Học làm người _ làm chủ lời nói

BIẾT LÀM CHỦ LỜI NÓI
Một số người chúng ta đã biết câu chuyện chàng nô lệ Esope với ông chủ: Khi giết heo, ông chủ dặn Esope, đưa cho ông cái gì quí nhất trong con heo, thì Esope đã đưa cái lưỡi.
Lần sau khi giết heo, ông chủ lại bảo đưa cái gì xấu nhất, Esope lại cũng đưa cái lưỡi.
Như thế, lưỡi là cái tốt nhất, đồng thời cũng là cái xấu nhất.
“Lưỡi tuy bé nhỏ, nó đã nói lên nhiều điều vĩ đại, mà chính nó cũng làm hoen ố cả con người chúng ta”. (Gc 3,1-10).
Thực sự nếu ta bình tâm suy nghĩ, về những điều bất hòa xảy ra giữa bạn bè, giữa vợ chồng, cha mẹ con cái, giữa những người thân thuộc, giữa hàng xóm láng giềng v.v... một phần lớn đều do cái lưỡi. Như thế, nếu mỗi người chúng ta làm chủ được lời nói, thì gia đình xã hội đã bớt được bao nhiêu bất hòa, cuộc sống sẽ trôi chảy êm đềm biết bao! Lịch sử đã chứng minh, rất nhiều trường hợp, con người không cần dùng dao, súng đạn để hại nhau, mà chỉ cần dùng cái lưỡi.

Hàn Phi Tử có chép: Vua Ngụy đem một người con gái đẹp dâng vua Kinh. Vua Kinh lấy làm thích và yêu lắm. Phu nhân là Trịnh Tụ rất ghen với người con gái này. Nhưng giả vờ như mình cũng quý mến người con gái, nên người con gái ấy muốn ăn mặc, thích gì, phu nhân cũng chiều ý sắm sửa cho cả.
Vua khen: “Phu nhân biết ta yêu tân nhân, mà đem lòng yêu mến tân nhân quá ta, thật có khác nào như người con có hiếu thờ cha mẹ, người bày tôi trung thờ vua”.
Khi phu nhân đã chắc bụng, vua nghĩ mình không là người ghen, nhân dịp mới bảo tân nhân rằng: “Vua yêu em lắm, nhưng ghét cái mũi em, giá từ nay, mỗi lần gặp nhà vua, em nên che cái mũi đi, thì vua yêu được mãi đấy”.
Người con gái theo lời, từ đó mỗi khi trông thấy vua, là che ngay mũi lại. Vua thấy thế bảo với Trịnh Tụ rằng: “Tân nhân trông thấy ta, mà che mũi là có ý làm sao?” Trịnh Tụ thưa rằng: “Thiếp không được rõ”. Đợi vua gạn hỏi mãi, thì Trịnh Tụ mới thưa rằng: “Tôi nghe đâu như tân nhân có nói, hơi vua khí nặng, lấy làm khó chịu”. Vua phát giận bảo: “À, nếu thế thì xẻo mũi nó đi!” Vua vừa nói vậy thì một viên quan hầu cận, đã được phu nhân dặn trước, liền đem dao ra xẻo ngay mũi tân nhân.

Nếu ai không sai lỗi trong lời nói, thì là người trọn lành; vì kẻ ấy có thể chế ngự được thân xác mình. Nếu chúng ta tra được hàm thiết vào miệng ngựa, để bắt nó tùng phục chúng ta, thì chúng ta cũng có thể điều kiển cả con ngựa. Kìa cả những chiếc thuyền, to lớn và bị cuồng phong lôi cuốn, mà một bánh lái nhỏ, điều kiển chúng, theo ý người hoa tiêu. Cũng thế, lưỡi là chi bé nhỏ nhưng nó nói lên những điều vĩ đại. Kìa một ngọn lửa có là bao, mà đốt cháy cả một khu rừng lớn. Lời nói cũng là ngọn lửa, là cả một thế giới gian ác. Lưỡi là một trong các chi thể của chúng ta, nó làm hoen ố cả thân xác, được hỏa ngục nhen nhúm lên, nó đốt cháy cả cuộc đời chúng ta. Mọi loài cầm thú, muông chim, rắn rít và cá biển, đang và đã bị loài người chế ngự, nhưng con người lại khó lòng chế ngự được cái lưỡi, một tai họa bất trị và chứa đầy nọc độc giết người” (Jac, 3, 3-10).
Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công