Lời Chúa Lễ vọng Phục Sinh _ đó là niềm tin của chúng ta

ĐÓ LÀ NIỀM TIN CỦA CHÚNG TA
“Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta.” (Rm 6,8)
Lm. HK
Tại Chile, vào thập niên 1920, có Elena Frings là một thiếu nữ còn trẻ mà đã mắc bệnh tim. Các bác sĩ cho biết cô chỉ sống được chừng sáu tháng nữa. Cô quyết định nghỉ sở làm ở Santiago để tham gia một tổ chức thiện nguyện giúp đỡ những người trong khu ổ chuột của thành phố. Cô tâm sự với một người bạn: “Tôi làm như thế để chết hạnh phúc.”
Bởi việc làm đắc lực và có hiệu quả, cô được mời đến New York để thuyết trình. Tại đó, cô may mắn gặp một bác sĩ giỏi. Ông giải phẫu và chữa cô khỏi bệnh tim.
Sau khi khỏi bệnh, cô không quay lại sở làm cũ mà tiếp tục tích cực tham gia công việc từ thiện giúp đỡ những người khốn khổ đang sống bên lề xã hội. Chính cảm nghiệm về cái chết gần kề đã mang lại cho cô một định hướng đầy ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Cái chết dạy cô sống. (Christopher Notes)
Thiên Chúa đã dựng nên con người để được hạnh phúc! Thánh Kinh xác minh điều đó: Sau khi dựng nên con người theo hình ảnh mình, “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.… Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!’” (St 1,28. 31)
Thế nhưng sự dữ và cái chết xuất hiện như một câu hỏi lớn bao trùm lên niềm tin vào Thiên Chúa là Cha nhân lành. Thiên Chúa ở đâu khi người ta phải khốn cực, phải đối diện với cái chết?
Thật là kỳ diệu khi Chúa, bằng chính sự khốn cực, bằng chính cái chết, đã nói cho người ta biết định mệnh cao quý của họ. Cái chết được gửi đến như ông thầy muôn thuở cho sự sống. Nó đặt ra nhiều câu hỏi và đòi người ta phải trả lời về ý nghĩa cuộc sống, về mục đích sau hết, và những chọn lựa cốt yếu cho đời làm người.
Và trong thời sau hết, sự chết và sống lại của Đức Kitô là câu trả lời. Đó là niềm hy vọng vững vàng làm nền tảng cho mọi chọn lựa hiện sinh của những ai tin vào Đức Kitô: “Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.” (1Cr 9,24-27)
Niềm tin vào Đức Kitô không phải là đấm vào không khí, mà giúp nhân loại nhận ra con người thật của mình, yếu đuối nhưng cũng rất cao cả, tầm thường mà in dấu thần linh, để đối diện với mọi tình huống trong cuộc sống với sự tự do vượt-qua-Biển-Đỏ-ráo-chân của người con được Chúa yêu: “Tôi xin hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng: Kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương. Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc, Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng.” (Xh 15,1-2)
Vậy đó, bởi hiến tế Isaac mà Abraham trở nên cha của nhiều dân tộc, bởi bước đường cùng tại Biển Đỏ mà Israel nghiệm ra tình yêu của Chúa, và một nhân loại mới được bắt đầu nơi khổ hình thập giá để những ai cùng chết với Đức Kitô được chia sẻ sống sự sống thần linh với Người: “Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu.” (Rm 6,11)
Những biến đổi kỳ diệu của niềm tin đạt đến tột đỉnh trong mầu nhiệm Đức Kitô phục sinh. Bằng cuộc khổ nạn và phục sinh Đức Kitô mang lại cho nhân loại một sự sống không thế lực nào tiêu diệt được, một giá trị không phúc lợi trần gian nào có thể so sánh được.
Sự biến đổi diệu kỳ đó được thiên thần Chúa nói với các phụ nữ đi viếng mộ từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói.”
ĐGH Gioan 23, nhân tĩnh tâm dịp Tuần Thánh năm 1903, đã viết trong nhật ký: “Thánh giá sẽ là quyển sách to hằng ngày con sẽ ân cần yêu mến tìm những bài học cao siêu của Chúa. Sẽ phải quen suy luận các biến cố và mọi khoa học loài người theo nguyên tắc của quyển sách này. Dễ bị lầm vì vẻ hào nhoáng bên ngoài để rồi quên nguồn sự thực.
Nhìn thánh giá, tôi thấy các thứ sự khó đều tiêu tan, những vấn đề thời đại, văn hoá, lý thuyết, thực hành tất cả đều được giải quyết. Vì “Chúa Kitô chính là câu đáp giải quyết mọi khó khăn.”
Tôi cũng hãy giải quyết mọi khó khăn bằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta.” (Rm 6,8)