Vấn đề đức tin
'Không có thiên đàng'
Giáo sư Stephen Hawking quả quyết thay vì bước
qua một thế giới khác, khi chết não bộ của con người sẽ tắt đi như ''máy vi
tính bị hỏng" vậy.
Vị giáo sư nổi tiếng với
tác phẩm A Brief History of Time (Lược sử Thời gian, xuất bản 1988) nhìn nhận
quan điểm này phần nào chịu ảnh hưởng của những năm tháng dài bị bệnh thần kinh
vận động.
Ông nói: "Tôi đã sống với viễn cảnh chết sớm
trong 49 năm qua. Tôi không sợ cái chết, nhưng tôi không vội vàng muốn chết.
''Tôi có quá nhiều chuyện muốn làm. Tôi xem não như một cái computer, sẽ ngừng
làm việc một khi các bộ phận của nó bị hỏng,'' ông
nói.
"Không có thiên đàng hoặc thế giới bên kia cho những máy tính bị hỏng
- đó là chuyện thần tiên cho những ai sợ bóng tối.''
'Góc cạnh tâm linh'
Ông đã từng làm nhiều người
tức giận khi nói rằng vũ trụ không phải do Thượng đế tạo ra.
Lần này cũng vậy, Stephen
Green, thuộc nhóm vận động Tiếng nói Thiên Chúa giáo, nói: "So
sánh cái chết cũng giống như tắt máy cho thấy ông chỉ có thể suy nghĩ mọi chuyện
thiên về vật chất.''
"Đó là quan điểm u tối của một người muốn hiểu một điều mà tâm linh của
ông không làm được. Người ta tin vào thế giới bên kia không phải vì họ sợ cái
chết.
"Niềm tin vào Thượng đế xóa tan nỗi sợ bóng tối - cái chết. Tôi không
hiểu tại sao Hawking thấy khó khăn để hiểu góc cạnh tâm linh."
'Ngẫu nhiên'
Giáo sư Hawking đã nổi tiếng
thế giới qua các nghiên cứu, bài viết và phim tài liệu.
Trong cuốn The Grand
Design (Thiết kế vĩ đại, xuất bản 2010), Giáo sư Hawking lập luận rằng Vụ nổ lớn
tất phải xảy ra là vì trọng lực, chứ không phải do một đấng nào đó can thiệp
như Sir Isaac Newton đã nói.
"Bởi vì có những định luật như trọng lực, vũ trụ có thể và tự sinh ra
không từ một cái gì hết," ông viết.
Giáo sư Hawking nói lần đầu
tiên thuyết của Newton sai khi nói rằng vũ trụ không thể hình thành từ một sự hỗn
loạn là sự khám phá năm 1992 một hành tinh bay quanh quỹ đạo của một vì sao
khác, thay vì Mặt Trời.
"Nó tạo nên những sự ngẫu nhiên trong môi trường thông thường giữa các
hành tinh mà chúng ta biết được – một Mặt Trời, khoảng cách may mắn giữa Mặt Trời
và Trái Đất và kích thước thái dương hệ – là những chứng cứ không đáng kể và
kém thuyết phục để nói rằng Trái Đất được thiết kế cẩn thận chỉ cho riêng con
người," ông viết.
Năm ngoái Giáo sư Stephen
Hawking thôi làm Giáo sư Lucasian, chức danh dành cho giáo sư toán học của Đại
học Cambridge, sau 30 năm đảm nhiệm vị trí trước đây của những nhà khoa học xuất
chúng như Isaac Newton và Paul Dirac.
ĐỐI THOẠI VỚI NGƯỜI VÔ THẦN
Stephen Hawking là nhà vật
lý nổi tiếng nhất hiện nay trên thế giới. Lại càng nổi tiếng hơn nữa vì cả thế
giới khâm phục khi nhìn thấy một con người bị giam mình trên chiếc xe lăn như
thế, mà lại có thể thực hiện những công trình khoa học thật đáng kính nể. Thời
gian vừa qua, ông có những tuyên bố gây xôn xao về niềm tin tôn giáo. Năm 2010,
ông xuất bản cuốn The Grand Design, trong đó trình bày quan điểm cho rằng không
cần phải có vị Thiên Chúa nào để tạo dựng vũ trụ này, và khoa học chứng minh rằng
tạo dựng là một tiến trình thuần túy tự nhiên. Chưa hết, mới đây trong cuộc phỏng
vấn dành cho tờ UK Guardian, ông lại phi bác ý tưởng của người Kitô hữu về “Trời”,
cho rằng đó chỉ là chuyện cổ tích và tưởng tượng dành cho những kẻ sợ chết! Báo
Tuổi Trẻ cuối tuần 22-05-2011 trích lại “danh ngôn” này.
