Lịch sử ngày lễ các đẳng linh hồn

LCH S NGÀY L CÁC ĐNG LINH HN


Ngay từ thời tiên khởi, Giáo Hội đã khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác ái.  Thánh Augustine viết, "Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ."  Tuy nhiên, các nghi thức cầu cho người chết có tính cách dị đoan thời tiền-Kitô Giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi mãi cho đến đầu thời Trung Cổ, nhờ các dòng ẩn tu có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm thì một nghi thức phụng vụ cầu cho người chết mới được thiết lập.

Vào giữa thế kỷ 11, Thánh Odilo, Tu Viện Trưởng dòng Cluny, ra lệnh rằng mọi tu viện dòng Cluny phải cầu nguyện đặc biệt và hát kinh Nhật Tụng cầu cho người chết vào ngày 2 tháng Mười Một, ngay sau lễ Các Thánh.  Truyền thống này được lan rộng và sau cùng được Giáo Hội chấp nhận đưa vào niên lịch Công Giáo La Mã.

Ý nghĩa thần học làm nền tảng cho ngày lễ này là sự thừa nhận bản tính yếu đuối của con người.  Vì ít có ai đạt được một đời sống trọn hảo, mà hầu hết đã chết đi với vết tích tội lỗi, do đó cần có thời gian thanh tẩy trước khi linh hồn ấy được đối diện với Thiên Chúa.  Công Ðồng Triđentinô xác nhận có luyện tội và nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết.

Sự dị đoan vẫn còn dính dấp đến ngày lễ này.  Thời trung cổ người ta tin rằng các linh hồn trong luyện tội có thể xuất hiện vào ngày lễ này dưới hình thức các phù thủy, các con cóc hay ma trơi.  Và họ đem thức ăn ra ngoài mộ để yên ủi người chết.

Tuy nhiên việc cử hành lễ với tính cách tôn giáo vẫn trổi vượt.  Người ta tổ chức đọc kinh cầu nguyện ở nghĩa trang hay đi thăm mộ người thân yêu đã qua đời và quét dọn, trang hoàng với nến và hoa.

                              ****************************************
Có nên cầu nguyện cho người chết hay không là một tranh luận lớn khiến chia cắt Kitô Giáo.  Vì sự lạm dụng ơn xá trong Giáo Hội thời ấy nên Luther đã tẩy chay quan niệm luyện tội.  Tuy nhiên, đối với chúng ta, cầu cho người thân yêu là một phương cách cắt bỏ sự chia lìa với người chết.  Qua lời cầu nguyện, chúng ta cùng đứng với những người thân yêu, dù còn sống hay đã ra đi trước chúng ta, để dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa.
                              ****************************************
"Chúng ta không thể coi luyện tội là một nhà tù đầy lửa cận kề với hỏa ngục - hoặc ngay cả 'một thời gian ngắn của hỏa ngục.'  Thật phạm thượng khi nghĩ rằng đó là một nơi chốn mà Thiên Chúa bủn xỉn đang bòn rút từng chút thân xác...  Thánh Catherine ở Genoa, vị huyền nhiệm của thế kỷ 15, viết rằng 'lửa' luyện tội là tình yêu Thiên Chúa 'nung nấu' trong linh hồn đến nỗi, sau cùng, toàn thể linh hồn ấy bừng cháy lên.  Ðó là sự đau khổ của lòng khao khát muốn được xứng đáng với Ðấng được coi là đáng yêu quý vô cùng, họ đau khổ vì sự mơ ước được kết hợp đã cầm chắc trong tay, nhưng lại chưa được hưởng thật trọn vẹn" (Leonard Foley, O.F.M., Tin Chúa Giêsu).

Lm Nguyễn Phước, OFM (from vietcatholic.net)

****************************************
Lạy Chúa Giêsu,
nếu người ta cứ phải sống mãi trên cõi đời này
thì thật là phiền toái.
Nhưng cái chết vẫn làm chúng con đau đớn
vì phải chia tay với những người thân yêu,
vì bao mộng mơ, dự tính còn dang dở.
Xin cho chúng con đừng nhìn cái chết
như một định mệnh nghiệt ngã và phi lý,
nhưng như một hành trình trở về nguồn cội yêu thương.
            Lạy Chúa Giêsu, trước cái chết thập giá,
            Chúa đã run sợ, nhưng không tháo lui,
            và Chúa đã chết trong niềm vâng phục tín thác,
            để trở nên người đầu tiên bước vào cõi sống Vĩnh Hằng.
Xin cho chúng con nghe được lời dạy dỗ của cái chết.
Cái chết cho thấy cuộc sống mong manh, ngắn ngủi,
chính vì thế từng giây phút trôi qua thật quý báu.
Cái chết bất ngờ mời gọi chúng con luôn tỉnh thức.
Cái chết nhắc nhở chúng con là khách lữ hành
đang trên đường về quê hương vĩnh cửu.
Sống một đời và chết một lần.
Lạy Chúa, đó là thân phận làm người của chúng con.
Xin dạy chúng con biết cách chết nhờ biết cách sống.
Amen!  (theo Maranatha 89)