ĐÓNG ĐINH NÓ VÀO THẬP GIÁ!
Cuộc
khổ nạn của Đức Kitô là câu cật vấn đặt trước mặt mỗi người về Đấng họ thực sự
muốn tìm kiếm và suy tôn.
Một hôm nọ có một ký giả hỏi Albert
Einstein, nhà khoa học lớn của thế kỷ XX: “Ông
có tin vào Thiên Chúa không?” Trước một câu hỏi xưa nay vốn gây nhiều tranh
luận, Einstein đã cật vấn ông ký giả: “Trước
hết, ông hãy cho tôi biết định nghĩa của ông về Thiên Chúa, rồi tôi mới có thể
trả lời cho ông.”
Trong mọi tình huống đời sống, luôn
xuất hiện câu hỏi về Thiên Chúa, như là lý do sau cùng của mọi sự và là sức mạnh
chi phối vạn vật và cuộc sống mỗi người trong cuộc làm người. Ai cũng bị thôi
thúc đi tìm cho được Thiên Chúa, ơn cứu độ của mình: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn. Ơn cứu
độ tôi bởi Người mà đến” (Tv 62,2). Cuộc tìm kiếm đó là vấn nạn được đặt ra
từ những ngày đầu sứ vụ cứu thế của Đức Kitô, khi Gioan Tẩy giả sai hai môn đệ
đến hỏi Ngài: “Thưa Thầy, Thầy có thật là
Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3).
Ai cũng bị thôi thúc đi tìm cho được
Thiên Chúa, nhưng trong cuộc tìm kiếm đó, con người luôn bị cám dỗ tìm kiếm một
ngẫu tượng khác, rất nhiều khi là tìm kiếm chính mình mà vẫn tưởng rằng mình
đang tìm kiếm Thiên Chúa. Einstein đã cật vấn ông ký giả về Thiên Chúa mà ông
muốn hỏi; còn cuộc khổ nạn của Đức Kitô là câu cật vấn đặt trước mặt mỗi người
về Đấng họ thực sự muốn tìm kiếm và suy tôn:
Có một Giêsu trước lễ Vượt Qua, được
“người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang
dậy: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!” và một
Giêsu sau đó mấy ngày, mà “kẻ qua người lại
đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: “Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong
ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi!”
Đức Kitô phải chịu đóng đinh để niềm
tin của Dân Chúa được thanh lọc, và được đưa trở về với niềm
tin của Abraham, một niềm tin mau mắn vâng theo ý
Chúa, không do dự, không tính toán: “Đức
Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng
tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ”, một niềm tin tín thác tất
cả cho quyền năng và tình yêu Chúa: “Có Đức
Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ
mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” (Is 50,5-7).
Đức Kitô phải chịu đóng đinh để người
ta thấy được Thiên Chúa là Tình-Yêu-từ-bỏ-đến-cùng: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là
Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên
Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống
phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi
bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Chính trong cái thua và mất của thập
giá đã rực sáng lên sức mạnh và sự khôn ngoan của Tình-Yêu: “chúng tôi lại rao giảng một Đấng
Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và
dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là
Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của
Thiên Chúa” (1Cr 1,23-24).
Tình Yêu đó dành cho mọi người! và
cho tôi!
Khi nhìn ngắm tầng trời muôn trăng
sao người ta phải thốt lời tạ ơn: “Ngắm tầng
trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà
Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?”, còn khi nhìn ngắm
Đức Kitô trên thập giá ai cũng thấy được là “Chúa
cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ
triều thiên” (Tv 8,4-6): Mão gai trên đầu Đức Kitô là mũ triều thiên lộng lẫy
cho bản tính nhân loại, và thập giá đẫm máu của Ngài là nơi trú ẩn an toàn cho
phận người tội lỗi.
Một cậu bé đến thăm ngôi nhà của một
bà lão và đã bị thu hút bởi câu Lời Chúa sặc sỡ treo trên tường, như một phương
châm: “Ngài là Thiên Chúa, Đấng thấy tôi”
(St 16,13). Để ý đến sự thích thú của cậu, bà lão tốt lành gỡ câu phương
châm ra và giải thích:
“Có người sẽ bảo con là Thiên Chúa luôn canh gác để phạt con khi con làm
điều gì xấu. Bà không muốn con nghĩ câu Kinh thánh này như thế. Mỗi khi đọc những
chữ “Ngài là Thiên Chúa, Đấng thấy tôi”, bà muốn con nhớ rằng Chúa yêu con đến nỗi không thể rời mắt xa
con.”
Một câu Lời Chúa mà có đến hai dung
mạo Thiên Chúa?…! Người tung hô khi Đức Kitô vào thành Giê-ru-sa-lem thực ra
đang đóng đinh Thiên Chúa vào những đòi hỏi thế tục của họ! Tuần Thánh bắt tôi
xem lại đâu là Thiên Chúa tôi thờ, và đâu là niềm tin của tôi?