Là nhà vật lý nổi tiếng,
chắc chắn những tuyên bố của ông gây tác động lớn trên nhiều người, nhất là giới
trẻ, trong thời đại tôn sùng khoa học kỹ thuật này. Ngay lập tức, N.T. Wright, một giám mục Anh
giáo, cũng là một chuyên viên Kinh Thánh, đã viết trên tờ Washington Post: “Thật
đáng buồn khi thấy Stephen Hawking, một trong những trí tuệ sáng chói trong
lãnh vực của ông, lại cố gắng phát biểu như một chuyên viên về những điều mà thực
ra ông cũng chẳng biết hơn bao nhiêu những Kitô hữu có mức hiểu biết trung bình.” Rồi N.T. Wright giải thích: “Trong
Thánh Kinh, trời không phải là nơi chốn để người ta đến sau khi chết. Trong
Thánh Kinh, trời là “cõi” của Thiên Chúa, còn đất là “cõi” của con người. Và
Thánh Kinh cho thấy rất rõ là hai “cõi” đó hòa vào nhau. Với người Do Thái ngày
xưa, đền thờ là nơi mà hai cõi đó hòa nhập. Còn với các Kitô hữu, nơi mà hai
cõi đó hòa nhập chính là Đức Giêsu, và điều rất lạ lùng là cả các Kitô hữu nữa,
vì chính họ cũng là đền thờ của Thánh Thần Thiên Chúa.” N.T. Wright còn nói
nhiều nữa nhưng chỉ bằng đó thôi cũng đủ thấy sự xa cách giữa quan niệm về trời
trong Thánh Kinh và trong cách hiểu rất vật chất của Stephen Hawking cũng như của
nhiều người. Đúng là Hawking đã tuyên bố trọng thể về Thiên Chúa và Trời mà chẳng
hiểu gì cả! Giỏi lắm thì cũng lại chỉ là trở về với quan điểm của Epicure chứ
có gì mới lạ đâu.
Cũng lại mới đây, nhà xuất
bản Sunday Visitor trình làng cuốn sách The Godless Delusion: A Catholic
Challenge to Modern Atheism. Hai tác giả, Patrick Madrid và
Kenneth Hensly, cho biết đã có nhiều tác phẩm phê
phán chủ nghĩa vô thần nhưng cuốn sách của họ có một cách tiếp cận khác. Họ
không chỉ dựa vào niềm tin Kitô giáo của mình mà phê phán, nhưng đứng từ bình diện thuần túy lý trí tự nhiên để chỉ ra những
mâu thuẫn nội tại và sự bất nhất trong những lập luận của chủ thuyết vô thần.
Theo hai tác giả này, nếu
chúng ta chỉ dựa vào mặc khải hay giáo huấn của Giáo Hội để phủ nhận thuyết vô
thần thì chưa đủ, vì những người vô thần có chấp nhận mặc khải hay Giáo Hội
đâu. Cần phải chỉ cho người ta thấy những phi lý và mâu thuẫn trong chính lập
luận của họ và như thế, gián tiếp chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ví dụ,
hầu hết những người vô thần đều cho rằng khoa học chứng minh Thiên Chúa không
hiện hữu, nếu chưa làm được bây giờ thì sẽ làm được trong tương lai. Cũng là niềm
tin đấy chứ, gọi là “niềm tin vô thần.” Thế nhưng chuyện đó làm sao xảy ra được
vì đối tượng của nghiên cứu khoa học là những thực tại vật chất trong vũ trụ
trong khi Thiên Chúa là một thực tại phi vật chất. Chính triết học chứ không phải
khoa học tự nhiên mới có thể lên tiếng về chuyện Thiên Chúa hiện hữu hay không.
Như thế, chủ trương dựa vào khoa học để chứng
minh về Thiên Chúa ở tự nó đã là một ảo tưởng.
Thế rồi, luân lý đạo đức là thành phần thiết yếu trong đời sống con người và
chính người vô thần cũng tôn trọng những lề luật đạo đức nếu muốn là người tốt.
Trong thực tế, luôn có thứ “đạo đức vô thần” và xem ra người ta lại còn muốn
nhân danh thứ đạo đức này để dạy dỗ kẻ có đạo! Thế nhưng những từ ngữ “tốt lành, thiện hảo” sẽ có nghĩa gì nếu
Thiên Chúa không hiện hữu và nếu không có lề luật luân lý mà Thiên Chúa ban tặng
để hướng dẫn hành vi đời sống con người.
Dựa trên cơ sở nào để ban hành cái gọi là lề luật đạo đức? Hay cái gọi là lề luật
đạo đức ấy chỉ là những quy định mà người cầm quyền đặt ra để bắt mọi người làm
theo, và như thế, cái gọi là “vô thần” thực ra chỉ là “tôn giáo trá hình”, thứ
tôn giáo nô lệ hóa và tha hóa con người ở mức độ tồi tệ nhất vì đánh mất nhân
tính đích thực của con người.
