Học làm người _ đừng ở không mà nghĩ vớ vẩn

ĐỪNG Ở KHÔNG 
mà nghĩ vớ vẩn 
 Nếu chúng ta không kiếm việc để làm, cứ ngồi không mà nghĩ vớ vẩn, thì sẽ có một bầy quỷ dữ sinh ra đục khoét, phá tan năng lực hành động và ý chí của ta.
Đô đốc Byrd đã tìm ra chân lý ấy, khi ông sống một mình bị vùi lấp dưới băng mênh mông bao phủ Nam Cực, như một cái nón đội trên trái đất (một lớp băng bao trùm một đại lục bí mật rộng lớn hơn diện tích Châu Âu). Đô đốc Byrd sống cô độc ở đó trog năm tháng. Suốt một trăm hải lí xung quanh , không có một bóng người. Tiết trời lạnh đến nỗi ông nghe hơi thở mình đóng băng lại thành những tinh thể nhỏ xíu, mỗi khi gió đánh bạt hơi thở qua tai. Chính cuốn “Cô đơn” của ông đã kể rõ năm tháng sống trong cảnh đêm  tối, làm cho ta phát điên đó. Ngày cũng tối như đêm, ông phải kiếm việc làm để cho tinh thần khỏi rối loạn. Ông nói: "Đêm tới, trước khi tắt đèn, tôi tập thói quen định rõ công việc hôm sau. Ví dụ như định để một giờ đào hầm, nửa giờ san phẳng đống tuyết, một giờ chêm thùng xăng cho được đứng vững, một giờ đục những ngăn chứa sách trong một bức tường hầm đựng thức ăn và hai giờ thay một cây ngang gãy trong chiếc xe”.
Ông tiếp: "Nhờ đó tôi thấy tự chủ được mình. Không thế thì chuỗi ngày của tôi không có mục đích, mà không có mục đích thì đời tôi chắc tiêu tan rồi”.
Trong đệ nhị thế chiến, một bà nội trợ ở Chicago đã tự nhận ra rằng "Phương thuốc trị bệnh lo buồn là luôn luôn kiếm một việc gì ích lợi để làm”.
Bà kể rằng hôm trước có một vụ oanh tạc Trân Châu Cảng, thì hôm sau người con độc nhất của bà phải nhập ngũ, rồi lo lắng về con quá, bà gầy ốm đi vì những câu hỏi thầm: "Con ta ở đâu? Có được ở yên không? Hay đã ra trận? Có bị thương không? Hay là chết rồi?”.
Rồi bà kể tiếp: "Để khỏi lo lắng tôi bày việc ra để làm, mới đầu tôi cho người ở gái thôi việc, tự làm hết việc trong nhà cho khỏi ngồi không. Nhưng bấy nhiêu chưa đủ, chỉ vì những công việc đó làm gần như máy chạy, không phải suy nghĩ cho nên tôi vẫn lo buồn, khi làm giường, khi rửa chén, thấy rằng cần có công việc khác để thân thể và đầu óc không có phút nào nghỉ ngơi mới được. Vá tôi liền xin làm một chân bán hàng ở một tiệm lớn. Như vậy có kết quả. Vì từ đó tôi phải lăng xăng: Khách hàng bao vây tôi, hỏi giá cả, đòi coi màu sắc, kích thước. Tôi không rảnh một giây để lo tới cái gì khác ngoài việc đương làm và đêm tới, chân đau như rần, cũng không còn nghĩ gì được. Vừa  mới ăn xong là ném mình xuống giường và ngủ li bì. Thực tôi không còn thì giờ và cũng không còn sức để mà lo lắng nữa”.
Như vậy bà đã tìm thấy chân lý của John Cowper trong cuốn: "Nghệ thuật để quên điều bất hạnh”. Ông viết:
“Khi mê man vào công việc phải làm, ta thấy yên ổn dễ chịu, bình tĩnh hoàn toàn trong tâm thần và khoan khoái làm dịu được thần kinh”. 
Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công