cao của công bằng phải là tình yêu thương. Vì thế mà người ta thấy ông thị trưởng đã làm một việc “vô lý một cách hợp lý” với lòng cảm phục.
Không ăn cắp mà bị phạt, nhưng mọi người vui vẻ bỏ tiền vào mũ vì thấy được tính hợp lý của hình phạt có vẻ vô lý đó. Không ai cảm thấy lạ lùng hay khó chịu. Việc đó phản ánh cách hành xử đầy công minh và tình thương của Chúa: “Vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành, Chúa thống trị chúng ta với lòng khoan dung” (Kn 12,16).
Đức Kitô dùng dụ ngôn cỏ lùng mọc lên giữa lúa để cho thấy Nước Trời là công trình của Thiên Chúa công minh và đầy lòng nhân hậu. Chúa rất công minh: “Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”; nhưng Ngài cũng rất nhân hậu: Ngài đã nương tay, không cắt ngay cỏ lùng, tế nhị săn sóc và lo lắng đến cả những sợi rễ bé nhỏ của sự sống được gieo vào lòng người, “sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13,29-30).
Dụ ngôn này cũng nói lên cái khó cho Giáo hội và tất cả những ai theo Chúa, là luôn phải trải qua cuộc cám dỗ Đức Kitô đã chịu khi bắt đầu sứ mạng rao giảng Tin Mừng: Ma quỉ dùng chính Thánh Kinh mà cám dỗ. Cũng thế, cỏ lùng ma quỉ gieo vào thế gian rất giống cây lúa, làm cho đôi lúc chúng ta phá đổ mà vẫn tưởng là mình đang nhiệt tình xây dựng Giáo hội, gieo rắc sự chết mà vẫn nghĩ là mình đang phục vụ Lời ban sự sống.
Đây thực là một bài toán khó. Chúa nói với người phụ nữ Samaria đang bối rối không biết phải thờ phượng Chúa như thế nào cho đúng, trên núi này hay tại Giêrusalem: “những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,23).
Cái khó trong việc phân biệt cỏ lùng với cây lúa gợi ý cho chúng ta về một việc bội phần khó hơn khi phải phân định đâu là việc làm của Satan, đâu là việc làm của Thiên Chúa. Việc đó vượt quá khả năng con người, cần đến sự nâng đỡ của Thánh Thần: “Anh em thân mến, có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp, nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng  những than khôn tả” (Rm 8,26).
La Fontaine kể chuyện một con nai soi mình xuống nước. Nó rất hài lòng về bộ gạc to lớn của nó: “Bộ gạc này sao mà đẹp thế, sao mà oai hùng thế, sao mà dễ thương thế!”, nhưng lại rất buồn và bất mãn với bốn cái chân: “Chúng nhỏ quá, xấu quá, không hợp chút nào với thân xác lực lưỡng của mình!”. Đang miên man nghĩ như thế thì nó chợt thấy bóng một người thợ săn. Nó vội vã chạy trốn ngay. Lúc đó nó mới thấy khổ sở vì bộ gạc cồng kềnh, vướng víu giữ chân nó lại, không cho nó chạy thoát nạn, và nó phải chết vì cái đã làm cho nó hài lòng và hãnh diện!
Vì thế, ĐHY Nguyễn văn Thuận đã giúp chúng ta phân định: “Ở trong nhà thờ suốt ngày chưa hẳn là nhân đức, nếu còn bắt lý lẽ, nếu còn phản ứng theo khôn ngoan thế gian, còn tự ái… Gioan và Giacôbê ở với Chúa luôn, nhưng Ngài phải hỏi: “Chúng con có tinh thần của ai?” (ĐHV 108)