Như vậy là người Kitô hữu
đã lên tiếng. Họ không im lặng nhưng “sẵn
sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hi vọng đang có trong anh em”
(1Pr 3,15). Câu trả lời này xuất hiện ở hai mức độ. Mức độ thứ nhất là trình bày nội dung đích thực của niềm tin Kitô giáo như N.T. Wright đã làm với Stephen Hawking. Mức độ thứ hai là phê phán chính nội dung của lập luận vô thần. Ở mức độ này, hình như người ta quen với việc chủ thuyết vô thần tấn công
tôn giáo, chứ không thấy tôn giáo “tấn công” chủ nghĩa vô thần. Không phải tấn
công theo nghĩa bạo lực nhưng là đối thoại thẳng thắn nhằm kiếm tìm chân lý.
Để thực hiện được điều
này, nhất thiết phải có những Kitô hữu có sự hiểu biết chuyên sâu về triết học,
thần học và cả khoa học. Đồng thời, phải quan tâm nhiều hơn đến việc dạy giáo
lý cho giáo dân. Mới đây Đức Tổng giám mục Dublin than phiền rằng đại đa số trường
học tại Ireland là trường công giáo nhưng sự hiểu biết giáo
lý của học sinh lại rất kém. Trong cuốn Ánh sáng cho
trần gian, Đức Bênêđictô XVI cũng nhắc đến tình hình tương tự tại nước Đức, quê
hương của ngài. Còn tại Việt Nam, trong một cuộc tọa đàm mới đây, một tu sĩ làm
việc trong ngành giáo dục ghi nhận rằng: thảm họa của nền giáo dục ở Việt Nam
phát xuất từ hàng ngũ giáo viên, những giáo viên không được đào tạo đúng mức và
toàn diện nên dẫn đến những thế hệ học sinh cũng khập khiễng! Và tu sĩ đó cảnh
báo: nếu Giáo Hội không lo đào tạo giáo lý viên cách nghiêm túc và toàn diện thì
không chừng tương lai của Giáo Hội cũng thế. Chúng ta có rất nhiều giáo lý viên
nhiệt tình nhưng nhiệt tình mà thôi chưa đủ, còn phải có đủ kiến thức
giáo lý và đời sống nội tâm phong phú mới mong truyền đạt
giáo lý cách tốt đẹp cho những thế hệ trẻ.
Âu cũng là điều mà mọi tín
hữu công giáo Việt Nam, cách riêng các mục tử, phải suy nghĩ cho thấu đáo và có
những hành động cụ thể để đáp ứng.
HTT (WHĐ)
PHÊ PHÁN NỘI DUNG LẬP LUẬN VÔ THẦN
Người vô thần cho rằng mọi
việc đang diễn ra đều là sản phẩm của ngẫu
nhiên của các yếu tố vật chất. Chủ trương như thế là đánh
đồng hành vi ăn cắp với việc xả thân cứu nguy cho người khác.
Hậu quả đáng sợ nhất của
lý thuyết này là cho phép người ta giải thích việc mình làm bằng một sự tác động
phức tạp xuất kỳ bất ý của nhiều yếu tố khác nhau lên trí não của người ấy; coi
tình yêu cao đẹp cũng chỉ là chuyện của các loại hóa chất trong trí não mà
thôi.
Người duy vật vô thần gọi
thiên đàng là chuyện thần tiên (mê tín) vì không muốn chấp nhận một thực tại
nào mà trí óc anh ta không giải thích được. Nhưng ngược lại, cũng có những người
cuồng tín quy về "siêu nhiên" hết những gì trí óc tầm thường (dốt
chuyện khoa học) của anh ta không hiểu được.
Lý trí chẳng thể phán
quyết điều gì thuộc về niềm tin, mặt khác, niềm tin cũng chẳng thể ép buộc lý
trí chấp nhận một điều phi lý và phản khoa học.
Thiên đàng là một thực tại
của niềm tin, không phi lý nhưng không thể chứng minh được bằng lý trí. Cũng
như một đời sống cao thượng là một thực tại của tình yêu, không phi lý nhưng
không thể chứng minh được bằng lý trí.
Tình yêu có còn là tình
yêu không nếu tình yêu cũng được ”số hóa” để chỉ còn là kết quả của những phản ứng hóa học, không còn là sự tự do trao ban không
thể lý giải được? Con người có còn là con người không nếu tấm lòng cao thượng được đánh
giá dựa trên bản ”kiểm tra sức khỏe tâm thần” với ...% hóa chất A, ... % hóa chất B?