LO LẮNG: LỢI HAY HẠI?
Triết gia Platon sống cách chúng ta 23 thế kỷ có nói: “Các y sĩ có một lỗi lầm lớn nhất, là họ rán trị thân thể, không nghĩ tới trị tinh thần, mà thân thể và tinh thần là một, không thể trị riêng được”.
Phải đợi 23 thế kỷ sau, y khoa mới chịu xác nhận sự quan trọng ấy. Chúng ta đang phát triển phương pháp trị liệu mới mẻ là phương pháp trị cà cơ thể lẫn thần kinh; công việc đó lúc này cần thiết. Y học đã trị được biết bao bệnh do vi trùng, siêu vi khuẩn, như bệnh đậu mùa, dịch tả, bệnh sốt rét v.v… đã giết hại từng triệu con người, nhưng y học vẫn chưa trị được bệnh tinh thần không do vi trùng mà do những cảm xúc như lo lắng, sợ sệt, oán ghét, thất vọng, những bệnh mỗi ngày một tăng với tốc độ ghê gớm.
Bác sĩ Edward Podalsky có bàn về lo lắng như sau:
- Lo lắng có hại cho tim ra sao.
- Máu căng (áp huyết cao) là do lo lắng mà phát sinh.
- Chứng phong thấp có thể do lo lắng mà phát sinh.
- Lo lắng quá có thể sinh ra chứng trúng hàn.
- Những lo lắng có thể ảnh hưởng tới hạch giáp trạng tuyến ra sao.
- Chứng tiểu đường của những người lo lắng quá.
Một cuốn sách trứ danh khác, nghiên cứu về lo lắng, là cuốn “Loài người tự hại mình” của bác sĩ Karl Menniget trị bệnh thần kinh, ở dưỡng đường Mayo. Cuốn đó cho ta biết nếu ta để những cảm xúc phá hoại xâm chiếm đời ta thì ta sẽ làm hại thân ta tới mức nào!
Montaigne, triết gia và văn sĩ trứ danh nước Pháp, lúc được bầu làm thị trưởng thỉnh Bordeaux đã nói với dân chúng: “Tôi sẽ tận tâm lo công việc cho tỉnh nhà, nhưng tôi cũng phải giữ gìn phổi và gan của tôi nữa”.