Lễ Tro _ bước lên từ bụi tro

BƯỚC LÊN TỪ BỤI TRO
Mỗi người chúng ta sống trong bất cứ địa vị nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù muốn hay không, biết hay chẳng biết, chúng ta cũng sẽ phải bỏ cuộc đời trần thế để đi vào cõi đời đời.  
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Trong mùa chay thánh Giáo Hội khuyên ta xa bỏ những hành vi tội lỗi để sống cuộc đời lành mạnh, cuộc đời thánh thiện, nghĩ tới việc cầu nguyện, hy sinh, nhất là nghĩ tới việc chân thành thống hối. Thống hối là nhận ra sự yếu hèn xa ngã của ta, quyết tâm bỏ đàng tội lỗi, trở lại với Chúa.
Một trong những động cơ hữu hiệu nhất, giúp ta dễ dàng thực hiện những điều trên là nghĩ tới giây phút bỏ đời, nghĩ tới cuộc đời chóng qua, nghĩ tới thân xác này sớm muộn sẽ trở thành tro bụi, cho dù cuộc đời ta còn kéo dài nhiều năm tháng. Mỗi người chúng ta sống trong bất cứ địa vị nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù muốn hay không, biết hay chẳng biết, chúng ta cũng sẽ phải bỏ cuộc đời trần thế để đi vào cõi đời đời.
Tại công đường tỉnh Nghệ An, quan án hỏi cha Phêrô Lê Tùy (tử đạo ngày 11.10.1833, 60 tuổi): "Ông là đạo trưởng Gia Tô?"
Cha đáp: “Đúng như quan nói, tôi là Đạo Trưởng.”
Quan nói tiếp: “Ông nghe tôi đi, ai thấy ông bị bắt cũng động lòng thương. Không ai muốn ông phải án tử hình, tôi đây cũng vậy. Bây giờ ông nghe tôi, làm một tờ khai nói mình là một lang y chữa bệnh, tôi có thể cứu được ông.”
Cha nói: “Tôi không sợ chết, chết cách nào tôi cũng không ngại. Ai cũng phải chết. Chết trên chăn nệm ấm êm, hay bị cọp tha cá rỉa, bị lột da hay xé xác làm 100 mảng cũng là chết thôi, vì thế tôi không sợ chết.”
Vì kính trọng cha đã 60 tuổi, quan không truyền đánh đòn, chỉ sai lính dẫn về ngục.
Lê Tùy sinh năm 1773 trong một gia đình nề nếp khá giả làng Bằng Sở, huyện Thanh Trì, phủ Trường Tín (Hà Đông). Trong những năm học tại chủng viện Vĩnh Trị (Nam Định). Lê Tùy tỏ ra thông minh, khôn ngoan và đạo đức. Sau khi được lãnh chức Phó Tế, thầy Phêrô được cử đi giúp Đức Cha phụ tá De La Motte Hậu lo việc truyền giáo ở Nghệ An. Năm 1803, thầy thụ phong linh mục làm phó xứ Đông Thành, Chân Lộc rồi chánh xứ Nam Đường.
Cha Phêrô Tùy là một linh mục ưu tú, hiền hòa và rất nhiệt thành trong sứ vụ tông đồ. Đức cha De La Motte Hậu đã có lần khen ngợi đức tính và hoạt động của cha, ngài nói: "Không ai lại không hài lòng với cha Tùy.” Trong 30 năm liền, nhà truyền giáo Lê Tùy hoạt động đắc lực phục vụ Giáo Hội. Cũng như mọi linh mục khác, từ khi vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo trên toàn quốc, cha phải hoạt động âm thầm trong bóng tối.
Cha Phêrô Lê Tùy bị bắt ngày 25.6.1833 đang lúc ban Bí Tích xức dầu cho 1 bệnh nhân tại Thanh Trai, một họ đạo nhỏ trong tỉnh Nghệ An, cha bị nộp cho quan huyện Thanh Phương. Quan huyện muốn tha cha: giáo dân đã đến điều đình xin chuộc. Quan đặt điều kiện cha phải khai là lang y chứ không phải linh mục. Cha Phêrô từ chối sự khai man đó. Cha bị đóng gông áp giải lên tỉnh đường Nghệ An.
Suốt 3 tháng tù, cha được mọi người từ quan với lính, cùng các tù nhân khác quý mến. Họ nói với nhau: “Một người hiền hậu nhân đức như vậy, mà bị giam như một phạm nhân gian ác, thật là bất công. Chúng mình chịu án phạt đã đành, chứ ông ấy nào có tội tình gì?” Các quan nhiều lần cho người dụ dỗ cha khai mình là y sĩ để khỏi chết, nhưng trước sau cha vẫn xác định mình là linh mục.
Thời đó, luật nhà nước cấm xử tử những người từ 60 tuổi trở lên. Đàng khác, đây lại là thời kỳ đầu cuộc bách hại, nên chính các quan khi làm sớ tâu về kinh, chỉ nghĩ tội nhân nộp một số tiền phạt thôi. Ai ngờ, vua Minh Mạng bất chấp luật lệ truyền thống nhân đạo của dân tộc. Ngày 10.10.1833, các quan tỉnh Nghệ An được sắc chỉ của vua: “Tên Tùy đã xưng là đạo trưởng và truyền dậy tà đạo cho dân, phải trảm quyết.” Một tín hữu nghe tin liền chạy đến nhà giam báo cho Cha biết. Cha Tùy không chút sợ hãi, chỉ hỏi lại cho chính xác, rồi vui vẻ nói: “Bấy lâu nay thật tôi không dám đợi trông một ơn lớn lao như vậy.”’
Sáng hôm sau 11.10.1833 cha Tùy tiến ra pháp trường chợ Quân Ban như đi dự hội, nét mặt vui tươi, đến độ dân đi xem và quan quân đều nói “Xưa nay chưa thấy ai bị đem đi xử lại can đảm đến thế.” Một giáo hữu trải chiếu ra, Cha quỳ xuống cầu nguyện, bên cạnh là người lính cần thẻ bài bằng gỗ ghi bản án: “Can phạm từ lâu học điều dị đoan, xưng mình đạo trưởng, lẩn trốn trong dân để quyến rũ. Bắt được đã tra xét kỹ càng. Lệnh xử chém tức khắc để răn kẻ khác.”
Một tính hữu, ông Bênađô Thu, đến xin quan đừng xử vội, để cha cầu nguyện giây lát. Quan đồng ý và đưa mấy quan tiền theo tục lệ vua ban cho xử tội mua sắm ăn bữa sau cùng. Cha Tùy không nhận, chỉ xin cầu nguyện ít phút nữa. Sau đó ông Thu đến lạy cha 4 lạy và nói: “Giờ đây cha sắp được về nơi vinh phúc đã từ lâu trông đợi. Phần con, con ở lại chốn khóc lóc này, xin cha nhớ đến con.” Vị linh mục cũng lạy 4 lần đáp lễ và khuyên: “Hỡi con, con hãy bền lòng vững chí, rồi con cũng sẽ được phần thưởng muôn đời.”
Sau đó, cha nói với lính: “Tôi đã sẵn sàng.” Lý hình vung gươm chém đầu cha. Các tín hữu xin thi thể cha, khâm liệm và áo quan, rước về họ đạo Tràng Nứa và an táng ở đấy. Sau này hài cốt đấng tử đạo được rời về giáo xứ Yên Duyên, rồi đưa về nguyên quán Bằng Sở (Hà Đông).
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề tựa của Lm. HK