Thánh Ða Minh
(1170-1221)
Dòng Thánh Ða Minh thành công trong việc hoán cải khi áp dụng
quan niệm của thánh nhân là hài hòa giữa đời sống trí thức với nhu cầu của quần
chúng.
Sinh
trong một gia đình quyền quý và đạo hạnh ở Tây Ban Nha, ngay từ nhỏ Thánh Ða
Minh đã có chí hướng đi tu. Ngài theo học ở Palencia, và có lẽ được thụ phong
linh mục trong khi còn đi học, và được bổ nhiệm là kinh sĩ ở Osma năm 1199. Ở
đây ngài làm bề trên của một tu nghị, nổi tiếng là theo sát quy luật của Thánh
Bênêđíctô.
Năm
1203, ngài tháp tùng Ðức Giám Mục của Osma đến Languedoc, là nơi Thánh Ða Minh
rao giảng chống với lạc thuyết Albigensian, và giúp cải tổ dòng Xitô. Thánh Ða
Minh thành lập một tổ chức dành cho phụ nữ ở Prouille trong thuộc địa của phe
Albigensian và giao cho một vài nữ tu trông coi với quy luật do chính ngài viết
ra.
Khi vị
đại diện đức giáo hoàng bị bè phái Albigensian sát hại năm 1208, Ðức Giáo Hoàng
Innôxentê III đã phát động một cuộc thập tự chinh do Bá Tước Simon IV cầm đầu để
chống với bè rối này. Thánh Ða Minh đi theo đạo quân để rao giảng cho những người
lạc giáo, nhưng không thành công lắm. Vào năm 1214, Bá Tước Simon tặng cho
Thánh Ða Minh một lâu đài ở Casseneuil, và cùng với sáu môn đệ, thánh nhân đã
thành lập một tu hội tận tụy cho việc hoán cải người lạc giáo Albigensian.
Trong
Công Ðồng Latêranô lần thứ tư năm 1215, Thánh Ða Minh thất bại trong việc xin
phê chuẩn tu hội, nhưng được Ðức Giáo Hoàng Honorius III chuẩn y vào năm tiếp
đó, và Dòng Thuyết Giảng (các tu sĩ dòng Ða Minh) được thành lập.
Thánh
Ða Minh dùng quãng đời còn lại để tổ chức dòng, đi khắp nước Ý, Tây Ban Nha và
Pháp để rao giảng và thu hút các thành viên mới, cũng như thiết lập các trung
tâm của dòng. Dòng Thánh Ða Minh thành công trong việc hoán cải khi áp dụng
quan niệm của thánh nhân là hài hòa giữa đời sống trí thức với nhu cầu của quần
chúng.
Ngài
triệu tập hội đồng chung trong dòng vào năm 1220 ở Bologna và từ trần ở đây vào
năm tiếp đó, sau khi bị lâm bệnh và buộc phải trở về trong chuyến rao giảng ở
Hung Gia Lợi.
Ngài được
phong thánh năm 1234.
* Thuyết Albigensian dựa trên
thuyết nhị nguyên về hai nguyên tắc đối nghịch nhau, sự thiện và sự dữ, mà mọi
vật chất được coi là xấu xa và người tạo nên thế giới vật chất được coi là ma
quỷ. Do đó, học thuyết Nhập Thể bị khước từ, và Cựu Ước cũng như các Bí Tích bị
tẩy chay. Ðể trở nên tuyệt hảo hay "tinh tuyền", người theo thuyết
này phải tránh tình dục và cực kỳ kiêng cữ ăn uống. Nhịn đói đến chết được coi
là một hành động cao quý. Với hình thức thái quá này, thuyết Albigensian được
coi là nguy hiểm cho xã hội.
(Lm. Phêrô
Nguyễn Ngọc Mỹ)