Học làm người _ cái lưỡi

CÁI LƯỠI

Chuyện kể về chàng nô lệ Esôpô với ông chủ như sau:
Khi giết heo, ông chủ dặn Esôpô, đưa cho ông cái gì quý nhất trong con heo, thì Esôpô đưa cái lưỡi.

Lần sau khi giết heo, ông chủ lại bảo đưa cái gì xấu nhất, Esôpô lại cũng đưa cái lưỡi. 
Như thế, lưỡi là cái tốt nhất, đồng thời cũng là xấu nhất.   
Lưỡi tuy bé nhỏ, nó đã nói lên nhiều điều vĩ đại, mà chính nó cũng làm hoen ố cả con người chúng ta.” (Giacôbê 3,1-10)
Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta mỗi người một cái miệng thật xinh xắn. Trong cái miệng ấy, Chúa đặt để một cái lưỡi thật Lợi - Hại. Đó là một món quà vô giá mà Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho ta.
Tại sao ta lại cho là cái lưỡi vừa lợi, vừa hại? Nếu ta bình tâm suy nghĩ về những điều bất hòa xảy ra giữa người với người, một phần lớn là do cái lưỡi. Nếu chúng ta làm chủ được lời nói, thì sẽ giảm bớt được bao bất hòa, cuộc sống sẽ trôi chảy êm đềm biết bao! Có lẽ ít nhiều gì thì trong mỗi chúng ta, ai cũng có biết bao kinh nghiệm về cái lưỡi rồi nhỉ?
Chúng ta thử liệt kê một số ưu và khuyết của cái lưỡi:
Cái lưỡi giúp ta ca ngợi kỳ công, quyền năng và tình thương vĩ đại của Thiên Chúa đã và vẫn hằng ban cho ta.
Nhờ cái lưỡi ta có được những người bạn tâm giao chia sẻ vui buồn.
Nhờ cái lưỡi ta có thể làm cho ai đó cảm thấy thật sự hạnh phúc và muốn vươn lên mãi.
Nhờ cái lưỡi ta có thể thưởng thức nếm hưởng những cao lương mỹ vị.
Nhờ cái lưỡi ta có thể an ủi xoa dịu được nỗi đau của ai đó.
Nhờ cái lưỡi ta có thể là một con người đáng yêu và dễ thương.
Và còn biết bao lợi ích khác nữa …………………. Làm cho cuộc đời đầy ý vị.
Nhưng trái lại, cũng cái lưỡi ấy, nó có thể gây nên bao đau thương đổ vỡ. Cái lưỡi có thể khiến cho người khác chết dần chết mòn, phải mất danh dự, phải tự ti mặc cảm, mất hết cả ý chí. Chỉ vì một lời nói có thể giết chết một con người, có thể phá đổ một tương lai tươi sáng của người và của chính mình. Rất nhiều trường hợp, con người không cần dùng dao, súng đạn để hại nhau, mà chỉ cần dùng cái lưỡi.
Cuộc đời mình cũng trải qua muôn vàn thăng trầm và mình cũng rút được vô số kinh nghiệm thông qua cái lưỡi.
Có những kinh nghiệm vô cùng thú vị. Nhưng cũng chẳng thiếu những kinh nghiệm vô vàn cay đắng.
Bạn ơi! Thiên Chúa ban cho ta cái lưỡi. Chắn chắn Ngài muốn nó thực sự làm được điều hữu ích. Ta hãy dùng cái lưỡi cho đúng ý nghĩa kẻo ta sẽ phải trả lẽ vì cái lưỡi của mình.
Các bạn đã bao giờ tiếp xúc với những bạn nhỏ khiếm thính chưa nhỉ? Để nói được một từ , một câu các bạn ấy đã phải vô cùng vất vả. Qua họ mình cảm nhận được Tình yêu vô biên mà Thiên Chúa đã dành cho mình. Ngài tặng ban nhưng không cho mình một cái lưỡi với khả năng nói năng bình thường. Đó là một ân huệ vô cùng quý giá.
Mình bỗng giật mình tự hỏi: Mình đã dùng cái lưỡi xứng đáng với Tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho mình chưa nhỉ?
(Maranatha Nr. 52)
--------------------------------------------------------------------------------
Nói đến cái lưỡi, hay là miệng lưỡi, thật khâm phục. Vì nhờ miệng lưỡi, người ta gần nhau hơn, hiểu, thông cảm và hiệp nhất với nhau hơn, tạo được bình an hạnh phúc, khích lệ người khác.
Nói đến cái lưỡi, hay là miệng lưỡi, thật sợ hãi. Vì bởi miệng lưỡi, tạo ra hiểu lầm, xung khắc, ẩu đả, chia rẽ, đau khổ. Có thể nói miệng lưỡi là cơ phận tạo ra nhiều rắc rối nhất trong cuộc sống đời thường.
Vì thế, hãy cẩn thận với điều mình nghe. Phải cân nhắc kỹ lưỡng, suy xét đúng sai.
Khi nghe người khác nói về Giáo hội, Giáo phận, Giáo xứ; nói về hội đoàn đoàn, tập thể xóm làng, gia đình; nói về linh mục, tu sĩ, giám mục, nếu là điều tốt, hãy tạ ơn Chúa. Còn nếu là điều xấu, tiêu cực, thì ta đừng đổ dầu vào lửa, đừng châm ngòi để người khác bàn tán, cũng đừng cho mình là quan tòa để kết án, chỉ trích hay khiển trách. Vì, dù chính ta mắt thấy tai nghe cũng có thể sai hoàn toàn, nói chi chỉ nghe qua lời người khác. Nếu ta có lòng yêu mến Chúa và Giáo hội, thì hãy cầu nguyện thật nhiều cho họ, rồi chân thành góp ý để họ sửa sai, vậy mới xứng đáng là anh em tốt của nhau.
Khi cần phải nói, cũng thế, phải hết sức cân nhắc kỹ lưỡng. 5 câu hỏi giúp ta trưởng thành nhân cách và tạo được bình an, gắn bó, tạo được sức mạnh tập thể:
Trước khi nói, hãy tự hỏi xem: Tôi có được phép nói không?
Nếu được phép, hãy tự hỏi: Tôi có nên nói không?
Nếu nên nói, hãy tự hỏi: Tôi nói điều ấy có hoàn toàn đúng sự thật không?
Nếu đúng sự thật, hãy tự hỏi: Điều sắp nói có liên quan gì đến tôi không?
Nếu liên quan, hãy tự hỏi: điều tôi nói có thực sự tốt cho người nghe, cho mọi người không?
Nếu mỗi người luôn suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi nói thì sẽ ít sai, ít tạo rối ren trong cuộc sống.
--------------------------------------------------------------------------------

[THANH THANH