Chầu Thánh Thể cnmc 3a _ ai khát, hãy đến với Tôi

AI KHÁT, HÃY ĐẾN VỚI TÔI
Đặt Mình Thánh (mời quì)
(Hát một bài tôn thờ Thánh Thể)
Lời dẫn
Khát là dấu hiệu cho biết cơ thể chúng ta thiếu nước, thiếu nước nhiều thì khát nhiều, thiếu nhiều quá thì nguy hiểm, và không có nước thì chết. Vì thế mà chữ khao khát được dùng để diễn tả một nhu cầu không thể thiếu cho chúng ta.
Thể xác thì khát nước, còn tâm hồn thì khát một lẽ sống. Lẽ sống là điều không thể thiếu cho một tâm hồn. Một tâm hồn không thấy cần đến một lẽ sống là một tâm hồn đã chết, cũng như người chết không còn khát nước nữa. Chính sự khao khát một lẽ sống giúp chúng ta nhận ra được sức sống nơi tâm hồn mình.  
Chúa là Tình yêu, là sự no thỏa và hạnh phúc cho mọi loài Chúa dựng nên. Khao khát của Chúa là thấy mọi loài được hạnh phúc, nhất là loài người. Thế mà đến những giây phút cuối cùng trên thập giá, Chúa còn nói “Ta khát” vì còn biết bao người chưa biết tìm đến Chúa là nguồn nước dồi dào cho sự sống của họ.
Lời Chúa (mời đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan, (Ga 4,5-42)
Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: "Xin bà cho tôi uống nước" (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: "Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?" (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).
Chúa Giêsu đáp: "Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: "Xin cho tôi uống nước", thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống".
Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?"
Chúa Giêsu trả lời: "Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời". Người đàn bà thưa: "Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa".
Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: "Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem". Chúa Giêsu đáp: "Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý".
Người đàn bà thưa: "Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự". Chúa Giêsu bảo: "Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây".
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: "Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế".
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm (mời ngồi)
Còn cần hơn cả nước cho thân xác là một lẽ sống cho tâm hồn. Các vĩ nhân, anh hùng là những người có một lẽ sống cao thượng. Dù có phải thiếu thốn trăm chiều, họ luôn sống trong hạnh phúc và thấy mình được no thỏa; ngược lại, những người theo chủ nghĩa vị kỷ và hưởng thụ luôn thấy mình thiếu thốn dù có được thụ hưởng gấp trăm người khác.
Họ có nhiều mà vẫn thấy còn thiếu, vì chưa có được điều khao khát tự đáy lòng; và không thiếu những người có ít mà vẫn thấy no thỏa vì họ đã gặp được điều lòng mình khao khát.
Khi nói với người phụ nữ Samaria: "Ai uống nước này, sẽ lại khát,” Chúa nói về việc tôn thờ ngẫu tượng, tôn thờ xa hoa, quyền lực và tiền bạc… Những thứ đó càng cho ăn thì càng đói.
Trong sứ điệp mùa chay 2014, ĐTC cho biết sự khốn khổ thật sự trong cuộc sống là không có sự tin tưởng, tình liên đới, và niềm hy vọng. Đó là những điều không được bảo đảm một chút nào khi cuộc sống vật chất có dư giả đến đâu. Chỉ nơi tình yêu Chúa chúng ta mới tìm được sự no thỏa cho mình, trong sự tin tưởng, trong tình liên đới và niềm hy vọng, như Chúa đã hứa: “Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời."
Tin Mừng dạy chúng ta sống yêu thương nên ĐTC Phanxicô gọi Tin Mừng là phương thuốc đích thực chống lại sự khốn khổ tinh thần. "Nó hệ tại bước theo và bắt chước Chúa Giêsu, Đấng đã đi đến với người nghèo và tội lỗi như người chăn chiên đã đi tìm kiếm con chiên lạc, và Ngài đã đi tìm bằng tất cả tình yêu của Ngài.”
Cầu nguyện (mời quì)
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã dựng nên chúng con theo hình ảnh Chúa, được chia sẻ sự sống và hạnh phúc của Chúa.
Trên bờ giếng Xy-kha, khát nước thì ít mà khát sự sống nơi tâm hồn người ta rất nhiều nên Chúa đã vượt qua rào cản của nghi lễ và tập tục để xin nước nơi một phụ nữ Samaria: "Chị cho tôi xin chút nước uống!"  Chúa xin nước để nói với chị về cái khát của chị,  một người đi tìm sự thỏa mãn nơi trần thế, tìm hoài mà chưa gặp.
Chúa xin nước còn để nói với mọi người về nước hằng sống Chúa mang đến: "Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời."
Lạy Chúa, sự sống đời đời là nên một với Chúa trong tình yêu. Sự hiện diện âm thầm của Chúa nơi đây chính là kiểu mẫu tuyệt vời cho chúng con về đời sống yêu thương phục vụ, về sự sống không mất đi và hết sức quí báu mà Chúa sẵn lòng cho chúng con.
Ngày nay chúng con nghe ra rả quảng cáo nhiều về một hạnh phúc mà không cần đến Chúa, nhiều lắm, và không ít lần chúng con đi tìm những hạnh phúc ấy, sống không Chúa, không tình yêu.
Thế gian hứa hẹn rất nhiều, nhưng “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103,15-16)
Đúng thế, "Ai uống nước này, sẽ lại khát” cũng là cảm nghiệm của thánh Augustinô khi chạy theo các thành đạt thế tục, tìm quyền lực, xa hoa và hưởng thụ. Cuối cùng ngài phải tìm về Chúa, và gặp được hạnh phúc đích thực trong đời phục vụ, yêu như Chúa yêu.
Xin cho chúng con có được cảm nghiệm của thánh Augustinô về hạnh phúc thật đến từ tình yêu của Chúa, để cùng với thánh nhân chúng con ca tụng và nài xin Chúa: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, vì thế mà lòng con còn thao thức khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”
Hát: Thành tâm thờ kính Chúa Giêsu suối mạch ân tình…”
Lm. HK