TỬ ĐẠO, MỘT CHỌN LỰA CỦA LÒNG TIN
Với cái chết của mình, cha ông chúng ta đã cho thấy
rằng: chết chưa phải là hết, nhưng là cửa ngõ để đi vào một đời sống vĩnh cửu đúng
như tâm thức từ bao đời nay trong lòng người dân Việt: “sống gởi, thác về.”
Hôm nay, chúng ta hân hoan cùng với toàn
thể Giáo Hội Việt Nam mừng kính
trọng thể lễ các
thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Đây là một ngày
vui mừng chung
của tất cả chúng
ta, những Kitô
hữu mang
trong mình dòng máu con Rồng, cháu Tiên. Cách đây gần 400 năm, hay đúng hơn từ lễ Phục sinh năm 1615, khi cha Bugiơmi, dòng Tên, người Ý dâng
thánh lễ đầu tiên tại Hội An, Đà Nẵng bây giờ, đạo Công
giáo đã được chính
thức khai
nguyên và lập cơ sở ở Việt Nam. Hạt giống Tin mừng đã được gieo
vãi trên mảnh đất hình
chữ “S” thân yêu này. Cha ông chúng ta những con
người có tâm
hồn hiền hậu, chất phác đã đón nhận và sẵn sàng
dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho
Tin mừng đó.
Thật vậy, “Tử Đạo” theo nguyên ngữ là “Martyr” có
nghĩa là “làm chứng.” Vậy thì việc cha
ông chúng ta, từng lớp lớp người sẵn sàng bỏ tất cả vinh
hoa, phú quý, vợ con để chết đi làm chứng điều gì? Chắc chắn việc các ngài sẵn sàng
chết không
phải vì các
ngài không muốn sống, nhưng là để làm chứng rằng, sự sống nơi trần thế này
không phải là tuyệt đối, và mọi vinh dự ở đời này
không phải là vĩnh cửu. Với cái chết của mình,
cha ông chúng ta đã cho thấy rằng: chết chưa phải là hết, nhưng là cửa ngõ để đi vào một đời sống vĩnh cửu đúng như tâm thức từ bao đời nay
trong lòng người dân Việt: “sống gởi, thác về.” Và
chính dòng máu nóng của các ngài đổ ra trên mảnh đất này, đã làm phát sinh một Giáo Hội Việt Nam
hôm nay, như lời Đức Kitô: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không
chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”
1. Chọn lựa của dân Do thái:
Tuy nhiên, để có thể sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho Tin mừng, cha ông chúng ta đã phải làm một cuộc chọn lựa
thật quyết liệt trong tâm hồn. Bởi vì,
trong thực tế, hạnh phúc đời sau
thì bây giờ chúng
ta không thấy, còn
tiền của, danh
vọng cùng
với những vinh
hoa phú quý của nó,
thì lại nằm ngay
trước mắt. Chính
dân Do Thái khi bước vào được Đất Hứa, sau
cuộc hành
trình 40 năm trong
sa mạc, cũng đã phải làm một cuộc chọn lựa cơ bản này. Ông Môisê đã nói với họ: “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra
cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là bị chết, bị tai họa.” Khi dân
Do thái chọn lựa “yêu mến Đức Chúa,… và gắn bó với Người”, thì không
phải vì trước mắt họ nhận được một cuộc sống sung
sướng, dễ dãi. Họ chọn lựa Thiên
Chúa chỉ vì họ tin tưởng vào tình yêu của Giavê
Thiên Chúa, Đấng đã từng giải thoát
họ thoát
ách nô lệ Ai Cập, kết ước với họ, để họ được làm
dân của Ngài. Đồng thời, còn
ban cho họ Đất Hứa làm
gia nghiệp.
2. Chọn lựa của cha ông chúng ta:
“Trung thành với Thiên Chúa” cũng chính
là chọn lựa, mà
cha ông chúng ta ngay từ những ngày đầu đón nhận Tin mừng đã quyết định. Một cuộc chọn lựa nhìn
bên ngoài có vẻ đơn giản: đó là bước qua thập giá
hay không bước qua. Bước qua
thì có ngay tiền bạc, vinh
hoa phú quý, còn như
không bước qua thì có thể lập tức lãnh lấy cái chết. Đứng trước thập giá, đã có người bước qua,
nhưng cũng đã có nhiều người không
bước qua,
không quá khoá. Đã có người được khiêng
qua thánh giá, nhưng đã co chân lên như thánh Antôn Nguyễn Đích. Đã có người bước qua thánh giá, nhưng sau lại hối hận: đó là trường hợp của ba vị thánh
Augustin Phan Viết Huy,
Nicôla Bùi Đức Thể, và Đaminh Đinh Đạt. Vua
quan đã bày ra trước mặt các
ông mười nén
vàng, một tượng Chịu Nạn và một thanh
gươm rồi nói: “Cho bay tự ý chọn, bước qua tượng thì được vàng, bằng không thì gươm sẽ chặt đôi người bay
ra, xác sẽ bị bỏ trôi ngoài biển.”
