AI NHÌN LÊN CHÚA
SẼ VUI TƯƠI HỚN HỞ
Khi
một ai sẵn lòng chết vì yêu thì không một thử thách, gian nan nào còn tồn tại.
Trong một buổi thảo luận, có người hỏi tiến sĩ Parker: “Thiên Chúa đã làm gì khi Stêphanô bị ném đá
chết?”
Tiến sĩ Parker bối rối giây lát, ông thầm thì cầu nguyện,
và với ơn soi sáng của Thánh Linh ông đã nói: “Tôi tin rằng Chúa Toàn năng đã làm cho Stêphanô nói điều vượt quá sức
con người, Ngài không hề sai một thiên thần nào đến giải thoát ông trong giây
phút đau đớn, nhưng đã ban cho ông có thể nói được câu này: ‘Lạy Chúa, xin đừng
chấp tội họ.”
Đức Kitô đã chiến thắng sự chết, và đã trở nên Đấng Cứu độ
của mọi người vì bất cứ ai tin vào Đức Kitô cũng sẽ chiến thắng cái chết.
Chiến thắng ở đây không có nghĩa là họ không còn phải chết
nữa, nhưng sự chết chẳng những không còn đe doạ được
họ, mà lại trở
nên ngôi sao mai báo trước một ngày tươi sáng, trở thành một bông hoa thắm nở
tình yêu làm cho một chút bụi tro của kiếp người rực sáng lên vẻ đẹp thiên
cung.
Đúng thế, hạnh phúc Nước Trời là gì nếu không phải là sự
nở rộ của hoa yêu thương? Ngay từ đời này, ai cũng có thể tìm thấy một người
cha vui vẻ chịu đựng mọi thua thiệt, miễn là thấy con mình được sống hạnh phúc;
ngược lại, không gì làm khổ tâm một lòng mẹ hơn khi biết con mình đang đau nặng
mà lại không thể ở bên để chăm sóc.
Người ta có thể thấy rõ điều ấy khi nhớ đến những gì
Đavít đã dành cho Ápsalôm, người con nổi loạn chống lại ông, khi nghe tin con
chết trận: “vua Đavít run rẩy, đi lên lầu
trên cửa thành và khóc. Vua vừa đi vừa nói: ‘Ápsalôm con ơi, con ơi, Ápsalôm
con ơi! Phải chi cha chết thay con! Ápsalôm con ơi, con ơi!” (2Sm 19,1).
Nếu Ápsalôm thấy được tình yêu mà vua cha đã dành cho anh
thì dù có phải chết ngàn lần anh vẫn thấy chưa đủ để đáp lại tình cha.
Muôn ngàn lần cao đẹp hơn tình yêu Đavít dành cho con là
tình yêu Chúa dành cho ta, những người con phản bội: Dù là Thiên Chúa, Chúa
không hề vui chút nào khi thấy một tội nhân bị phạt như nó đáng phải chịu, con
đường Chúa chọn là chịu chết thay cho tội nhân: “Đức Giêsu đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ”
(Dt 2,9).
Dù có phải chết, nhưng là chết vì yêu nên
giữa mọi gian truân, khốn cực, trái tim Đức Kitô vẫn sáng lên niềm vui và sự
bình an: Ngài đã thốt lên lời kêu cứu nói giữa nỗi đau khổ cùng cực nhưng liền
sau đó là lời hát đến từ niềm tin: “Phần
con đây, thật khốn cùng đau khổ, lạy Chúa Trời, xin cứu vớt đỡ nâng. Tôi sẽ hát
bài ca chúc mừng Danh Thánh, sẽ dâng lời cảm tạ tán dương Người” (Tv
69,30-31).
Không có gì đẹp và mạnh hơn cái chết vì tình yêu!
Thánh giá của Đức Kitô toát lên vẻ
đẹp và sức mạnh có sức thu hút mọi người của Đấng đã chết vì yêu, như một
lời thánh ca: “Không có tình yêu nào trọng
đại cho bằng chết vì yêu. Nhìn Chúa đẫm máu trên đồi cao, từng đoàn người anh
dũng tiến lên pháp trường.”
