Suy niệm hạnh thánh _ 26/6

Chân phước RAYMOND LULL
 (1235-1315)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Hầu hết cuộc đời của Chân Phước Raymond là để giúp đỡ công cuộc truyền giáo và ngài từ trần khi truyền giáo ở Bắc Phi.
Raymond là con của một viên tướng chỉ huy ở Palma, Majorca và được làm việc dưới triều của Vua James I xứ Aragon, với công việc đại quản gia của triều đình. Tuy đã lập gia đình, nhưng Raymond vẫn còn gian díu với các thê thiếp. Một hôm khi đang viết thư cho tình nhân thì Raymond được thị kiến Đức Kitô, và năm lần tiếp đó. Sau cuộc hành hương đến Compostela và Rocamadour, ngài gia nhập dòng ba Phanxicô, chia tài sản cho vợ con và tận hiến cuộc đời còn lại cho việc hoán cải người Hồi Giáo.
Lui về đời sống ẩn dật, ngài sống như một vị ẩn tu. Sau nhiều lần thất bại, sau cùng vào năm 1311 ngài đã thành công. Chân Phước Raymond sáng tác rất nhiều.
Suy niệm 1: Truyền giáo
Hầu hết cuộc đời của Chân Phước Raymond là để giúp đỡ công cuộc truyền giáo và ngài từ trần khi truyền giáo ở Bắc Phi.
Chân Phước Raymond đã tận tụy trong việc loan truyền Phúc Âm. Sự thờ ơ của các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như sự chống đối ở Bắc Phi đã không làm ngài nản chí.
Ba trăm năm sau, hoạt động của ngài bắt đầu có ảnh hưởng ở Mỹ Châu. Khi người Tây Ban Nha bắt đầu truyền giáo ở Tân Thế Giới, họ đã theo ý tưởng của ngài và thành lập các trường truyền giáo để chuẩn bị cho công cuộc này.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nỗ lực và bền tâm gieo trồng điều lành, còn các hiệu quả khác cứ giao phó cho Chúa định liệu.
Suy niệm 2:. Thị kiến
Raymond được thị kiến Đức Kitô, và năm lần tiếp đó.
Với Saolô, chỉ cần một lần duy nhất gặp gỡ Đức Kitô trên đường đi Đamát là đủ để hoán cải và trở nên tông đồ Phaolô. Còn với Raymond thì phải kéo dài đến năm lần liên tiếp. Điều này cho thấy lòng Chúa thật nhân từ và hết mực quan tâm người tội lỗi. Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi và kiên trì mời gọi cho đến khi đạt được kết quả.
Biết thế nhưng chúng ta đừng lạm dụng tình thương của Chúa, một hãy mau mắn đáp trả và vội vã quay về, kẻo phải hối tiếc vì một khi ơn Chúa đã ban cho thì khó có thể trở lại. Đừng bàng quan xét đoán việc mấy người bị tháp Silôê đổ xuống đè chết có tội hay không, mà hãy chủ quan kiểm điểm lại mình mà sám hối ăn năn.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tự xét mình hơn là xét người để canh tân cuộc sống kịp thời.
Suy niệm 3: Hồi Giáo
Do bất mãn cá nhân với “tòa thánh” La Mecque, vào năm 622, Mahomet tự xưng là tông đồ và tiên tri của Allah và sáng lập Hồi Giáo, với việc chấp nhận đa thê, ly dị, chế độ nô lệ, và đường lối thực hiện là võ lực. Lập trường này đã bị Đức Giáo Hoàng Bôniphaxiô V kết án.
Raymond sau khi được thị kiến đã tận hiến cuộc đời còn lại cho việc hoán cải người Hồi Giáo. Vào năm 79 tuổi, chính Raymond đến Bắc Phi để truyền giáo. Một đám đông người Hồi Giáo đã thịnh nộ ném đá ngài ở thành phố Bougie nhưng được các thủy thủ người Genoa cứu thoát. Trên con tầu trở về nước, ngài đã từ trần khi gần đến Majorca.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dành cả cuộc đời mình để không chỉ hoán cải người khi có dịp mà nhất là hoán cải chính mình.
Suy niệm 4:. Ẩn dật
Lui về đời sống ẩn dật, ngài sống như một vị ẩn tu.
Trong thời gian chín năm, ngài viết về mọi loại kiến thức mà công trình ấy giúp ngài xứng với danh hiệu "Tiến Sĩ Khai Sáng". Với chín năm ẩn dật mà ngài đạt được danh hiệu ấy thật không phải là một giá quá đắt, vì với Đức Giêsu, chỉ với ba năm công khai hoạt động, mà Ngài phải dùng đến ba mươi năm ẩn dật để chuẩn bị.
Để trở thành vị giảng thuyết lừng danh, vị giáo sư thần học đầu tiên cho cộng đoàn, cũng như làm bao phép lạ và nhất là thánh nhân, thánh Antôn ở Pađua đã phải sống trong một nơi hiu quạnh, chấp nhận công việc rửa chén trong nhà bếp trong nhiều năm tháng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết giá trị của thời gian ẩn dật để vận dụng và sử dụng cách hữu ích cho mình và cho người.
Suy niệm 5: Thành công
Raymond thực hiện nhiều cuộc hành trình đến Âu Châu để thuyết phục các giáo hoàng, các hoàng đế và thái tử trong việc thiết lập các trường đặc biệt nhằm chuẩn bị cho các nhà thừa sai trong đại công cuộc truyền giáo.
Sau nhiều lần thất bại, sau cùng vào năm 1311 ngài đã thành công, khi Công Đồng Vienne ra lệnh cho thành lập các phân khoa dạy tiếng Do Thái, Ả Rập và Canđê tại các trường đại học Bologna, Oxford, Balê và Salamanca.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống bài học thâm thúy của trường đời: thất bại là mẹ thành công, để không bao giờ nản chí.
Suy niệm 6: Sáng tác
Chân Phước Raymond sáng tác rất nhiều.
Ngài viết trên 300 luận án về triết học, âm nhạc, hàng hải, luật pháp, thiên văn, toán học, và thần học (hầu hết bằng tiếng Ả Rập). Ngài cũng sáng tác thi văn thần nghiệm và được coi là người tiên phong của Thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá trong lãnh vực này.
Sáng tác là một ơn Chúa ban, nhưng cũng là một niềm đam mê hữu ích cho cuộc sống, và đồng thời là một nghĩa cử bác ái cho tha nhân. Khi sáng tác, tác giả đòi hỏi phải động não, phải suy tư, phải nghiền ngẫm và nhất là không đánh mất thì giờ vào các việc vô ích. Những suy tư ấy dầu không phải là tuyệt tác thì cũng là một món ăn tinh thần đóng góp cho bửa tiệc tri thức thêm phong phú và dồi dào tùy nghi người dùng lựa chọn.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tập luyện đức khiêm tốn qua việc sáng tác, để mạnh dạn sáng tác nhằm phục vụ cho mình và cho người.