Đúng đây là một chọn lựa nghiêm chỉnh, chọn lựa này đụng đến tương lai và sinh mạng của chính
mình. Chọn lựa này
bày tỏ thái độ của bản thân
tôi đối với Đức Giêsu.
Tôi chọn Ngài
hay tôi chọn tôi. Thánh
Anrê Kim Thông nói với quan tỉnh: “Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên
sao được.” Còn Thánh Têphanô Ven, một linh mục trẻ, chỉ mới 31 tuổi, thuộc Hội Thừa Sai
Paris đã bày tỏ chọn lựa của mình một cách
thật dứt khoát,
khi trả lời cho
viên quan bảo ngài bước qua
Thánh giá: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo thập giá,
nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quí hoá đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!” Một chọn lựa có thể nói là đầy bấp bênh
theo cái nhìn tự nhiên của con người. Chính
vì bấp bênh
như thế mà những chọn lựa này trở nên có
giá trị, vì nó đúng là một chọn lựa của lòng
tin.
Vâng, mỗi người chúng ta chỉ nhờ có lòng tin chứ không phải nhờ bất cứ điều gì
khác, mới có thể giúp mỗi người chúng
ta lãnh nhận ơn cứu độ. Ý thức điều đó, thánh Phaolô mời gọi tín hữu thành
Côlôsê và cũng là lời nhắc nhở từng người chúng
ta: “Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc kiên quyết, và đừng vì
nao núng mà lìa bỏ niềm hy vọng anh em đã nhận được khi nghe loan báo Tin mừng.” Đức tin này mỗi người chúng ta đã được lãnh nhận khi chịu phép Rửa, nhưng như thế thì chưa đủ. Đức tin đó còn phải được minh chứng bằng chính cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng
ta. Nhiều vị tử đạo đã được mời giả vờ bước qua
thánh giá, để quan có
cớ mà tha,
còn đức tin
bên trong thì quan không đụng đến. Đây là một cám dỗ khá tinh vi và hấp dẫn, có vẻ như được cả hai, đời này và
đời sau. Nhưng liệu tôi có
thể bên
ngoài chà đạp một Đấng mà
bên trong tôi tôn thờ không? Đứng trước thánh
giá là đứng trước một chọn
lựa dứt khoát, không có giải pháp dung hoà hay lập lờ. Không
ai có thể làm tôi
hai chủ (x. Mt
6, 24), điều này vẫn đúng cho những chọn lựa mỗi ngày của các
Kitô hữu chúng
ta qua mọi thời đại.
3. Chọn lựa của chúng ta hôm nay:
Mừng lễ các thánh Tử Đạo tại Việt Nam hôm nay, lời Chúa một lần nữa mời gọi mỗi người chúng
ta xét lại chọn lựa của mình. Chọn lựa
này không phải chỉ một lần là xong, nhưng cần đựơc lập lại mỗi ngày. Tôi đang chọn Chúa
hay tôi chọn tôi? Và
nếu tôi chọn Chúa,
tôi đã làm gì để chứng minh
cho lựa chọn của mình? Chọn lựa của chúng
ta hôm nay, có thể không đòi chúng ta phải đổ máu để làm chứng cho
Chúa, nhưng tôi
thiết nghĩ, cũng không kém phần gian
khó. Đứng trước những bất công,
tôi có dám bênh vực, hay
tôi sợ phiền hà rồi im lặng? Trước một trận bóng đá, một bộ phim
hay, một giấc ngủ ngon, một lời rủ đi chơi của bạn bè và
tiếng mời gọi của Chúa nơi ngôi Thánh đường này,
tôi chọn điều gì?
Chớ gì, nhờ lời cầu bầu của các thánh Tử Đạo tại Việt Nam và nhất là sức mạnh của Thánh Thể, quý ông bà anh chị em và
tôi đủ sức thực hiện những chọn lựa của mình. Nhờ đó, vào ngày sau hết, tất cả chúng
ta sẽ cùng được đoàn tụ với cha
ông chúng ta như lời hứa của Đức Giêsu:
“Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.” Amen!
Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, xin chuyển cầu cho
chúng con là con cháu được noi gương các ngài, biết đem lòng bác ái dấn thân vào phục vụ, để một ngày
kia trên thiên quốc, chúng con được hợp tiếng với các Ngài, ca tụng tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. Amen!