GIÁO DỤC

Kỳ vọng hay “đeo ách” cho con ?

Giáo dục con cái: Các bậc cha mẹ luôn muốn con mình tốt và tốt hơn. Có những “kỳ vọng” nơi cha mẹ giúp con trẻ phát huy sở trường để thành công trong cuộc đời, song cũng không thiếu những “kỳ vọng” vượt quá sức của trẻ khiến điều mong ước tốt đẹp của cha mẹ, vô tình thành gánh nặng cho con…
Nỗi niềm của trẻ
Buổi chiều tan tầm như thường lệ, anh Tân ghé trường đón con. Anh đứng chờ cho đến khi đứa học trò cuối cùng ra khỏi cổng mà vẫn chưa thấy con bé đâu. Thấy anh thập thò nhìn vào sân trường, người bảo vệ hỏi: “Anh có phải bố của cháu My lớp 4E đấy không ?’. Anh gật đầu, thắc thỏm lo lắng. Linh tính mách bảo anh có lẽ có chuyện gì không ổn đối với con anh đây. Người bảo vệ đưa cho anh một bức thư. Anh hồi hộp mở ra, đúng là nét chữ non nớt của con bé. Trong thư, My viết: “…Người ta bị 5- 6 điểm thì không sao, còn con mỗi lần bị điểm 7 là ba lại sừng sộ với con. Con có phải là “ thần thánh” đâu mà  lúc nào cũng được 9, 10 điểm? .. Con đi đây...” Đến tối mịt vẫn chưa thấy con bé về nhà, vợ chồng anh Tân lo lắng đi tìm con khắp nơi, gọi điện cho cả bà con, họ hàng, mãi mới phát hiện ra con bé đang ở nhà dì nó, cách xa nhà hàng chục cây số. Thì ra vừa tan học, chán về nhà vì mới bị ba la về chuyện “bị điểm 7”, My thuê một cuốc xe ôm về nhà dì ở ngoại thành…
Đó là chuyện của bé My, học sinh tiểu học. Còn Hạnh 16 tuổi, học sinh lớp 10 thì có lần căng thẳng quá, đã tìm đến chuyên viên tư vấn tâm lý “Em bị áp lực về học tập vì yêu cầu của cha mẹ là phải học cho thiệt giỏi để bằng bạn bè…”Hạnh kể, áp lực ấy cũng  khiến cho rất nhiều bạn cùng trang lứa của Hạnh tỏ ra rất sợ hãi và thường nghĩ bậy khi bị điểm xấu hay có vấn đề gì đó ở trường. Huyền, một bạn gái cùng tuổi với Hạnh cũng thổ lộ: “Tuổi mới lớn, chúng em muốn sống thật với chính mình nhưng cũng băn khoăn không  biết nói thế nào để ba mẹ hiểu”. Chính vì thế, có lúc em cũng rất bứt rứt và căng thẳng…”
Hồng, vừa tốt nghiệp THPT, trước kỳ thi tuyển sinh đại học đã cảm thấy rất “áp lực” khi cha cứ bắt mình phải  thi vào trường Y Dược, trong khi Hồng lại thích ngành Sư phạm. Hồng bảo: “ Thật tình, em không khá các môn Hóa, Sinh nên sợ thi Khối B không đạt. Nhưng ba em nói “cứ luyện thì là được”. Vì thế, em cảm thấy rất căng thẳng, ngay cả khi ba mẹ cho tiền đi luyện thi…” Phương, 20 tuổi từng thi rớt đại học và tự ý chuyển hướng sang học trường nghề mà không được sự đồng ý của ba mẹ. Phương cũng nằm trong số những bạn trẻ đang có nỗi niềm buồn chán. Cậu thổ lộ: “ Em đang rất buồn vì chuyện học của em không được ba mẹ  tán thành, ba mẹ muốn em học “ngon lành” hơn nhưng chính vì sự kỳ vọng quá nhiều của gia đình đã làm em cảm thấy hụt hẫng và chán nản…”
Hướng dung hòa nào cho hai thế hệ ?
Không ít học trò ở lứa tuổi teen đang rơi vào trạng thái “trầm cảm” do bị áp lực từ việc học, trong đó có cả nguyên nhân “áp lực từ cha mẹ muốn con học thật giỏi” Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, người gần gũi với lứa tuổi mới lớn cũng thừa nhận: “Học thiệt giỏi thì ai cũng thích nhưng tạo một áp lực quá lớn thì có hại cho sức khỏe, thận chí có thể dẫn đến bệnh tâm thần…” Các chuyên gia tư vấn tâm lý cũng cho rằng, bản chất của sự kỳ vọng nơi cha mẹ vào con cái không có gì xấu và tâm lý chung là cha mẹ nào cũng mong con mình tốt và hãnh diện vì sự giỏi giang của con cái, nhưng sự kỳ vọng sẽ trở thành gánh nặng, áp lực cho con  khi nó không phù hợp với sở thích, năng khiếu của con. Thực tế, có rất nhiều người không thành công trong trường học nhưng lại rất thành công trên trường đời. Sức ép của cha mẹ đôi khi khiến con trẻ phản ứng ngược lại bằng cách học kém đi một cách vô thức. Một khi quá kỳ vọng ở con trẻ, cha mẹ có thể quên mất khả năng thực sự của trẻ, liệu có phải vô tình “ đeo ách” cho con ? Và khi không vượt qua được áp lực, các trẻ dễ này sinh  tư tưởng muốn “chết cho sướng”. Nạn tự tử trong giới học trò, sinh viên vì áp lực quá căng thẳng trong học tập để đáp ứng sự kỳ vọng của cha mẹ, thực tế cũng đã xảy ra đó đây…
Nói với các bạn trẻ tuổi mới lớn để sống thật với chính mình mà không bị “áp lực” từ cha mẹ, tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy chia sẻ: “Sống thật bao giờ cũng làm mình thanh thản nhưng phải có phương pháp và niềm tin. Hãy nói với ba mẹ một cách tự nhiên về ước muốn, mong đợi của mình…Nói với ba mẹ nhưng đừng gây căng thẳng, đừng cố gắng đối đầu…”Tiễn sĩ Đinh Phương Duy cũng khuyên các “teen” hãy chứng minh khả năng của mình bằng cách học tốt, thực hiện chu đáo các yêu cầu của gia đình để khẳng định niềm tin nơi ba mẹ. Về phía các bậc phụ huynh, tiển sĩ Đinh Phương Duy cho rằng, cha mẹ nên gần gũi để cho con được giãi bày tâm sự. Để con trẻ không cảm thấy mình bị “áp lực” vì sự kỳ vọng của người lớn, cha mẹ nên nhìn vào khả năng thật của con  để giúp con phát triển các sở trường, năng khiếu, cho trẻ khẳng định được vị trí của mình với bạn bè và với cộng đồng.
Tác giả bài viết: Liên Giang