TUỔI THƠ
Thiên Chúa hiện hữu từ đời đời đã đi vào thời
gian và không gian… Chúng ta không đi tìm kiếm một Thiên Chúa cao siêu, vĩ đại
và tuyệt đối cách xa. Chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa hiện hữu và quyền năng an
bài mọi sự trong yêu thương.
Câu truyện của một thầy giáo già kể: Trước
khi bắt đầu các lớp học, thầy thường đứng trước mặt các học sinh và cúi đầu
chào. Thầy luôn làm thế với thái độ rất trân trọng. Một ngày nọ, có vài người hỏi
thầy rằng tại sao thầy lại làm thế? Thầy trả lời rằng: Thầy làm như vậy, bởi vì
thầy không biết bao nhiêu trẻ học sinh sau này sẽ thành đạt. Thầy đã nhận thấy
mỗi học sinh giống như một kho tàng ẩn dấu và thầy đã cúi chào trong sự tin tưởng
rằng có nhiều học sinh sẽ thành công và thành đạt xứng đáng sự tôn kính trong
tương lai cuộc sống. Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta một tiềm năng để trở
nên vĩ đại.
Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ Đức Maria
dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ. Một Hài Nhi bé nhỏ đã được các cụ già đón nhận một
cách rất thành kính. Ngay khi vừa lọt lòng mẹ, Chúa Hài Nhi đã được các thiên
thần tung hô, các mục đồng đến viếng thăm và từ xa, các nhà Đạo Sĩ đã đến tôn
thờ và dâng lễ vật. Theo luật Môisen cũng là tục lệ của người Do thái, những
người con trai được sinh ra, nhất là con đầu lòng, sau 40 ngày, bà mẹ phải đưa
đến Đền thờ, trước là dâng con cho Chúa, sau là chính mình làm lễ tẩy uế: Khi ấy,
đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên
Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa (Lc 2, 22). Dù Đức Maria và ông Giuse biết rằng
trẻ Giêsu là Con Thiên Chúa. Các ngài đã chu toàn mọi lề luật: Như đã chép
trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con
trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa" (Lc 2, 23). Dâng
con trong đền thờ là để thánh hiến người con cho Thiên Chúa và cha mẹ có thể thế
chân bằng cách dâng cúng của lễ như chim bồ câu hay chiên bò.
Thánh lễ hôm nay cũng còn được gọi là Lễ Nến.
Thánh lễ 40 ngày sau lễ Giáng Sinh đã xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ V tại
Giêrusalem. Mãi đến năm 650, thánh lễ này mới du nhập vào Rôma. Giáo hội Đông
phương hiểu Thánh lễ này như lễ gặp gỡ của Chúa: Đấng Mesia tiến vào Đền thờ và
gặp đại diện dân Chúa của Cựu ước qua ông già Simêon và bà tiên tri Anna. Giáo
hội Tây phương lại coi đây là Thánh lễ mừng kính Đức Maria: Thanh tẩy theo luật
Do thái. Khi sát nhập vào Phụng vụ Rôma, Đức Giáo Hoàng Sergiô I (678-701) lại
thêm vào nghi thức rước nến. Vì thế, từ thế kỷ thứ Tám, thánh lễ được gọi là Lễ
Nến. Vì trước Thánh lễ có nghi thức làm phép nến và kiệu nến vào nhà thờ như cuộc
đón rước Chúa Giêsu là Ánh Sáng của muôn dân. Những cây nến được làm phép và thắp
sáng trong ngày lễ này, tượng trưng cho ánh sáng và vinh quang của Chúa Giêsu. Từ
cuộc canh tân Phụng vụ năm 1960, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa Giêsu, hơn
là Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ.
Tiên tri Malakia đã tiên báo sự xuất hiện của
Đấng Cứu Thế trong đền thánh: Này đây Chúa là Thiên Chúa phán: Đây Ta sai thiên
thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta! Lập tức Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm
và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người (Mal 3,
1). Trong mọi hoàn cảnh diễn biến và qua các biến cố liên quan, những lời tiên
tri thuở xưa đã từng bước được thực hiện trong đời sống của Chúa Giêsu. Thiên
Chúa hiện hữu từ đời đời đã đi vào thời gian và không gian, nên có sự phát triển
từng bước. Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa trong mọi sự. Chúng ta có thể tôn thờ
Thiên Chúa nơi hình ảnh của Chúa Hài Nhi, Chúa trong đền thờ, Chúa giảng dạy,
Chúa chiên lành, Chúa bị đánh đòn, Chúa chết treo thập giá, Chúa sống lại và
Chúa lên trời. Chúng ta có thể đến gặp gỡ Chúa qua nhiều cách thế nhiệm mầu.
