HỌC LÀM NGƯỜI _ quan tâm đến người khác

BIẾT QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC

Alfred Adler, triết gia trứ danh, viết một cuốn sách rất hay, là “Chân nghĩa cuộc đời”. Trong đó ông nói: “Kẻ nào không quan tâm đến người khác, chẳng những sẽ gặp nhiều khó khăn nhất trong đời, mà còn là người có hại nhất cho xã hội. Hết thảy những kẻ thất bại đều thuộc hạng người đó”.
Howard Thurston, ông vua ảo thuật, trong bốn mươi năm trời, đem tài bịt mắt thiên hạ cho cả thế giới ngạc nhiên và thán phục. Hồi nhỏ ông đã phải xa cha mẹ đi lang thang, ăn xin nhà này tới nhà khác và nhờ ngó những quảng cáo hai bên đường xe lửa mà biết đọc. Về nghề ảo thuật, thiếu gì người biết nhiều hơn ông, nhưng ông đã có hai đức tính mà người khác không có.
Thứ nhất: ông thấu rõ tâm trí loài người và khi lên sân khấu, ông có sức quyến rũ, gây hứng. Mỗi cử chỉ của ông, mỗi lần ông chuyển giọng nói, mỗi nét cau mày, là cả một công trình luyện tập. Mà hết thảy những công trình đó chỉ có một mục đích duy nhất làm cho khán giả say mê và thì giờ chóng qua.
Thứ nhì: ông thành thật chú ý tới khán giả. Những nhà ảo thuật khác trên sân khấu, ngó trừng trừng như có vẻ nói: “Tụi này toàn đồ mắt thịt. Ta sẽ bịt chúng dễ như chơi”. Còn phương pháp của Thurston khác hẳn. Mỗi lần sắp ra sân khấu, ông tự nói: “Ta mang ơn những người tới đây coi ta diễn trò, nhờ họ ta sống được phong lưu. Vậy ta phải hết sức trổ tài cho họ vừa lòng”. Rồi ông vừa nhủ “Tôi yêu khán giả tôi, tôi yêu khán giả tôi” vừa tiến ra sân khấu. Có thể chúng ta cho là lố bịch, là vô lý ư? Cái đó là quyền của mỗi người chúng ta. Nhưng chính đó là nguyên nhân thành công của một trong những nhà ảo thuật danh tiếng nhất từ xưa tới nay.
Tổng thống Theodore Roosevelt thu được nhân tâm một cách lạ lùng cũng nhờ bí quyết luôn biết cách để ý tới người khác. Cho tới người ở của ông cũng sùng bái ông hết lòng.
Người da đen làm bồi phòng cho ông viết một cuốn sách nói về đời tư của ông. Người này thuật lại: “Một bữa ông tới bạch cung đúng lúc tổng thống Taft và phu nhân đi vắng, ông kêu lên từng người đầy tớ cũ và nồng nàn hỏi thăm họ. Cả đến chị phụ bếp cũng được hân hạnh đó. khi gặp chị phụ bếp Alice, ông hỏi chị còn làm bánh mì bằng bột sắn không. Chi ta đáp còn làm, nhưng chỉ có đầy tớ ăn, còn trên bàn chủ, không ai dùng tới. Ông cười lớn: “Tại các ngài không sành ăn. Khi nào gặp ngài tổng thống, thì tôi sẽ chê ngài chỗ đó”.
Chi Alice dâng ông một miếng bánh mì bột bắp. Ông vừa đi về phòng giấy vừa ăn. Gặp người làm vườn nào, người phu nào, ông cũng kêu tên mà chào, như hồi ông còn làm tổng thống. Một người làm công già rưng rưng nước mắt nói rằng ngày hôm đó là ngày sung sướng nhất của đời ông ta.
Để kết luận, chúng ta cũng nên nhắc lại một lần nữa câu nói giá trị của Alfred Adler: “Kẻ nào không quan tâm đến người khác, chẳng những sẽ gặp nhiều khó khăn nhất trong đời, mà còn là người có hại nhất cho xã hội. Hết thảy những kẻ thất bại đều thuộc hạng người đó”.
Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Nguyễn Minh Công