Các thánh tử đạo có được sự bình an đến từ niềm tin vào hạnh phúc
đời sau: “Thà chết vì tay người đời đang
khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại” (2Mcb
7,14).
Hơn cả sự bình an, thánh Phaolô còn thấy được trong mọi
thử thách cái diễm phúc có dịp đền đáp tình yêu Chúa: “Quả thế, nhờ Đức Ki-tô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người,
mà còn được chịu đau khổ vì Người” (Pl 1,29). Dù khổ vẫn vui khi biết mình
chết để đáp lại tình yêu của Đấng đã chết vì yêu mình!
Ngày 09 tháng 12 năm 1858, Nữ Tu viện Đức Mẹ Vô nhiễm
nguyên tội, Dòng Mến Thánh giá Cái mơn, bị chiếm đóng. Các nữ tu chạy trốn, nhưng
còn bà bề trên Matta Lành và một nữ tu tên là Isave Ngọ không chạy kịp chị em
nên bị binh lính bắt trói và dẫn lên thị trấn Vĩnh long cùng một số viên chức,
sau khi vơ vét sạch nhà dòng.
Quan trấn đã lầm khi tưởng rằng sẽ dễ dàng thắng được hai
người phụ nữ yếu đuối. Bà Matta bị nhiều trận đòn, chịu đến gần 200 roi mây đầu
bịt sắt, hai lần tưởng chết, mà vẫn không chịu chối đạo; chị Isave Ngọ thì phải
chịu một trận đòn dã man đến độ lính tưởng là chị đã chết nên báo cho quan trấn
biết. Quan ra lệnh kéo chị qua thập giá. Không ngờ khi vừa nghe thế, chị liền
nhổm dậy, gắng sức lê mình đến thập giá, kính cẩn hôn thập giá và hô to: “Vạn tuế Đức Giêsu, vạn tuế Thánh giá!”
Quan trấn xấu hổ thẹn thùng, còn mọi người đều có chút thắc mắc xen lẫn cảm phục
trước cái sức mạnh của Đức Kitô.
Giáo phụ Tertulianô đã nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống nẩy sinh các Kitô hữu.” Ngay cả
lương dân cũng có thể đọc thấy được niềm vui và sự bình an đi theo niềm tin của
các vị tử đạo, và thấy mình bị thu hút từ sức mạnh bởi trời nơi những ai vững
vàng với niềm tin giữa trăm ngàn thử thách: “Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở.”
Con người thời nay thích tìm kiếm một cuộc sống an toàn,
an nhàn, và hưởng thụ, nhưng ai dám hứa cho họ một cuộc sống như thế mà không
phải chịu một chút đau khổ nào, và mọi vinh quang, hạnh phúc chóng qua của thế
tục tìm đâu được một giá trị trước cái chết: “Nếu tôi nhìn nấm mồ mà nói: ‘Đây là cha tôi!’ và nhìn giòi bọ: ‘Đây là
mẹ, đây là chị tôi!’, thì hy vọng của tôi ở chỗ nào, hạnh phúc của tôi, ai là
người nhìn thấy?” (G 17,14-15).
Tình yêu Chúa mời gọi mọi người bước vào con
đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc thật, con đường
của một tình yêu sẵn lòng chết vì người mình yêu, con đường thập giá. Khi một
ai sẵn lòng chết vì yêu thì không một thử thách, gian nan nào còn tồn tại. Họ
chỉ còn thấy những cơ hội cho tình yêu được bày tỏ và được thanh luyện. Giữa
trăm ngàn đắng cay, nhìn lên Đức Kitô – tình yêu chịu đóng đinh, họ thấy “muôn vàn cay đắng đã hoá nên an bình.”
(Is 38,17)
Đó là sự sống và hạnh phúc vĩnh củu; đó là sức mạnh và
chiến thắng của tình yêu!