Chúa đến với loài người là để cứu rỗi và giải
thoát, chứ không phải để kết án luận phạt: Vì chưng Người không đến cứu giúp
các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham (Dt 2, 16). Chúng ta không
đi tìm kiếm một Thiên Chúa cao siêu, vĩ đại và tuyệt đối cách xa. Chúng ta
tuyên xưng Thiên Chúa hiện hữu và quyền năng an bài mọi sự trong yêu thương. Tin
rằng chúng ta đang tôn thờ một Thiên Chúa vô hình và vô biên nhưng thực ra
Thiên Chúa đã đến và cư ngụ giữa chúng ta. Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể. Tác
giả thơ Do-thái đã diễn tả: Bởi thế, Người nên giống anh em Mình mọi đàng, ngõ
hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung
tín với Chúa, để đền tội cho dân (Dt 2, 17).
Chúa Giêsu cảm thông thân phận của con người.
Ngài đã trải qua tất cả những thử thách ở đời và đã đi đến tận cùng của sự đau
khổ là cái chết: Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách,
nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách (Dt 2, 18). Vượt qua sự
chết để vào vinh quang sự sống, Chúa Kitô trở nên niềm hy vọng và trông cậy cho
tất cả mọi tạo vật. Ngài là sự sống và là sự sống lại viên mãn. Tất cả những ai
tin vào Ngài, sẽ được ánh sáng ban sự sống. Những ai tiếp rước Ngài thì Ngài
ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi là
Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật.
Khi Đức Maria và thánh Giuse dâng Chúa
trong đền thờ: Ông Simêon đã chúc tụng Thiên Chúa: "Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như
lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa” (Lc 2,
29-30). Ông già Simêon sống trong đền thánh chuyên tâm cầu nguyện và mong chờ
ơn cứu độ. Ngày này, ông đã đại diện cho toàn dân chứng kiến giây phút lịch sử
Thiên Chúa viếng thăm Dân Người và Đấng Thánh đã tiến bước vào cung thánh. Người
ta thường nói: Chứng của hai người là chứng thật. Trong đền thờ, cũng có bà
tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, cũng đến: Bà liền chúc tụng
Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc
Israel (Lc 2, 38). Trẻ Giêsu là trung tâm điểm của tất cả vũ trụ vạn vật. Thiên
Chúa vĩ đại trở nên bé nhỏ trong vòng tay âu yếm của những kẻ tin. Ông Simêon
và bà Anna đã hết sức vui mừng gặp được trẻ Giêsu và đã dâng lời ngợi khen
Thiên Chúa.
Khi đi rao giảng, Chúa Giêsu đã đón nhận
các trẻ nhỏ. Chúa luôn bảo vệ và yêu thương các trẻ nhỏ. Chúa Giêsu gọi các trẻ
lại mà nói: Cứ để các trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Thiên
Chúa là của những ai giống như chúng (Lc 18, 16). Mỗi một con người, từ bào
thai, thai nhi, ấu nhi, trẻ thơ, thiếu nhi hay thiếu niên và trưởng thành đều
được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Mỗi một cá nhân đều được trao ban
những khả năng tiềm tàng và sự sống vô giá. Chúng ta phải trân qúy món qùa mà
Thiên Chúa đã trao tặng. Các con trẻ đơn sơ trong trắng như các thiên thần. Chúa
đón nhận các trẻ thơ: Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng
(Mc 10, 16). Đừng bao giờ nghĩ rằng các trẻ em là gánh nặng mà là niềm vui
trong cuộc sống gia đình. Các cha mẹ đừng khi nào than phiền, nguyền rủa, chối
từ và xua đuổi con cái của mình, vì mỗi trẻ đều có một khả năng tiềm ẩn mà
chính Thiên Chúa đã phú bẩm. Hãy yêu thương, dưỡng nuôi và ôm ấp món qùa Chúa
đã trao ban cho chúng ta.
Lạy Chúa, Chúa đã trở thành trẻ thơ cho người
ta nâng niu và ôm ẵm. Chúa đã cảm nhận tình yêu chia sẻ của con người. Xin cho
chúng con biết mở rộng vòng tay đón nhận và tôn trọng mọi người, nhất là các trẻ
thơ vô tội. Cầu xin Mẹ Maria giúp chúng con biết noi gương Mẹ để biết khiêm nhu
phục vụ Chúa và tha nhân trong mọi công việc của cuộc sống.
LM Giuse Trần Việt Hùng